Khi giáo viên dạy thêm nổi tiếng như sao Hollywood

02/12/2012 15:15 GMT+7

(TNO) Mỗi ngày, “siêu sao dạy thêm” - thầy Richard Eng, chạy xe hơi thể thao xa xỉ Lamborghini đến trường, hướng dẫn hàng trăm học sinh chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới tại Hong Kong, Trung Quốc.

“Siêu sao dạy thêm” ở Hong Kong không mặc đồng phục hay quần áo trịnh trọng như những giáo viên bình thường, mà họ rất chau chuốt về ngoại hình và ăn mặc đẹp khi vào lớp, theo BBC.

Hình ảnh của các “siêu sao dạy thêm” giờ đây xuất hiện khắp nơi ở Hong Kong, chẳng hạn trên các biển quảng cáo và trên xe buýt.

Áp lực học hành và thi cử giúp các giáo viên dạy thêm trở thành siêu sao - Ảnh: chụp màn hình BBC
Áp lực học hành và thi cử giúp các giáo viên dạy thêm trở thành "siêu sao". Trong ảnh là quảng cáo của "siêu sao dạy thêm" Kelly Mok trên một chiếc xe buýt ở Hong Kong - Ảnh chụp màn hình website của BBC

Trên các biển quảng cáo, các “ông/bà hoàng dạy thêm” xuất hiện với hình ảnh như các người mẫu, diễn viên điện ảnh nổi tiếng, với những lời hứa hẹn giúp học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi đại học gay go sắp tới.

 

Nếu không có những kỳ thi đại học quốc gia nặng nề, đội ngũ giáo viên dạy thêm như chúng tôi không hề tồn tại

Thầy Richard Eng

Thầy Eng, thuộc Trường đại học Beacon, là người đầu tiên nảy ra ý tưởng tạo ra hình ảnh người nổi tiếng cho các giáo viên để tạo cảm hứng học tập cho học sinh, sau khi xuất hiện trong một bức ảnh cùng người chị làm siêu mẫu.

“Ở trường học, tất cả giáo viên đều ăn mặc giống nhau nên chẳng có gì hứng thú đối với học sinh. Nhiều học sinh cảm thấy rất chán chỉ vì giáo viên ăn mặc quá trịnh trọng và nghiêm túc”, thầy Eng cho biết.

“Học sinh rất quan tâm đến ngoại hình của giáo viên. Để trở thành những giáo viên dạy thêm hàng đầu, họ phải trẻ trung và có ngoại hình quyến rũ”, BBC dẫn lời Kelly Mok, "nữ hoàng" dạy thêm tiếng Anh, 26 tuổi, đang nổi như cồn tại Hong Kong.

"Nữ hoàng" dạy thêm Kelly ăn mặc đẹp và lộng lẫy như những người nổi tiếng lúc đi dạy cũng như lúc ra ngoài.

Tuy nhiên, Kelly không phải trở thành nữ hoàng dạy thêm nổi tiếng chỉ vì ngoại hình, cách ăn mặc mà còn nhờ vào khả năng giảng dạy và truyền đạt kiến thức đến học sinh.

Văn hóa thi cử nặng nề giúp việc dạy thêm lên ngôi

Những giáo viên trở nên nổi đình nổi đám như các ngôi sao nổi tiếng là nhờ vào nhu cầu học thêm ngày càng cao ở châu Á.

Phụ huynh sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền cho con cái học thêm để thi đậu vào các trường đại học danh tiếng.

Nghiên cứu của ADB công bố hồi tháng 7.2012 cho biết các bậc phụ huynh châu Á đang chi hàng tỉ USD cho con cái học thêm.

Năm 2010, người Nhật bỏ ra 12 tỉ USD cho con cái học thêm, còn ở Singapore, con số tương ứng hồi năm 2008 là 680 triệu USD.

Gần 9/10 học sinh tiểu học Hàn Quốc có gia sư trong khi con số này với học sinh tiểu học ở bang Tây Bengal của Ấn Độ cũng lên đến 6/10.

Trong những xã hội mà nơi thành công được cân đong đo đếm bằng điểm số các kỳ thi, dạy thêm trở thành một ngành công nghiệp “ẩn mình” nhưng thu nhiều lợi nhuận với nhu cầu học thêm ngày càng cao, theo một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Mỗi lớp luyện thi đại học của các "siêu sao" dạy thêm ở Hong Kong thu hút gần 100 học sinh đến tham gia.

“Một giáo viên dạy thêm có trên 2.000 học sinh có thể được mệnh danh là siêu sao dạy thêm”, BBC dẫn lời thầy Eng.

Giáo sư Mark Bray thuộc Đại học Hong Kong, một trong số các tác giả nghiên cứu của ADB, cho biết khoảng 72% học sinh trung học ở Hong Kong đang ráo riết học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi đại học.

“Dạy kèm và học thêm ngày càng mở rộng và thương mại hóa ở châu Á”, ông Bray nhận định.

