Khi hoa hậu bước vào chính trường

27/03/2017 21:30 GMT+7

Hoa hậu Thế giới 2009 Kaiane Aldorino Lopez vừa được bổ nhiệm làm thị trưởng của Gibraltar. Tuy nhiên cô không phải là nhan sắc quốc tế đầu tiên bước chân vào con đường chính trị.

Chính quyền Gibraltar mới đây đã có thông cáo báo chí ngắn gọn công bố thông tin Hoa hậu Thế giới 2009 Kaiane Aldorino Lopez được bổ nhiệm làm thị trưởng của vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Theo đó, Hoa hậu Thế giới 2009 sẽ nhậm chức từ đầu tháng 4.2017 vai trò của thị trưởng theo chỉ định của quốc hội trong thời hạn 1 năm.
Kaiane đã được chỉ định làm phó thị trưởng Gibraltar từ tháng 3.2014. Kể từ đó, người đẹp từng giành vương miện Hoa hậu Thế giới đã tích cực tham gia rất nhiều hoạt động. Theo Global Beauty, vai trò thị trưởng Gibraltar chủ yếu mang tính chất lễ nghi.
Trước Kaiane, Hoa hậu Thế giới 1993 Lisa Hanna cũng đã đảm đương chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thanh niên của Jamaica.
Hoa hậu Thế giới 1993 Lisa Hanna  Ảnh: GB
Lisa Hanna sinh năm 1975, đăng quang Hoa hậu Thế giới ở tuổi 18 trong cuộc thi tổ chức tại Nam Phi. Hanna là người đẹp thứ ba của Jamaica nhận được vương miện Miss World nhưng là hoa hậu duy nhất của nước này bước chân vào con đường chính trị. Sau khi lên ngôi, Miss World 1993 bắt đầu tham gia vào đời sống chính trị khi trở thành người phát ngôn cho các vấn đề Thông tin, Văn hóa và Thanh Niên của Đảng Quốc gia Nhân dân (PNP). Khi PNP giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 12.2011, Lisa Hanna được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Văn hóa và Thanh niên.
Sự nghiệp chính trị lừng lẫy nhất phải nhắc đến người người đẹp Mona Irene Lailin Sáez Conde. Bà sinh năm 1961 tại Caracas, từng đoạt danh hiệu Hoa hậu Venezuela 1981 và đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ cùng năm tổ chức tại Mỹ. Bên cạnh vai trò là một nữ hoàng sắc đẹp, Irene Saez còn là một chính trị gia nổi tiếng. Bà từng là thị trưởng Chacao, một trong năm đơn vị hành chính của thủ đô Caracas. Cột mốc quan trọng là Mona Irene từng tham gia tranh cử chức tổng thống Venezuela vào năm 1998 nhưng nước này vẫn chưa quen với việc có nữ lãnh đạo nên chiến dịch của bà cùng ê kíp không thành công. Về sau, bà chuyển đến sống ở Florida, Mỹ.
Hoa hậu Venezuela 1981 suýt có cơ hội ngồi ghế tổng thống Ảnh: Getty/AFP
Không đoạt giải đình đám như các nữ hoàng nhan sắc quốc tế kể trên nhưng Sarah Palin từng tốn không ít giấy mực của báo chí quốc tế khi được ứng viên tổng thống John McCain mời vào cương vị ứng viên phó tổng thống, đồng hành cùng ông trong cuộc bầu cử năm 2008.
Nhiều người cho rằng Thống đốc bang Arizona tin tưởng nét duyên dáng và tươi trẻ của Sarah Palin, vốn từng giành ngôi vị hoa hậu thành phố Wasilla và sau đó trở thành người phụ nữ đầu tiên được bầu là thống đốc bang Alaska, cũng là thống đốc trẻ nhất trong lịch sử của bang này.
Tuy nhiên kết quả ngôi vị Tổng thống 2008 của nước Mỹ thuộc về ông Obama, dẫn đến vai trò chính trị của bà Sarah Palin không còn có cơ hội tỏa sáng hơn nữa.
Nhan sắc thu hút của nữ chính trị gia Sarah Palin Ảnh: AFP
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.