Đàn khỉ hoang ở Cù lao Chàm thường xuất hiện vào khoảng 4 giờ sáng cho đến tối, theo quan sát của chị Cao Thị Phương (40 tuổi, ở thôn Bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An). Mỗi ngày có ít nhất 5 - 7 con, có thời điểm một đàn khoảng 20 con từ trên rừng đồng loạt kéo xuống rồi “phân công” nhau vào từng nhà dân lục lọi tìm kiếm thức ăn. “Gia đình tôi kinh doanh dịch vụ lưu trú để đón khách du lịch nên mỗi ngày buộc phải mở cửa chào đón khách, việc này cũng là “cơ hội” tốt để khỉ xông vào nhà phá phách”, chị Phương nói.
Một góc đảo Cù lao Chàm |
NAM THỊNH |
Theo chị Phương, trước đó khỉ hoang gần như sống chung với con người, nhưng ít khi vào nhà phá đồ đạc. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây thì chúng kéo xuống từng đàn quậy phá, gây bao phiền toái và khiến cuộc sống bị đảo lộn. “Đàn khỉ liều mình mở rộng “địa bàn” tràn xuống nhà dân quấy phá để tìm kiếm thức ăn, bởi số lượng khỉ ngày một tăng lên, trong khi môi trường sống dần bị thu hẹp, nguồn thức ăn lại khan hiếm”, chị Phương lý giải.
Không chỉ trộm cắp đồ đạc, đàn khỉ còn cắn đứt dây kết nối mạng Internet và ăngten tivi. Nhiều vụ khỉ tấn công trẻ nhỏ để cướp đồ ăn xảy ra khiến các gia đình không dám để trẻ nhỏ ở một mình. “Người dân chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp để đẩy đuổi đàn khỉ về rừng, nếu không sẽ rất dễ xảy ra sự xung đột giữa người và khỉ”, ông Dân đề nghị.
Sợ khỉ hoang như sợ kẻ trộm
Ông Đinh Dân (68 tuổi, ở thôn Bãi Làng) giờ thấy sợ lũ khỉ hoang không khác gì sợ trộm cướp. Chỉ sơ hở một chút là từng đàn phá cửa chui vào nhà. Các hộ dân khác thậm chí không đếm xuể những lần quấy phá của đàn khỉ. Chúng xông vào nhà lục tung xoong nồi, tủ bếp để tìm kiếm thức ăn. Cây ăn quả ngoài vườn cũng bị bứt phá. Trái cây, bánh kẹo, thức ăn đặt tại các am thờ ngoài trời cũng bị chúng lục lọi, “cướp” luôn nếu chủ nhà không cảnh giác.
Những con khỉ hoang leo lên mái tôn hoặc đột nhập nhà dân trộm thức ăn |
NAM THỊNH |
Trao đổi với Thanh Niên, bà Phạm Thị Mỹ Hương, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, nhìn nhận khoảng 3 năm trở lại đây cuộc sống người dân trên địa bàn xã bị ảnh hưởng không nhỏ vì đàn khỉ hoang. Nhiều người dân phải dùng lưới thép che một số lối ra vào, nhưng nếu con khỉ lớn không vào được thì sẽ có con nhỏ chui vào, trộm đồ ăn rồi… chuyền ra ngoài. Lũ khỉ dần “ỷ lại”, không chịu đi kiếm ăn trong rừng ngoài nguyên nhân thức ăn dần khan hiếm có chuyện người dân quá thân thiện, thường xuyên cho chúng ăn. “Đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới nên mọi vấn đề bảo vệ động vật hoang dã rất được ngành chức năng quan tâm. Địa phương đã khuyến cáo người dân không quá gần gũi, thân mật với đàn khỉ dễ dẫn đến thay đổi tập tính dân dã của chúng, riết rồi không muốn tìm kiếm thức ăn trên rừng nữa mà cứ tràn xuống nhà dân để trộm”, bà Hương nói.
Chịu hết nổi, tôi phải đi mua lưới thép về giăng tất cả các lối ra vào rồi dùng đinh đóng chặt, bịt kín như kiểu dựng “thành lũy” để đối phó
Ông Đinh Dân, 68 tuổi, ở thôn Bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp, Cù lao Chàm
Cũng theo bà Hương, chính quyền xã đảo Tân Hiệp đã kiến nghị TP.Hội An có giải pháp, đặc biệt là mời các chuyên gia về lĩnh vực động vật hoang dã đánh giá hiện trạng, tìm giải pháp bảo vệ loài khỉ và kiểm soát tình trạng “quậy phá” này. “Bởi hiện có nhiều loại khỉ là động vật quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Sau này, hướng đến phát triển du lịch, chúng tôi cũng sẽ dự kiến đưa khỉ về khu trú tại một khu vực riêng cho khách tham quan”, bà Hương chia sẻ.
Một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam khuyến cáo người dân và du khách phải cắt đứt nguồn thức ăn thụ động của khỉ bằng cách không cho khỉ trái cây, đồ ăn. Ngoài ra, nhà cửa cần rào chắn kỹ càng, che đậy thùng rác cẩn thận... Lâu dần, không tìm được đồ ăn khỉ sẽ không xuống và tự tìm kiếm thức ăn trong rừng theo bản năng tự nhiên. Giải pháp trước mắt là xua đuổi, về lâu dài thì cần nghiên cứu trồng các loại cây ăn quả ở một khu vực nào đó trên đảo làm thức ăn cho khỉ.
Bình luận (0)