Đã có rất ít bất ngờ xảy ra ở danh sách sơ bộ 36 cầu thủ chuẩn bị cho Asian Cup 2023 của đội tuyển Việt Nam. Chỉ 4 trong số 36 gương mặt được gọi (tương đương 11%) là những cầu thủ lên tuyển lần đầu. 32 cầu thủ còn lại đều là những cái tên được HLV Philippe Troussier sử dụng liên tục ở loạt đấu giao hữu cũng như vòng loại thứ 2 World Cup 2026.
Đội hình tối ưu của đội tuyển Việt Nam tham dự vòng chung kết Asian Cup 2023
Việc phần lớn cầu thủ trong bản danh sách đã được "đo ni đóng giày" một suất từ trước mang đến tín hiệu vui. Trước tiên ở chỗ, ông Troussier dường như đã cố định xong bộ khung đội tuyển, đồng nghĩa xây dựng xong khuôn mẫu lối chơi. Các cầu thủ có khả năng đáp ứng triết lý cầm bóng chủ động của chiến lược gia người Pháp đã được khoanh vùng rõ ràng.
Đội tuyển Việt Nam chỉ có khoảng 2 tuần chuẩn bị cho Asian Cup, tính từ thời điểm tập trung đến khi đá trận ra quân gặp Nhật Bản. Đây là khoảng thời gian chỉ vừa đủ để rèn đấu pháp, chiến thuật cho từng đối thủ cụ thể. Vậy nên, HLV Troussier cần một lực lượng sẵn có đã hiểu biết, thuộc lòng lối chơi để nhào nặn.
Tuy nhiên, việc trung thành với triết lý cũ, đồng nghĩa chấp nhận rủi ro có thể mắc lại những sai sót cũ đã lộ ra ở loạt đá giao hữu hay vòng loại thứ 2 World Cup 2026.
Đơn cử, HLV Troussier ưu tiên những trung vệ luân chuyển bóng tốt, muốn xây dựng những chân chuyền ngay từ hàng phòng ngự như trường hợp của Phan Tuấn Tài. Song, nhược điểm của những trung vệ kiểu này là thể hình yếu, khả năng tranh chấp tay đôi hay đeo bám, đua tốc không bằng những cầu thủ phòng ngự thuần túy.
HLV Troussier có lẽ chấp nhận những nhược điểm này, đánh cược với rủi ro để tạo dựng được hệ thống triển khai bóng từ hàng thủ, nhằm duy trì sự mạch lạc trong lối chơi kiểm soát. Việc triệu tập Lê Ngọc Bảo, một "chân chuyền" khác cho hàng thủ để tăng mức độ kiểm soát bóng, nhưng cũng đổi lại là rủi ro về kỹ năng phòng ngự cho thấy HLV Troussier sẽ kiên trì với triết lý, sẵn sàng đánh đổi với xác suất thất bại không nhỏ.
Một ví dụ khác, để đá theo triết lý Troussier, các cầu thủ sẽ phải hoạt động với cường độ rất cao. Học trò của chiến lược gia người Pháp được yêu cầu phải chạy liên tục để gây áp lực đồng bộ khi không có bóng, và chạy chỗ mở ra khoảng trống, hỗ trợ nhau phối hợp khi có bóng.
Ở sân chơi tầm châu Á, gặp những đội như Nhật Bản hay Iraq, cường độ thi đấu sẽ rất dồn dập và áp lực, đòi hỏi nguồn năng lượng dồi dào. Do đó, dễ hiểu khi nhà cầm quân người Pháp ưu tiên cầu thủ trẻ.
10 trong số 36 cầu thủ ở đợt tập trung này dưới 23 tuổi, phần lớn đã gắn bó với "Phù thủy trắng" từ SEA Games 32 đến nay. Đây là những cái tên giàu khát vọng chứng tỏ, còn nguyên sức trẻ và dư địa phát triển kỹ năng chơi bóng, không bị sức ì như nhiều đàn anh.
Dù vậy, mặt trái của sức trẻ là kinh nghiệm, khả năng điều hòa tâm lý cũng như thể lực. Hình ảnh Tuấn Tài chiến đấu đến kiệt sức, để rồi lộ ra khoảng hở cho Iraq khai thác trong trận gặp đội tuyển Việt Nam, là lời cảnh báo cho HLV Troussier về việc trẻ hóa đội tuyển.
Tại đấu trường khắc nghiệt và "tàn nhẫn" như Asian Cup, dàn sao trẻ đã đủ sẵn sàng hay chưa, chiến lược gia người Pháp cần nhận biết tinh tường.
Gần 1 năm huấn luyện, hơn 80 cầu thủ đã "ăn cơm tuyển" cùng nhiều lần xào xáo đội hình, duy chỉ một điều không đổi ở đội tuyển Việt Nam. Đó là niềm tin vào việc quả ngọt sẽ đến, nếu toàn đội chơi theo triết lý ông Troussier chọn lựa. Sân chơi Asian Cup có thể là điểm tựa cho niềm tin ấy, hoặc ngược lại.
23 năm trước, HLV Troussier đã lấy bàn đạp chức vô địch Asian Cup để đưa bóng đá Nhật Bản lên một nấc thang mới. Lần này cũng là sân chơi châu Á, với một đội tuyển khác và một mục tiêu khác, nhưng vẫn có điểm chung. Đó là "Phù thủy trắng" cần giải đấu châu Á để thuyết phục tất cả tin vào con đường ông vạch ra.
Bình luận (0)