Khi hành chính 'hành' dân

28/09/2018 05:24 GMT+7

Nhiều vụ việc liên quan đến các thủ tục, hồ sơ... khiến người dân bị 'hành' kéo dài, quá mệt mỏi!

Dù nhiều lần chính quyền ở TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành cải tiến thủ tục, nhanh chóng giải quyết hồ sơ, vụ việc cho người dân, nhưng tình trạng chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng làm khó người dân, nhiều vụ việc chậm trễ kéo dài, khiến người dân và doanh nghiệp không biết kêu ai.
“Sao cứ thích làm khổ dân vậy ?”
Không thể chấp nhận được vì hành vi ngâm hồ sơ hoặc có thái độ quan liêu, hành dân là đi ngược lại với chủ trương nhất quán vì dân phục vụ của TP
Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM
Hơn 2 năm qua, bà Phan Thị Thanh Nga (chủ căn hộ số 44) và bà Bùi Thị Hòa (chủ căn hộ số 42) đều ở lô V cư xá Vĩnh Hội (P.8, Q.4, TP.HCM) đã đi khắp các cơ quan ở Q.4, Sở Xây dựng với mong muốn mua lại diện tích sàn nước rộng 8 m2 nằm ngay trong căn hộ của mình ở nhưng không được giải quyết.
Bà Nga kể gia đình bà sống ở chung cư này từ năm 1965. Năm 1997, sau một thời gian thuê, gia đình bà Nga và bà Hòa làm đơn mua căn hộ (theo Nghị định 61-CP năm 1994 về việc bán nhà ở cho người đang thuê) với giá gần 27 triệu đồng/căn.
Tuy nhiên, gia đình hai bà chỉ được mua 46 m2 chứ không được mua sàn nước rộng 8 m2 nằm ngay trong nhà dù sàn nước này nằm trong kết cấu chung căn hộ. Điều đáng nói là suốt thời gian dài cho thuê từ năm 1965 - 1997, cơ quan chức năng đều tính diện tích sàn nước vào tổng diện tích cho thuê.
“Khi chúng tôi làm thủ tục hỏi mua thì Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Q.4 (đơn vị được giao bán nhà thuộc sở hữu nhà nước ở Q.4) lại nói chỉ bán nhà chứ không bán sàn nước. Việc không bán sàn nước là vô lý bởi sàn nước này nằm lọt trong căn hộ và được gia đình chúng tôi sử dụng hơn 50 năm qua và không tranh chấp với ai. Dù cư xá gồm một tầng trệt và một tầng lầu nhưng căn hộ dưới và trên hoàn toàn tách biệt với nhau”, bà Nga nói và cho biết thêm cũng hoàn cảnh này nhưng một số căn hộ ở cư xá này lại làm thủ tục mua được sàn nước trong nhà.
Tuy nhiên, điều khiến bà Nga và bà Hòa bức xúc nhất chính là sự chậm trễ, đùn đẩy của chính quyền, cơ quan chức năng. Để được mua 8 m2 sàn nước nằm trong nhà mình, hơn 2 năm qua, cả hai bà đã trình tới 17 loại giấy tờ, hồ sơ liên quan, nhiều lần tới UBND P.8, Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Q.4, Phòng Quản lý đô thị Q.4, UBND Q.4, Sở Xây dựng, Thanh tra TP, Đoàn đại biểu Quốc hội TP… Hai bà đã đến các cơ quan thuộc UBND Q.4 chừng 20 lần, lên Sở Xây dựng hơn 5 lần.
“Bán được hay không thì phải trả lời dân biết chứ. Đằng này người dân hỏi thì không trả lời. Sao mấy ổng cứ thích làm khổ người dân hoài vậy?”, bà Nga bức xúc.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Trần Hoàng Quân, Chủ tịch UBND Q.4, cho hay lý do sự việc của bà Hòa và bà Nga kéo dài là do nhiều hộ dân ở cư xá không đồng ý bán sàn nước cho hai hộ này khi UBND phường lấy ý kiến. Hiện thẩm quyền bán hay không thuộc về Sở Xây dựng. Về câu hỏi tại sao cùng một cư xá nhưng hộ này được mua sàn nước còn hộ kia không được mua, ông Quân lý giải do Nghị định 61 về việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước do “yếu tố lịch sử”, tức là thời điểm này được bán nhưng thời điểm khác lại không được bán.
Tuy nhiên cách lý giải do “yếu tố lịch sử” không được hai hộ dân trên đồng tình. Bà Hòa cho hay: “Tại sao khi bán sàn nước cho những hộ dân trên, quận không thông báo rộng rãi cho người dân biết mà cứ âm thầm bán. Chưa kể ông Quân khi đó là Phó chủ tịch UBND Q.4 là người ký vào giấy tờ nhà đất các hộ được mua (?)”.
Đơn gửi lên cứ rơi vào diện “đang xem xét”
