Khi ký hợp đồng phải lưu ý những điều này để không 'ôm cục tức'

02/09/2023 14:58 GMT+7

Câu chuyện nữ rapper Umie cầu cứu vì bị khống chế bởi một hợp đồng đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Đây cũng là bài học cảnh giác dành cho người trẻ.

Mới đây, rapper Umie (tên thật Đặng Nguyễn Uyên My, 22 tuổi, ngụ tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã kể lại sự việc có thực hiện ký hợp đồng hợp tác với một ê kíp. Ê kíp này hứa hẹn sẽ hỗ trợ Umie về mặt truyền thông.

Khi ký hợp đồng phải lưu ý những điều này để không 'ôm cục tức' - Ảnh 1.

Vì ký hợp đồng khi chưa đọc kỹ các điều khoản nên Umie (phải) đã gặp nhiều rắc rối

NVCC

Theo Umie, sau khi ký hợp đồng đã không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía ê kíp. Bản thân Umie phải "tự lực cánh sinh" tìm kiếm công việc. Do đó, Umie đề nghị ngừng hợp tác. Tuy nhiên đề nghị này không được chấp thuận vì nữ rapper bị ràng buộc bởi nhiều điều khoản.

"Thành viên trong ê kíp đều là những người bạn mà mình đã quen từ trước. Thế nên khi đặt bút ký mình đã không xem qua những điều khoản kỹ lưỡng. Để rồi dẫn đến những sự việc không hay", Umie kể và ta thán: "Nếu làm sai hợp đồng mình phải đền bù số tiền rất lớn. Bây giờ mình không biết phải làm sao. Mình rất lo lắng và hoảng loạn bởi bị hợp đồng đã ký khống chế".

Từ câu chuyện của Umie, nhiều người trẻ bày tỏ sự đồng cảm vì bản thân cũng từng ngó lơ việc đọc kỹ những điều khoản trong các hợp đồng dẫn đến những rắc rối.

Phan Thùy Linh (29 tuổi), từng làm việc tại một công ty công nghệ ở Q.5, TP.HCM. Dù không sai phạm trong suốt quá trình làm việc nhưng Linh bị sa thải. Linh tìm gặp lãnh đạo công ty để hỏi rõ lý do tại sao bị sa thải trong khi không hề vi phạm vào những lỗi được quy định tại Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019. Và Linh được yêu cầu đọc kỹ lại hợp đồng lao động từng ký. Trong đó có điều khoản: "Công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động".

"Lúc đó mình chỉ biết tự trách bản thân. Nếu ngày ký hợp đồng lao động mình đọc kỹ hơn các điều khoản thì đã không chịu nhiều thiệt thòi", Linh kể.

Anh Nguyễn Việt Linh (32 tuổi), làm việc tại 56 Yên Thế, Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết cách đây nửa năm có thực hiện một hợp đồng mua bán xe gắn máy. Vì chủ quan nên anh Linh chẳng đọc các điều khoản, quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng.

Sau khi mua, anh Linh phát hiện xe gắn máy bị hư hỏng nhiều phụ tùng nên yêu cầu bên bán phải thực hiện trách nhiệm bảo hành. Bên bán từ chối với lý do trong hợp đồng không có thỏa thuận phải bảo hành. "Mình cảm thấy tức nhưng không thể làm gì được. Lỗi là do mình. Lẽ ra trước khi thực hiện giao dịch mua bán, mình phải đọc kỹ hợp đồng. Đó là bài học kinh nghiệm cho bản thân", anh Linh nói.

Đỗ Thị Kim Mẩn, sinh viên Học viện hàng không Việt Nam, cho biết vào ngày 25.8 vừa qua đã mất 4,5 triệu đồng tiền đặt cọc thuê phòng trọ.

Mẩn nhớ lại: "Ban đầu, chủ phòng trọ nói rằng tiền thuê mỗi tháng là 4,5 triệu đồng bao gồm cả phí dịch vụ, điện, nước, internet… Cảm thấy hài lòng nên mình ký hợp đồng thuê phòng trọ và đóng tiền đặt cọc. Tuy nhiên khi dọn đồ đạc đến, chủ phòng trọ lại lật lọng, thông báo mỗi tháng cần phải đóng thêm tiền rác, điện, nước, phí sử dụng máy giặt... Mình không đồng ý nên quyết định từ chối thuê, yêu cầu lấy lại tiền đã đóng".

Mẩn kể tiếp: "Chủ phòng trọ không chấp thuận yêu cầu của mình. Ông ấy nói trong hợp đồng đã ghi rõ "không trả lại tiền đặt cọc nếu người thuê tự ý trả phòng". Thì ra ông ấy đã cố tình "giăng bẫy", chèn điều khoản bất lợi cho người thuê nhưng mình quá chủ quan không chịu đọc".

Khi ký hợp đồng phải lưu ý những điều này để không 'ôm cục tức' - Ảnh 3.

Cần đọc kỹ những điều khoản trong hợp đồng trước khi đặt bút ký

PHONG LINH

Nhiều người trẻ cũng chia sẻ chuyện không hề quan tâm đến việc đọc đầy đủ và kỹ lưỡng những hợp đồng từng ký. Từ việc mua nhà, thuê phòng trọ cho đến ký hợp đồng lao động, mua bảo hiểm… thì họ cũng quên đọc những điều khoản. Để rồi khi có khúc mắc xảy ra, họ chỉ biết "ôm cục tức".

Luật sư Huỳnh Thanh Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) nói: "Người trẻ thường rơi vào những tranh chấp liên quan đến hợp đồng lao động và mua nhà, thuê trọ. Mà nguyên nhân chủ yếu vì họ không chịu đọc kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký. Và khi có những mâu thuẫn, sự cố xảy ra, họ muốn đòi quyền lợi cho bản thân nhưng lực bất tòng tâm vì… bút sa gà chết".

Luật sư Tuấn khuyến cáo: "Cần cân nhắc kỹ trước khi ký hợp đồng. Đừng vì hợp đồng quá dài mà không chịu đọc. Nếu cảm thấy khó hiểu, không rõ nội dung thì có quyền yêu cầu được giải thích tất cả các điều khoản. Và khi không hài lòng với một số điều khoản, những thỏa thuận chưa hợp lý thì cần đề nghị chỉnh sửa. Chỉ ký hợp đồng khi hiểu tường tận mọi điều khoản. Có như vậy sẽ bảo vệ chính đáng quyền lợi của mình. Không thể "ký đại" khi chưa đọc".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.