Thu hút trí thức không chỉ hứa hẹn hay trông chờ vào tinh thần tự giác
Thông tin trên được chia sẻ trong Hội thảo quốc gia "Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới", do ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư và Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 24.2.
MỘT SỐ NHÓM NGÀNH KHÔNG TUYỂN ĐƯỢC SINH VIÊN
Chia sẻ tại hội thảo, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho hay trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, số cán bộ nghiên cứu/vạn dân còn thấp so với các nước trong khu vực. Thống kê từ Bộ KH-CN cho thấy chỉ đạt khoảng 15,6 cán bộ nghiên cứu/vạn dân, đặc biệt là số cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ còn rất thấp, chỉ với gần 30.000 tiến sĩ.
Trong khi đó, cũng theo ông Quân, công tác đào tạo khối ngành khoa học - công nghệ chưa gắn nhiều với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chưa bền vững. Cụ thể số lượng nhập học không đồng đều giữa các nhóm ngành và có xu hướng giảm, nhất là ở trình độ sau ĐH. Thống kê từ Bộ GD-ĐT cho thấy số lượng nghiên cứu sinh các nhóm ngành này liên tục giảm trong 3 năm gần đây. Cụ thể, năm 2019 có 1.379 nghiên cứu sinh thì năm 2021 chỉ còn 1.010 người.
Ở bậc ĐH số lượng thí sinh nhập học ngành công nghệ thông tin liên tục tăng, từ 46.173 sinh viên (SV) năm 2019 lên 56.260 SV năm 2022, đạt 100% chỉ tiêu. Trong khi các ngành khoa học tự nhiên, khoa học sự sống thì số lượng SV nhập học chỉ đạt hơn 50% chỉ tiêu. Cá biệt có một số nhóm ngành khoa học không tuyển sinh được như hải dương học, địa chất. Tổng số nhập học của các nhóm ngành này chỉ đạt chưa đến 30% tổng số SV nhập học. "Tỷ lệ SV nhập học khối ngành toán, khoa học - công nghệ thấp, có xu hướng giảm, phân bố không đồng đều, nguy cơ khủng hoảng thiếu - thừa", ông Quân nhấn mạnh.
CHỈ 10,21% SINH VIÊN GIỎI MUỐN ĐI LÀM CHO CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
PGS-TS Vũ Hải Quân cũng nêu ra 2 vấn đề của ĐH Quốc gia TP.HCM. Cụ thể, theo kết quả khảo sát gần 20.000 SV ĐH Quốc gia TP.HCM, cho thấy tỷ lệ SV giỏi muốn làm việc cho các cơ quan nhà nước còn thấp. Cụ thể, chỉ có 10,21% SV giỏi muốn đi làm cho các cơ quan nhà nước.
Liên quan vấn đề này, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ KH-CN, có ý kiến: "Vì sao SV ra trường không muốn làm việc cho cơ quan nhà nước, một thực tế là lương bổng rất thấp". Ông Nghĩa nêu ví dụ từ thực tế nhân lực tuyển dụng vào viện nghiên cứu, một tiến sĩ bắt đầu vào làm nghiên cứu viên, hưởng mức lương bậc 3 chưa tới 4 triệu đồng/tháng. "Trong khi đó, thuê một người giúp việc đã 7 - 8 triệu đồng/tháng - điều này rất bất cập", ông Nghĩa nhấn mạnh. Ông Nghĩa cũng cung cấp thêm số liệu đáng báo động cho thấy nhân lực toàn thời gian làm nghiên cứu hiện nay đang giảm, từ hơn 28.700 người năm 2015 xuống còn trên 25.000 (giảm gần 3.000 người). Theo ông Nghĩa, đây là sự báo động cho thấy cần có chính sách để phát triển đội ngũ này.
VÌ SAO 10 NĂM CHỈ TUYỂN ĐƯỢC MỘT TIẾN SĨ ?
Chia sẻ trong hội thảo, đại diện tỉnh Sóc Trăng cho biết hiện cán bộ công chức, viên chức kể cả người lao động của tỉnh có trình độ từ ĐH trở lên là trên 20.300, trong đó tiến sĩ 31 người và thạc sĩ trên 1.200 người. Đại diện tỉnh này cho hay: "Đây là lực lượng tinh hoa, rất đáng quý. Nhưng thời gian qua rất nhiều cán bộ công chức, viên chức có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc chuyển về các địa phương có điều kiện tốt hơn. Mặc dù địa phương có nhiều chính sách nhưng những chính sách đó không đủ mạnh để giữ chân".
Đại diện tỉnh Sóc Trăng cho biết trong 10 năm chỉ thu hút được một tiến sĩ nhưng năm rồi tiến sĩ này không trụ được đã quay trở về TP.HCM. Đây là băn khoăn, trăn trở rất lớn của địa phương.
