Khi Kapusta để sách trong thùng nhựa

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
20/04/2024 06:43 GMT+7

Ngày lại ngày, những chiếc thùng nhựa có bánh xe đựng sách của dự án Kapusta "cần mẫn" mang sách đến cho học trò Trường Huy Thượng.

Cô Phạm Thị Bích Hồng, giáo viên chủ nhiệm lớp 11 Nga Trường PTTH Hà Nội - Amsterdam, mở điện thoại để đọc tin nhắn từ Trường TH&THCS Huy Thượng, H.Phù Yên, Sơn La. "Cảm ơn em, cảm ơn các bậc phụ huynh và các em học sinh đã làm thay đổi ý thức tự học, tìm tòi kiến thức nâng cao hiểu biết của các em học sinh Huy Thượng. Giờ các con chăm lắm, ra chơi là tranh thủ để được đọc em ạ", cô Trần Thị Nga, phó hiệu trưởng Trường Huy Thượng nhắn. Kèm theo đó là ảnh chụp các cô cậu học trò ngồi đọc sách ngay trong lớp học".

Học trò Huy Thượng có thể đọc sách mỗi khi có thời gian trống nhờ những “giá sách di động” do dự án Kapusta tặng

Học trò Huy Thượng có thể đọc sách mỗi khi có thời gian trống nhờ những “giá sách di động” do dự án Kapusta tặng

Trần Thị Nga

Nhiều năm nay, cô Phạm Thị Bích Hồng cùng các học trò khối chuyên Nga vẫn làm dự án Kapusta. Kapusta, trong tiếng Nga nghĩa là bắp cải, cũng gợi hình ảnh gần với câu "lá lành đùm lá rách" của người Việt. Năm 2023, khối Nga của cô gom sách để tặng các học sinh ở Trường Huy Thượng. Các cô cậu học trò cũng có một dự án nho nhỏ - vẽ tặng các em ở Huy Thượng một bức tranh tường thư viện với những đám mây bông và khinh khí cầu đa sắc. Các bạn nhỏ Huy Thượng có thể ra đọc sách trong không gian thư viện có bức tường mây này. "Các con muốn các em được đọc sách", cô Hồng chia sẻ.

Nhưng mọi việc không chỉ dừng ở đó, dự án Kapusta còn tặng thêm các em 10 chiếc thùng nhựa gắn bánh xe. Những cuốn sách chở từ Hà Nội lên sau khi được cô giáo phụ trách thư viện đánh số, được chia đều vào 10 chiếc thùng đó. Từng lớp, từng lớp nhận thùng sách về phòng học, để trên bục. Mỗi khi đọc hết thùng này, các em lại có thể kéo thùng sang lớp khác để đổi một thùng mới. Mỗi chiếc thùng là một giá sách biết đi.

Khi Kapusta để sách trong thùng nhựa- Ảnh 2.

Cũng nhờ những giá sách vừa thấp, vừa ngộ nghĩnh dạng thùng như thế, sách trở nên gần vô cùng với các em. Thay vì phải chạy lên thư viện ở tầng khác, các em có thể tự kéo sách ra đọc trong lớp bất cứ lúc nào có thời gian trống. Bản thân các thầy cô ở Huy Thượng có thể ngắm niềm vui đọc sách trong lớp của các con mỗi giờ nghỉ. "Sách vẫn tiếp tục được chuyển đến các lớp để các con tự quản lý, các thùng cũng vẫn quay vòng tiếp", cô Trần Thị Nga, Phó hiệu trưởng Trường TH&THCS Huy Thượng, nói.

"Sách ở gần trong tầm tay thì các em có thể đọc sách tiện lợi hơn", ông Nguyễn Quang Thạch, người chuyên tâm phát triển phong trào đọc và thư viện chia sẻ kinh nghiệm. Thư viện dạng "thùng có bánh xe" cũng được hình thành dựa trên lời khuyên đó của ông, làm sao để sách gần tầm với của các em nhất. Nó tránh được tình trạng sách khó tiếp cận do ít thời gian lên thư viện, hoặc thư viện mở cửa vào lúc học trò đang trong giờ học.

Một chuyên gia về văn hóa đọc cho biết việc tặng sách cho thiếu nhi, cho các trường ở vùng sâu vùng xa bây giờ không ít. Tuy nhiên, tặng thế nào lại là một câu chuyện khác. Một tủ sách sẽ rất tốt nếu cân đối được các loại sách khác nhau cho thiếu nhi: có truyện tranh, có sách khoa học, có sách hướng dẫn về sức khỏe… Thêm vào đó, những cuốn sách đó phải được tổ chức sao cho các em thấy tiện lợi hơn như ông Thạch khuyên. "Sợ nhất là tình trạng sách được tặng về nằm im trong thư viện. Trong khi xây dựng văn hóa đọc phải gắn với mở toang các cơ hội đọc sách mọi lúc mọi nơi", chuyên gia này cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.