Khi lớp học không chỉ có phấn trắng, bảng đen

Vũ Thơ
Vũ Thơ
06/05/2018 09:26 GMT+7

Khác với lớp học truyền thống chỉ có phấn trắng, bảng đen, vở viết, tại lớp học thú vị này, học sinh được tương tác với giáo viên bằng phần mềm công nghệ giáo dục thông minh.

Khi cô giáo Hoàng Ngọc Ân, giáo viên lớp 4 A3, Trường tiểu học Archimedes Academy, yêu cầu học sinh làm một bài toán rồi gửi cho cô bằng hình ảnh. Chỉ vài phút sau, trên bảng tương tác của lớp đã lần lượt xuất hiện các bài làm của học sinh. Trên một bài làm, có em còn tặng kèm cho cô cả 1 cái mặt cười…
Cô giáo lướt ngón tay trên bảng và có thể chọn bất kỳ bài của học sinh nào để chữa và cả lớp đều nhìn thấy bài làm của mình. Đó chính là cách kiểm tra bài tập của học sinh bằng phần mềm của dự án giáo dục thông minh Smart Education do VNPT và NTT (Nhật Bản) hợp tác xây dựng, hiện đang được triển khai thử nghiệm tại Trường tiểu học Archimedes.
Đặc biệt, phần mềm còn hỗ trợ cho học sinh trong việc làm bài tập nhóm. Các em được tự do thảo luận về một bài tập nào đó, ghi ra giấy và chụp ảnh gửi cho giáo viên. Ngay lập tức, bài tập của các em được hiện lên bảng tương tác và cô giáo cùng học sinh sẽ đưa ra các nhận xét về bài làm. Vì vậy, lớp học trở lên sôi nổi và không có sự nhàm chán như lớp học truyền thống.
Học sinh làm việc nhóm để cùng giải quyết một bài tập Ảnh Vũ Thơ
Với việc sử dụng phần mềm này trong giảng dạy, cả giáo viên và học sinh đều thấy hào hứng. “Khi học ở đây con cảm thấy rất vui vì được làm việc nhóm với các bạn và học trên ipad con thấy rất nhanh”, Nguyễn Uyên Khánh, học sinh lớp 4 A3, hào hứng nói.
“Cô gửi phiếu kiểm tra vào máy, con làm bài và ấn nút hoàn thành để gửi cho cô. So với cách học thông thường thì nhanh hơn nhiều vì con ít phải viết”, học sinh Nguyễn Thị Hà Linh chia sẻ.
Hà Linh cũng cho biết, ngoài việc học môn toán bằng phần mềm công nghệ, các con còn được học môn khoa học và được thực hành trực tiếp trên lớp giúp các con hiểu bài sâu hơn.
Hỗ trợ việc giảng dạy
Theo chia sẻ của đại diện dự án, mô hình giáo dục thông minh trong đó áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin mới nhất, đã được triển khai thành công tại nhiều trường học ở Nhật Bản, phục vụ đắc lực hoạt động giảng dạy, học tập tại các trường. Khi được ứng ụng ở Việt Nam, mô hình này hướng đến đối tượng học sinh tại các trường tiểu học và THCS.
Mô hình lớp học thông minh gồm có: nền tảng điện toán đám mây kết nối bảng tương tác, máy tính và máy tính bảng; nội dung giảng dạy được số hóa và lưu trữ trên đám mây; các thiết bị phục vụ lớp học (bảng tương tác, máy tính cho giáo viên, máy tính bảng cho học sinh, hệ thống tủ sạc, các phụ kiện); hạ tầng truyền dẫn (đường truyền Internet trực tiếp, Wi-Fi access point, Switch, cáp CAT5...); nhân viên công nghệ thông tin trực tiếp hỗ trợ giáo viên và học sinh trong lớp học.
“Tôi chỉ mất 3 buổi thực hành, trong đó có một buổi làm việc với các chuyên gia Nhật bản để được đào tạo thì đã sử dụng thành thạo”, cô Hoàng Ân chia sẻ về việc tiếp cận công nghệ này.
Cô Ân cũng cho biết công nghệ này đã giúp rất nhiều cho việc giảng dạy của giáo viên. Ví dụ, có thể kiểm tra bài làm của học sinh một cách dễ dàng vì phần mềm có chức năng tự chấm điểm những bài trắc nghiệm của học sinh; hoặc giáo viên có thể gửi nội dung học tập cho học sinh cùng một lúc mà không phải phát cho từng em như trước đây. Đồng thời, khi học sinh gửi lại bài trên hệ thống, giáo viên cũng sẽ kiểm soát được các em có làm bài hay không...
Phần mềm cho phép 2 thí sinh làm bài cùng một lúc và cạnh tranh về thời gian Ảnh Vũ Thơ
“Phần mềm này có một số công cụ giúp chúng tôi thực hiện được một số công việc mà với công cụ khác thì không, như việc cắt ghép hình rất chính xác. Tất cả các lớp mà tôi dạy, học sinh rất hào hứng và mong chờ đến giờ học này”, cô Ân chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Mỵ, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Archimedes Academy, cũng cho biết: “Ứng dụng mô hình lớp học thông minh là đổi mới phương pháp giảng dạy, khắc phục được hạn chế của phương pháp giáo dục truyền thống và giúp trẻ tiếp cận được những phương tiện hiện đại trong học tập để có kết quả tốt hơn”.
Cô Mỵ cũng cho biết, trường đã thí điểm thành công từ tháng 1 tại khối lớp 4 của trường và sắp kết thúc giai đoạn thí điểm. Dự kiến năm học 2018 - 2019, nhà trường sẽ nhân rộng mô hình này sang khối lớp 5. "Chi phí đầu tư cho mô hình lớp học thông minh này sẽ không tính vào học phí của học sinh, do nhà trường được VNPT và NTT hỗ trợ về công nghệ và phương tiện. Nhà trường chỉ đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt nguồn lực giáo viên để đáp ứng việc ứng dụng công nghệ này", cô Mỵ nói.
Đặc biệt, đại diện dự án cho biết, song song với thử nghiệm tại Trường tiểu học Archimedes, các bên sẽ tiếp tục làm việc, đàm phán và tiến hành thương mại hóa mô hình này tại nhiều trường học ở Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.