- Chơi game giúp cải thiện thị lực
- 7 công dụng lớn của game có thể bạn chưa biết
- Lợi ích khi chơi game Xếp hình
Khoa học cũng giống như một trò chơi bí ẩn, và con người luôn là những người chơi hiếu kì nhất. Các bí ẩn khoa học luôn có sự cuốn hút kì lạ, và dường như được sinh ra để chờ trí tuệ con người ở mọi thời đại giải đáp. Liệu kho tàng kiến thức khoa học có thể được khám phá thông qua... game? Hãy cùng Thanh Niên Game điểm qua một vài trò chơi đã giúp các nhà khoa học khám phá nên những kiến thức mới.
EteRNA
Mới đây, Viện khoa học quốc gia Mỹ (PNAS) đã đăng một bài luận văn nghiên cứu của hơn 37.000 tác giả. Những " tác giả " này đều là game thủ của trò chơi khoa học trực tuyến có tên là EteRNA.
Từ sự thiết kế, EteRNA có điểm giống game xếp kim cương Bejeweled hay trò chơi xếp gạch Tetris. Người chơi có thể nhấp chuột vào các viên nhỏ có màu sắc khác nhau để di chuyển chúng tạo thành một hàng hoặc một cột có từ 3 viên giống nhau trở lên. Điểm khác biệt là, các viên nhỏ trong trò chơi EteRNA trên thực tế lấy những đơn vị cơ bản của vật liệu sinh học để xây dựng nên cơ sở di truyền ARN, qua đó người chơi có thể tự do kết hợp tạo ra đủ loại phân tử. Nhà khoa học Adrien Treuille nói "ARN là những phân tử xinh đẹp. Chúng rất đơn giản và có thể tự lắp ráp thành các hình dạng phức tạp.”
Ngoài tác dụng giải trí, trò chơi EteRNA còn có chức năng quan trọng là phổ cập các kiến thức khoa học hữu ích. Trò chơi này do những nhà khoa học đến từ Đại học Stanford và Đại học Carnegie Mellon thiết kế, thông qua thao tác độc lập của hàng chục ngàn người chơi, để có thể mô phỏng quy luật hoạt động của ARN trong thế giới một cách chân thực. Trò chơi này đã nhận được sự hưởng ứng tán thành của giới khoa học công nghệ.
Trong EteRNA, người chơi đạt điểm cao nhất có thể có cơ hội tự mình thiết kế ARN tồn tại trong thế giới thực. Mỗi tuần các mẫu thiết kế tốt nhất được tạo ra bởi người chơi và được lựa chọn bởi cộng đồng sẽ được tổng hợp tại Đại học Stanford.
Sự khuyến khích này trở thành động lực cho người chơi. Họ cẩn thận kiểm tra một loạt dữ liệu được cung cấp bởi nhiều phòng thí nghiệm, và sau đó tiếp tục sửa đổi thiết kế của họ. Do đó, người chơi sẽ làm công việc vốn là của các nhà khoa học và có thể giúp các nhà khoa học làm sáng tỏ những câu đố khác nhau.
Luật sư Robert Rogge Sharansky ( New York) với tư cách là người chơi cho biết, 14 bản thiết kế của ông đã được chọn trong danh sách tổng hợp. "Nó có thể giải mã ra một loại protein trước đây chưa từng gặp. Đây có thể là nền tảng cho việc điều trị bệnh tăng nhãn áp hoặc ung thư trong tương lai, cũng có thể dẫn đến sự xuất hiện của zombie”.
Trong luận văn mang tên "Công bố công khai quy tắc thiết kế phòng thí nghiệm RNA", các nhà nghiên cứu cho biết thông qua EteRNA, 37.000 người tham gia không chỉ tiến hành mô phỏng phân tử mà còn tham gia trực tiếp vào thí nghiệm tổng hợp RNA, giúp các nhà nghiên cứu tìm thấy một số quy tắc thiết kế mà trước đó họ chưa biết.
