Khi HLV Troussier 'bắt bệnh' cho đội tuyển Việt Nam

12/06/2023 07:34 GMT+7

Một tuần tập luyện đầu tiên của đội tuyển VN dưới thời HLV Philippe Troussier được tóm gọn trong mệnh đề "chuyền và chuyền".

Nhà cầm quân người Pháp trộn lẫn đội tuyển quốc gia và U.23 Việt Nam (với quân số tập luyện luôn lên đến 50 - 55 cầu thủ trên cùng một sân), chia đội thành 4 nhóm khác nhau. Dù thiết kế nhiều bài tập, nhưng nội dung đều hướng tới cải thiện kỹ năng kiểm soát bóng cho cầu thủ.

HLV Troussier yêu cầu học trò phải chuyền bóng chuẩn mực về mặt kỹ thuật, tốc độ lẫn hướng bóng để đặt đồng đội vào vị trí thuận lợi, di chuyển hợp lý nhằm mở ra không gian và lựa chọn chuyền bóng, khống chế bước một gọn gàng, luôn mở rộng thân người và hướng về phía trước. Những bài tập chuyền bóng và di chuyển được ông Troussier "xoay" liên tục theo nhiều dạng khác nhau, nhằm mang tới sự mới mẻ cho học trò.

Khi HLV Troussier 'bắt bệnh' cho đội tuyển Việt Nam - Ảnh 1.

HLV Troussier luôn yêu cầu các học trò phải kiểm soát bóng chắc chắn

VFF

Quế Ngọc Hải trêu Công Phượng cực hài: “Tưởng lãnh đạo xuống thăm đội”

Đây cũng là nét độc đáo của chiến lược gia 68 tuổi. Thay vì chia từng vị trí để tập các bài chuyên biệt, cả đội tuyển Việt Nam ở mọi vị trí đều phải học kiểm soát bóng, tập luyện đến khi nhuần nhuyễn, đáp ứng mọi tiêu chí ông Troussier đưa ra. Dưới thời ông Troussier, cầu thủ quen dần với mặt sân tập luyện nhỏ hơn, thường chỉ tập trên nửa sân hoặc một phần ba sân. Ban huấn luyện luôn "dồn" cầu thủ vào không gian chật hẹp, chủ yếu phát triển theo chiều ngang để mô phỏng các tình huống bị đối thủ gây sức ép hay quây rát.

Chuyền bóng nhanh hơn, tốc độ hơn, di chuyển chủ động hơn... là những khẩu lệnh quen thuộc của ông Troussier, khiến đội tuyển Việt Nam "mướt mồ hôi" để theo kịp. Kiểm soát bóng chắc chắn cũng là điểm khởi đầu của mọi ý tưởng ông Troussier muốn áp dụng.

Đội tuyển Việt Nam bay cao dưới thời HLV Park Hang-seo nhờ nền tảng phòng ngự phản công, với một khối phòng thủ chắc chắn biết giữ cự ly để bảo vệ khung thành, cùng tuyến tiền vệ, tiền đạo nhạy bén trong phản công. Nhờ triết lý phòng ngự thận trọng của ông Park, đội tuyển Việt Nam đã vô địch AFF Cup, lọt vào tứ kết Asian Cup hay vòng loại thứ ba World Cup chỉ trong 5 năm (2018 - 2022). Tuy nhiên, việc quá chờ đợi vào hàng thủ cùng những pha phản công khiến đội tuyển Việt Nam lép vế toàn diện trước những đội hàng đầu châu Á.

Thay đổi "não trạng" của một tập thể đã quen với khuôn mẫu phòng ngự phản công chuyển sang tấn công chủ động luôn đòi hỏi thời gian. Minh chứng là ở các buổi tập, ông Troussier liên tục phải nhắc nhở, uốn nắn cầu thủ, dù là tuyển thủ quốc gia đã chinh chiến nhiều giải đấu. Cả thầy và trò đã bắt được "bệnh", nhưng để chữa trị, cần rất nhiều thời gian, sự kiên trì và niềm tin dành cho nhau.

Tiến Linh phải tập riêng trong ngày tuyển thủ thứ 2 chia tay đội tuyển Việt Nam

Chuyên gia Đoàn Minh Xương chia sẻ: "HLV người Pháp đang rà soát toàn bộ lực lượng bóng đá Việt Nam, từ U.20, U.23 đến đội tuyển quốc gia để tìm con người phù hợp với triết lý và lối chơi xây dựng cho đội. Cách đá phòng ngự phản công đã mang lại thành quả, nhưng ở châu Á, đội tuyển Việt Nam mới nằm ở nhóm hai khu vực. Muốn lọt vào nhóm một, phải có phong cách thi đấu mới".

Bình luận viên Vũ Quang Huy đánh giá: "HLV Troussier đang thuận lợi nhờ có nhiều cầu thủ trẻ tài năng. Ông luôn chọn cầu thủ phù hợp với lối đá. Nhà cầm quân người Pháp sẽ tạo ra lối chơi mới để thúc đẩy cầu thủ cạnh tranh hơn, thay vì đá theo khuôn mẫu đã cũ mòn. Nếu ông thực sự áp dụng được triết lý mới, đội tuyển Việt Nam sẽ rất đáng chờ đợi".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.