Bảo tàng nghề thêu Huế thành bảo tàng riêng của công ty
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế, cho biết ban đầu địa chỉ số 1 Phạm Hồng Thái nằm trong đề án xây dựng Bảo tàng Nghề thêu truyền thống Huế, làm nơi trưng bày những bộ sưu tập tác phẩm thêu, tôn vinh nghệ nhân nổi tiếng qua các thời kỳ, giới thiệu lịch sử nghề thêu truyền thống... và kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn ở cố đô.
Thế nhưng, thực tế cho thấy, khi đi vào đầu tư xây dựng, Công ty TNHH XQ Sử Quán đã chuyển tên gọi trên thành Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ Huế, biến nơi đây thành không gian trưng bày nghề thêu và tác phẩm thêu của riêng đơn vị mình. Tuy có tên là bảo tàng thêu, nhưng ở đây không hề có hình ảnh, tư liệu, hiện vật về lịch sử nghề thêu VN nói chung và cố đô Huế nói riêng. Tất cả sản phẩm được trình bày đều chỉ của XQ.
Trả lời PV Thanh Niên, bà Hồ Đăng Ngọc Hạnh, Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ Huế, cho biết ban đầu đề án dự kiến thành lập Bảo tàng Nghề thêu truyền thống Huế, nhưng sau khi đưa ra hội đồng do Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế chủ trì, thì các bên thống nhất dùng tên gọi Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ Huế. Cũng theo bà Hạnh, hiện bảo tàng đã có quyết định thành lập của UBND tỉnh và đang trong thời gian đầu tư, xây dựng, dự kiến sẽ khai trương ngày 27.4 để hưởng ứng Festival Nghề truyền thống Huế.
Hoàng hậu "biến" thành nữ thần
Đáng nói, ngay trong bảo tàng này, có một không gian được trình bày như một gian thờ tự mang tên Căn phòng Tri Ân Đồ. Bên trong căn phòng ấy, treo ngay chính giữa là quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế về việc giao Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý khu đất để làm phương án cho Công ty TNHH XQ Sử Quán thuê, xây dựng bảo tàng nghề thêu. Văn bản được thêu phóng to, cùng hàng chục chữ ký từ Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung, Giám đốc Sở VH-TT Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP.Huế Nguyễn Văn Thành... và nhiều cán bộ của tỉnh. Mỗi chữ ký đều được thêu và gắn vào khung gỗ treo lên tường. Cũng tại không gian này, chủ đầu tư treo thêm trong khung gỗ một văn bản có nội dung: Mười đức tính để tạo nên đấng quân vương.
Không gian bên ngoài sân vườn và lan ra cả vỉa hè là những cụm trưng bày với nhiều nội dung vô cùng khó hiểu, như: Hồ Trở Dạ, Đền Hơi thở Tổ tiên bên dòng sông Hương, Vọng Giác Sào (đặt một chiếc ghế dạng ngai trên giá gỗ)... Đặc biệt, có một không gian đặt “Chân dung thêu: Nữ thần sự thật và công lý (Nam Phương hoàng hậu)”... Ngoài ra, còn rất nhiều nội dung thuyết minh được trưng, treo ở đây với những ngôn từ không đúng chức năng thuyết minh hiện vật của một bảo tàng.
Gặp chúng tôi ngay tại Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ Huế, nhà văn Nguyễn Khắc Phê băn khoăn: “Họ dùng nhiều chữ nghĩa khó hiểu quá. Tôi cũng chưa có dịp để tham khảo đầy đủ ý nghĩa của những ngôn từ ấy, nhưng cũng có cảm giác nó "là lạ". Việc đặt tên cho tác phẩm là quyền của họ, nhưng nói Nam Phương hoàng hậu là "Nữ thần sự thật và công lý" thì không ổn. Nói đến một con người, một nhân vật lịch sử thì không thể tùy tiện”.
Cũng đã có ý kiến cho rằng với cách trưng bày "bảo tàng" mà Công ty TNHH XQ Sử Quán đang thực hiện thì không thể gọi là bảo tàng được. Bởi, ít nhất không gian trưng bày và thuyết minh hiện vật phải bảo đảm tính khoa học, chính xác. Với những gì XQ đang làm ở số 1 Phạm Hồng Thái, chỉ có thể gọi tên là "Không gian nghệ thuật XQ" mà thôi.
Nhạc sĩ Lê Phùng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên-Huế, cho rằng có thể dùng ngôn từ "kỳ bí", "thậm xưng" ở nơi khác, nhưng một khi đã gọi là bảo tàng - nơi dùng để trưng bày hiện vật phục vụ công chúng - thì không thể tùy tiện. "Tùy tiện như vậy sẽ gây ngộ nhận và hiểu lệch lạc về văn hóa, lịch sử. Tôi kịch liệt phản đối việc gọi Nam Phương hoàng hậu là "Nữ thần sự thật và công lý". Từ xưa tới nay, lịch sử cũng như cộng đồng chưa có ai gọi Nam Phương hoàng hậu như thế cả", nhạc sĩ Lê Phùng nói.
Trước những ý kiến trên, trả lời PV Thanh Niên, ông Phan Tiến Dũng cho biết hiện tại doanh nghiệp XQ đang "thử nghiệm" Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ Huế. Các nội dung trưng bày sẽ được hội đồng duyệt lại trước khi bảo tàng chính thức đi vào hoạt động.
Huế mở trục không gian văn hóa trên đường Lê Lợi
Ông Phan Tiến Dũng cho biết trên đường Lê Lợi đã có các thiết chế văn hóa nghệ thuật như công viên - tượng chí sĩ Phan Bội Châu, Bảo tàng Văn hóa Huế, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán... Sắp đến, Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị từ đường Phan Bội Châu cũng sẽ được chuyển đến vị trí của Trung tâm Festival Huế (17 Lê Lợi). Hiện tại, Sở VH-TT phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án trục không gian văn hóa nghệ thuật trên đường Lê Lợi, khu vực từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân, gồm chuỗi các bảo tàng, trung tâm nghệ thuật.
Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ Huế nằm ở trung tâm trục không gian văn hóa nghệ thuật này, tại giao lộ Lê Lợi - Phạm Hồng Thái.
|
Bình luận (0)