Liên quan vấn đề này, GS-TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM, cho rằng: "Nhiều người trẻ trong các viện nghiên cứu, trường ĐH không chỉ rời khu vực công sang khu vực tư làm việc, mà còn chuyển hẳn sang làm công việc khác để có thu nhập tốt hơn". Phân tích nguyên nhân, GS Phước cho rằng chính sách hỗ trợ dành cho SV chưa đủ mức, không tuyển chọn được SV giỏi do việc làm và thu nhập trên thị trường lao động sau khi tốt nghiệp không hấp dẫn, số lượng SV bỏ học chuyển sang lao động đơn giản nhưng thu nhập khá hơn gia tăng. Đặc thù các địa phương, theo GS Phước, đội ngũ trí thức ở các tỉnh không có điều kiện phát triển. Ông Phước cho rằng có khoảng cách khá xa giữa trình độ, lực lượng và cơ cấu của đội ngũ trí thức ở các TP lớn và các tỉnh; ở các khu vực thuận lợi và điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trong khi thực tiễn phát triển lại diễn ra sôi động và cấp bách ở cơ sở. Trong khi đó, các địa phương thường không thể thu hút được đội ngũ trí thức chuyên môn cao do nhiều lý do: thiếu việc làm ổn định, thiếu kinh phí để duy trì, điều kiện sinh sống và phát triển không thuận lợi, nhất là đối với đội ngũ trẻ...
NHIỀU TRÍ THỨC RỜI KHU VỰC CÔNG SANG TƯ
PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH-CN, cũng nhìn nhận việc xây dựng các chính sách trọng dụng, đào tạo đội ngũ trí thức nói chung và trí thức khoa học - công nghệ là rất cần thiết. Trong bối cảnh kinh tế đất nước phát triển liên tục trong thời gian qua, nhiều tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp đã thu hút và đãi ngộ các nhà khoa học tốt hơn nhiều đơn vị nhà nước.
Chính sách chưa tiếp cận và động viên được đội ngũ trí thức
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng đội ngũ trí thức có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của TP nhưng TP chưa phát huy hết tiềm năng này. "Vậy vấn đề gì đang cản trở điều này? Chính là cơ chế chính sách quy tụ, kết nối, phát huy đội ngũ trí thức", ông Mãi đặt vấn đề. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, thời gian qua TP.HCM đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, trong đó có cả nghị quyết để thu hút trí thức nhưng sau một thời gian chỉ thu hút được trên dưới 20 người. Các chính sách của TP chưa bao gồm, chưa tiếp cận và động viên được đội ngũ trí thức ở nhiều lĩnh vực. TP đang giao cho một số đơn vị nghiên cứu cơ chế chính sách mới nhằm thu hút đội ngũ trí thức trong và ngoài TP thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ linh hoạt.
Ông Đạt cho biết gần đây khi làm việc với các tổ chức khoa học - công nghệ công lập, bộ này thường xuyên nhận được ý kiến về việc một số lượng lớn các trí thức khoa học - công nghệ rời khu vực công sang làm việc tại khu vực tư. "Đây là khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước. Nếu không có quy hoạch và chế độ đãi ngộ phù hợp để giữ chân các nhà khoa học trong các tổ chức công lập, thì sẽ mất cân đối chung trong phát triển đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ quốc gia", ông Đạt lo ngại.
Bộ trưởng Bộ KH-CN còn nêu thực trạng nhiều trí thức sau nhiều năm làm việc tại các doanh nghiệp, khi chuyển vào làm việc trong các tổ chức công nghệ công lập, không được kế thừa các chế độ đãi ngộ và phải bắt đầu hưởng mức lương khởi điểm khi vào cơ quan nhà nước. "Đây là thực tế khó khăn cản trở việc thu hút đội ngũ trí thức giỏi, chất lượng cao cho các tổ chức khoa học - công nghệ công lập", ông Đạt thẳng thắn nhìn nhận.
PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cũng chia sẻ một khảo sát nhỏ về những yêu cầu của đội ngũ trí thức. Trong đó, ông Bình nêu lên yếu tố quan trọng đầu tiên chính là môi trường làm việc. Sau đó là khả năng phát triển cá nhân và chuyên môn trong quá trình làm việc, chế độ chính sách đãi ngộ và tương lai phát triển của gia đình nhỏ của họ. Tuy nhiên, theo ông Bình: "Nếu so với thực tế triển khai vừa qua hình như có độ chênh". Và trong những vấn đề tồn tại của chính sách, PGS Bình nêu ra một ví dụ cụ thể - một giáo sư về VN làm việc trên 15 năm nhưng hiện vẫn mất 18 tháng với nhiều lần đi lại để xin giấy phép lao động trong 2 năm.
Bình luận (0)