Bà Nguyễn Kim Vân, ngụ P.Bình Thọ (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cũng bị “hành” tới bến khi đi xin phép sửa chữa nhà ở P.Bình Thọ. Bà Vân được bà V.T.P.V ủy quyền sở hữu căn nhà 15/1 Lê Quý Đôn, P.Bình Thọ. Cuối tháng 7.2018, bà Vân nộp đơn xin phép UBND P.Bình Thọ sửa chữa nhà, nâng nền khu hẻm xi măng do gia đình bà sử dụng độc lập để chống ngập nước.
hanh_chinh_hanh_dan
Hẻm dẫn vào nhà bà Nguyễn Kim Vân Ảnh: V.N
Đến ngày 4.9, tức là hơn 30 ngày kể từ ngày nộp, đơn của bà Vân vẫn nằm trong diện “đang được xem xét”. Bà Vân bức xúc: “Chúng tôi đã liên tục hỏi cán bộ của P.Bình Thọ, đề nghị giải quyết rõ ràng, đúng theo quy định pháp luật nhưng vẫn không có kết quả. Vì sao đề nghị của gia đình chúng tôi là chính đáng, đúng quy định mà phường không giải quyết?”.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, đến ngày 10.9, sau 2 lần gửi đơn khiếu nại lên Chủ tịch UBND Q.Thủ Đức, Phòng Quản lý đô thị, Thanh tra xây dựng… về việc UBND P.Bình Thọ vi phạm thủ tục hành chính, nhưng mọi việc vẫn “đứng bánh”. Chưa kể, khiếu nại của bà Vân về việc UBND P.Bình Thọ không xử lý bãi xe trái phép, cho 1 nhà hàng ăn uống xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải sai quy cách gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhà dân lân cận, cũng bị “ngâm” mà không giải thích rõ lý do. Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Quận ủy Q.Thủ Đức, cho biết ông đã nghe phía gia đình phản ánh. “Quận đã có chỉ đạo các bộ phận liên quan kiểm tra, làm rõ để xử lý nghiêm”, ông Cường nói.
Thủ tục nhà đất vẫn “đội sổ” về trễ hẹn
Trễ hẹn về thủ tục nhà đất ở TP.HCM vẫn chiếm tỷ lệ nhiều nhất, gây bức xúc nhất cho người dân, doanh nghiệp. Theo một thống kê do Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (ĐKQSDĐ) TP công bố mới đây, có thời điểm TP có gần 110.000 hồ sơ nhà đất tồn đọng, trễ hẹn.
Điển hình như H.Củ Chi, tính từ đầu năm 2018 đến ngày 30.5, chỉ có 32 hồ sơ trong số gần 3.200 hồ sơ chuyển lên Văn phòng ĐKQSDĐ TP ký đúng hạn, chiếm tỷ lệ 1%. Việc trễ hẹn này còn ở diễn ra ở Q.9, Q.12, H.Bình Chánh, H.Hóc Môn…
Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho rằng: “Không thể chấp nhận được vì hành vi ngâm hồ sơ hoặc có thái độ quan liêu, hành dân là đi ngược lại với chủ trương nhất quán vì dân phục vụ của TP”.
Dẫn ra trường hợp người dân (ở P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức) bị “hành” như nói ở trên, ông Hà cho rằng yêu cầu của người dân về việc nâng nền trong nhà và nâng nền hẻm để chống ngập là chính đáng, được xem như là một thủ tục hành chính buộc phường, quận phải giải quyết kịp thời đúng theo quy định.
“Cán bộ, công chức phường khi nhận đơn, nếu thật sự công tâm, thể hiện tốt trách nhiệm công vụ, thì những yêu cầu như thế giải quyết rất nhanh chóng, thậm chí là trả lời ngay kết quả, chứ không để kéo dài cả tháng trời, rồi khi người dân khiếu nại lên cấp trên mới chịu xem xét giải quyết. Thực thi công vụ kiểu như thế là không thể chấp nhận, phải kiểm tra xử lý để chấn chỉnh”, ông Hà nói.
Kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong tiếp dân
Mới đây, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND TP vừa có chỉ đạo về kiểm tra vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đối với công tác chỉ đạo, điều hành trong công tác cải cách hành chính.
Theo đó, ngay trong tháng 9.2018, Sở Nội vụ có trách nhiệm tham mưu kiểm tra, trong đó chú trọng kiểm tra sự quyết liệt của người đứng đầu tại các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện trong công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, kiến nghị chính đáng và khiếu nại, tố cáo của người dân và thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Để làm căn cứ cho việc xem xét xử lý kỷ luật, UBND TP cũng yêu cầu các sở ngành, quận, huyện báo cáo các trường hợp vi phạm trong năm và kết quả xử lý, đặc biệt các vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như công tác giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.