Trong bài luận văn này ghi rõ tất cả tên đăng ký của 37.542 người chơi nhưng chỉ có 10% là các nhà khoa học chuyên nghiệp.
Trong vòng hai năm, thông qua sự đóng góp công sức của nhiều người, EteRNA đã đưa ra 40 quy luật mới phát triển ARN. Từ đó, các nhà nghiên cứu khẳng định sức mạnh của trí tuệ tập thể đã vượt qua siêu máy tính. Đồng thời họ cũng thực hiện một thuật toán mô phỏng siêu máy tính. Kết quả cho thấy độ chuẩn xác của đáp án máy tính đưa ra thấp hơn nhiều so với kết quả thu được từ trí tuệ tập thể người chơi.
Foldit: nhà khoa học nghiên cứu 10 năm không bằng game thủ chơi trong 3 tuần
EteRNA không phải là trò chơi đầu tiên thông qua “trí tuệ tập thể” nhằm phát triển mở rộng thí nghiệm khoa học. Một trong những game đi đầu cho ý tưởng này là Foldit, được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington.
Trò chơi Foldit đã thu hút hơn 50.000 người chơi tham gia. Trong số những người chơi, có rất ít người có nền tảng kiến thức về hóa sinh. Nó cho phép người chơi trải nghiệm cấu trúc 3D khác nhau của protein.
Bằng cách giải quyết những bí ẩn về cấu trúc 3D của protein, người chơi đã giúp các nhà khoa học tiến thêm một bước trong việc phát triển thuốc có thể ngăn chặn các virus như HIV lan rộng.
Người chơi trong vòng 3 tuần đã tháo được nút thắt trong một cấu trúc prô-tê-in quan trọng khiến các nhà khoa học phải bó tay trong nhiều năm. Các nhà nghiên cứu viết: “Thật phi thường, người chơi có thể tạo ra các mô hình đủ chất lượng để thay thế thành công các phân tử và xác định cấu trúc tiếp theo. Các cấu trúc được tạo ra này cung cấp những hiểu biết mới cho việc chế tạo thuốc kháng vi-rút.”
Trò chơi Foldit cho phép người chơi thiết kế một loạt các cấu trúc 3D của protein
Flash game phylo và Galaxy zoo
Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Đại học McGill (Canada) cũng đã tạo ra Flash game phylo. Với việc sắp xếp các thành phần ADN, đại diện là các khối màu khác nhau, kết hợp càng nhiều màu sắc càng tốt và giảm thiểu khoảng trống, người chơi sẽ tạo ra số điểm có giá trị cao cho mỗi bộ chuỗi ADN. Trò chơi được kỳ vọng sẽ cung cấp cho những nhà nghiên cứu một cái nhìn sâu sắc hơn về các mã di truyền và có thể giúp xác định nguồn gốc của bệnh di truyền. Họ tin rằng có thể có nguyên nhân gây ra ung thư ở người, rối loạn chuyển hóa, rối loạn thần kinh cũng như các bệnh khác và hy vọng bằng cách này sẽ tìm ra giải pháp cho các chứng bệnh này.
Trong khi đó, Galaxy zoo là một dự án thử nghiệm theo kiểu game tương tác trên Internet. Ước tính có khoảng 250.000 người dùng đăng ký cùng tham gia để phân loại các ngôi sao và hành tinh trên bầu trời. Ban đầu, các nhà thiết kế ban đầu nghĩ rằng họ sẽ phải mất một năm để phân loại một triệu bức ảnh các thiên hà. Nhưng trong ngày đầu của dự án, người dùng đã háo hức phân loại hơn 70.000 đối tượng chỉ sau một giờ. Kết quả thu được trong năm đầu tiên là hơn 50 triệu đối tượng đã được phân loại hoàn chỉnh.
"Hãy để các nhà khoa học nghiệp dư tham gia vào những nghiên cứu khoa học trực tuyến phức tạp”. Các nhà khoa học tin rằng Internet có thể làm cho "trí tuệ tập thể" gia nhập vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Đó cũng là một cách khơi dậy nhiệt huyết của những người đam mê khoa học.
Bình luận (0)