Không chỉ riêng ở Hong Kong, ở Hàn Quốc, Thái Lan, Sri Lanka và Ấn Độ, những lò luyện thi đại học hay những trường dạy thêm tư nhân với đội ngũ “siêu sao dạy thêm” ngày càng thu hút nhiều học sinh, theo BBC.

“Chúng tôi cũng chứng kiến hiện tượng siêu sao dạy thêm ở Ấn Độ”, BBC dẫn lời ông Pramod Maheshwari, hiệu trưởng một lò luyện thi đại học ở bang Rajasthan, Ấn Độ.

Theo ông Maheshwari, sở dĩ chuyện dạy thêm “ăn nên làm ra” không phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của học sinh mà là do “những bất cập và yếu kém của hệ thống giáo dục”.

“Ở khắp Ấn Độ, trình độ và năng lực học sinh - sinh viên đều được cân đong đo đếm bằng điểm số với những kỳ thi nặng nề, đã tạo ra một thị trường béo bở cho dạy thêm”, BBC dẫn lời ông Maheshwari.

Cấm dạy thêm hay bỏ các kỳ thi tuyển sinh?

“Tâm lý bất an khiến phụ huynh đưa con em mình đi học thêm vì lo ngại chúng không thể vượt qua các kỳ thi khắc nghiệt. Nếu không có những kỳ thi đại học quốc gia nặng nề, đội ngũ giáo viên dạy thêm như chúng tôi không hề tồn tại”, thầy Eng chia sẻ.

Áp lực học hành và thi cử giúp các giáo viên dạy thêm trở thành siêu sao - Ảnh: chụp màn hình BBC
Áp lực học hành và thi cử giúp các giáo viên dạy thêm trở thành "siêu sao" như Kelly Mok (trái) và Richard Eng - Ảnh: chụp màn hình website của BBC

“Ở Hong Kong, hiện có quá nhiều "siêu sao" dạy thêm. Điều này càng khiến cho các bậc phụ huynh và học sinh hoang mang không biết phải chọn ai để cho con theo học” - cô Mok, "siêu sao" dạy thêm tiếng Anh, nói.

Nhiều nước ở châu Á đã áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế dạy - học thêm tràn lan nhưng vẫn giữ nguyên các kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia.

Chẳng hạn, chính phủ Hàn Quốc hồi thập niên 1980 từng ban hành lệnh cấm dạy thêm, sau khi nhiều giáo viên than phiền học sinh ngủ gật trong giờ học chính quy do đi học thêm quá nhiều.

Một nghiên cứu mới đây của các học giả Singapore cho thấy học thêm các môn học chính chỉ có những tác động tích cực lên điểm số những môn này, trong khi các môn khác lại bị học sinh lơ là, xem nhẹ. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của học sinh.

 

Đến năm 2009, chính phủ Hàn Quốc lại áp dụng nhiều biện pháp giới hạn số giờ dạy - học thêm để giảm bớt căng thẳng và áp lực cho học sinh.

Để lách quy định, các lò luyện thi đại học và các trung tâm dạy thêm đẩy mạnh các khóa học thêm trên mạng.

Tuy nhiên, theo ADB, chính phủ các nước châu Á nên nhận thức được rằng cách duy nhất để hạn chế nạn dạy - học thêm tràn lan là cân nhắc các kỳ thi tuyển sinh và nên động viên các trường đại học tập trung vào năng lực của học sinh hơn là điểm số trong khâu xét tuyển.

Các chuyên gia ADB kêu gọi chính phủ các nước châu Á giám sát chặt chẽ và quy định cụ thể với việc dạy - học thêm, cũng như cần đánh giá lại các hệ thống giáo dục ở châu Á.

Trong các lò luyện thi với "siêu sao" dạy thêm ở Hong Kong, phòng ốc được đầu tư khang trang và đẹp mắt, theo BBC.

Mỗi lớp học được trang bị máy chiếu, 4 camera thu hình và phát trực tiếp các "siêu sao" dạy thêm đang giảng bài cho học sinh.

Học sinh, nếu không đến lớp được, thì có thể đăng ký học online, xem các video bài giảng và trao đổi với "siêu sao" dạy thêm qua các trang mạng xã hội.

Áp lực học hành và thi cử giúp các giáo viên dạy thêm trở thành siêu sao - Ảnh: chụp màn hình BBC
Một lớp luyện thi đại học với "siêu sao" dạy thêm Eng - Ảnh: chụp màn hình video của BBC

Phúc Duy

>> Đề nghị kỷ luật cô giáo "dạy thêm trong phòng trọ"
>> Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh tiểu học
>> Cấm dạy thêm đối với bậc tiểu học và học sinh học 2 buổi/ngày
>> Dồn 32 học sinh vào phòng trọ 12 m2 để dạy thêm
>> Rối bời quản lý dạy thêm, học thêm
>> Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm
>> TP.HCM cấm dạy thêm đối với học sinh học 2 buổi/ngày
>> Dạy thêm, cấm thì mặc cấm: Đủ kiểu ép buộc
>> Dạy thêm, cấm thì mặc cấm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.