Khi liêm sỉ bị 'miễn phí' knock-out

21/04/2015 11:24 GMT+7

Vụ hỗn loạn ở công viên nước Hồ Tây hôm 19.4 cho thấy hai từ ‘miễn phí’ mới hấp dẫn người ta đến thế nào. ‘Tâm lý đám đông’ đã khiến công viên nước Hồ Tây ‘vỡ trận’ trong một ngày cuối tuần nóng nực.

Vụ hỗn loạn ở công viên nước Hồ Tây hôm 19.4 cho thấy hai từ ‘miễn phí’ mới hấp dẫn người ta đến mức nào. ‘Tâm lý đám đông’ đã khiến công viên nước Hồ Tây ‘vỡ trận’ trong một ngày cuối tuần nóng nực.

leo hàng rào để vào Công viên nước Hồ Tây Không chỉ nam giới mà cả phụ nữ, trẻ em cũng leo hàng rào để vào Công viên nước
Hồ Tây - Ảnh: Anh Tuấn

Nhiều người trách Công viên nước Hồ Tây cố tình tạo ra tai tiếng để PR. Nhiều người đặt câu hỏi, sao Công viên nước Hồ Tây chỉ miễn phí chỉ có 2 tiếng? Sao họ không phát vé miễn phí để quản lý cho dễ? Không! Đó là quyền của Công viên nước Hồ Tây. Họ muốn khuyến mãi thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào chiến lược của họ, miễn sao không vi phạm pháp luật. Có trách thì trách bản thân mỗi người đã không thể đủ thiện tâm để tránh được ma lực của hai từ “miễn phí”.


Khi nhận thấy quá tải, Công viên nước Hồ Tây đã phát đi thông báo không tiếp đón người vào nữa. Thế nhưng, “cơ hội tắm miễn phí” ở một nơi nổi tiếng có lẽ đã làm cho hàng ngàn người bất chấp nguy hiểm, trèo qua cả hàng rào sắt nhọn tuồn vào công viên. Có người đã trách công viên nước Hồ Tây không có phương án ứng phó. Nhưng chắc chắn, bất cứ phương án ứng phó nào cũng sẽ thất bại khi đám đông đã quyết tâm gạt mọi quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng để thỏa mãn tính ích kỷ của mình.

Vẻ hào hứng, mãn nguyện của những người lọt vào được công viên nước Hồ Tây cho thấy một điều, cứ mỗi khi người ta tranh giành được một chút lợi ích mà không mất tiền, thì sẽ hả hê như vừa được tặng ban một ân huệ. Cái tâm lý tiểu nông, luôn chờ đợi được ban phát đã làm cho người Việt không biết chế ngự lòng tham trước những lợi ích chẳng phải do công sức của mình đem lại.

Tính tham lam, ích kỷ có vẻ như luôn thường trực trong tâm thức của nhiều người khiến cho lòng tự trọng, ý thức về sự công bằng bị che lấp, và liêm sỉ trở thành một món hàng đắt giá đến nỗi hiếm hoi. Những nam thanh nữ tú sẵn sàng leo qua hàng rào sắt nhọn là một minh chứng rõ ràng cho việc liêm sỉ vắng bóng.

Hình ảnh những ông bố, bà mẹ đưa con qua hàng rào sắt nhọn sẽ mãi là một kỷ niệm khó phai trong tâm hồn đứa trẻ. Rồi khi lớn lên, có lẽ đứa trẻ, nếu không được giáo dục tốt, sẽ tiếp tục “leo rào” để cố gắng có được những lợi ích không phải trả giá bằng năng lực và tâm sức. Thật đáng lo khi những người làm cha mẹ biện hộ rằng, đó là nỗ lực giúp con cái có cơ hội vui chơi… miễn phí!

Hình ảnh các cô gái bị sàm sỡ khi lọt vào Công viên nước Hồ Tây khiến nhiều người bàng hoàng. Chỉ có thể nói, những nam thanh niên sàm sỡ các cô gái kia đã không được giáo dục tử tế, hay nền giáo dục của chúng ta chưa cung cấp cho họ những chuẩn mực tử tế? 

Có lẽ cảm giác chung của những người đang mong ước về một xã hội văn minh là thở dài ngao ngán, chua xót! Chua xót cho một lớp người đang và sẽ đảm nhận nhiệm vụ làm chủ đất nước, xây dựng một xã hội nhân bản!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.