Trong cuốn "Sổ hóa đơn" của má, tiền điện hằng tháng bao giờ cũng là khoản chi "trong tầm ngắm" cần phải cắt giảm. Là người thuộc thế hệ cũ, mỗi lần thấy các con làm gì một chút cũng xài điện với lý do nhanh và tiện, má đều không hài lòng. Má bảo, bất kỳ cái gì, dù nhiều, hễ xài lắm thì cũng sẽ hết. Điện cũng vậy. "Ngày xưa không điện đóm người ta vẫn sống khỏe re. Nên giờ có điện thì phải tiết kiệm", má căn dặn.
Sau này tôi lấy vợ, má cũng nhắc lại với con dâu những điều này. Vì con dâu là người kế tiếp thay má "tay hòm chìa khóa" trong gia đình. Chuyện nội trợ với bao nhiêu thứ cần chi, riêng nhìn hóa đơn điện hằng tháng má quyết định "bổ túc" gấp khóa học xài điện sinh hoạt trong nhà sao cho tối ưu.
Khóa học bắt đầu trước hết từ trong nhà bếp. Ban đầu khi lựa chọn bếp để đồng hành với gia đình, giữa nhiều loại, má chọn bếp từ. Giá có nhỉnh hơn chút ít nhưng nguyên lý hoạt động của bếp này là sinh ra từ trường làm nóng đáy, sau mới sinh nhiệt làm chín thức ăn trong nồi. Bếp giúp tiết kiệm năng lượng tối đa khi có thể chuyển hóa điện năng tiêu thụ thành nhiệt năng. Về lâu dài sẽ giúp tiết kiệm chi phí.
Khi mua thiết bị điện gia dụng, má luôn để ý đến chỉ số hiệu suất năng lượng. Những thiết bị với công nghệ Inverter (công nghệ biến tần) hoặc có ghi chú "Tiết kiệm năng lượng" luôn được ưu tiên. Má nói, làm gì cũng nghĩ cho lâu dài.
Vì nghĩ cho lâu dài nên món nào nấu mất nhiều thời gian má sẽ khuyến khích con dâu xài… bếp củi. Ở quê có vườn nên củi đuốc không thiếu, cũng không nên để mục thì lãng phí biết bao. Cũng với ý nghĩa đó, để không lãng phí sức lao động trong khi cuộc sống ở quê ít áp lực về thời gian, gia đình đồng lòng sử dụng "máy giặt chạy bằng cơm" như là một kiểu thể dục, quần áo cũng sạch hơn lại tiết kiệm điện.
Học theo má, vợ tôi cũng sát sao trong việc dùng điện. Vào giờ cao điểm, cô ấy kiểm tra tắt hết những thiết bị không cần thiết; khuyến khích tôi đưa con đi chơi công viên để hạn chế bật ti vi. Nàng còn siêng năng lau chùi thiết bị điện trong nhà để giảm bụi bặm tiêu tốn điện; chăm chỉ rút hết nguồn thiết bị khi không sử dụng. Yêu thiên nhiên, vợ tôi còn trồng nhiều cây xanh nhỏ đặt ở một vài vị trí trong nhà. Những chậu kiểng dường như cũng có tác dụng "giải nhiệt" không chỉ cho tinh thần mà còn thể chất. Bên cạnh đó, gia đình tôi cũng chủ ý dùng rèm cầu vồng cản nắng và tia UV.
Máy nước nóng lạnh trong nhà thì má chọn loại dùng năng lượng mặt trời. Miền Nam chỉ có hai mùa nắng mưa, nhưng dù có đang trong mùa mưa thì vẫn có nửa ngày là nắng, không lo thiếu năng lượng. Về chiếu sáng, má tôi đề xuất và cả nhà nhất trí chọn bóng đèn LED thay vì đèn dây tóc sẽ gây nóng và tốn điện năng. Tuy nhiên, vào ban ngày chúng tôi chủ yếu tận dụng ánh sáng tự nhiên khi mỗi phòng đều có cửa sổ lớn. Có khi ban đêm chúng tôi mở cửa đón gió mát vào để khỏi phải dùng quạt hay điều hòa.
Nhưng kể có ngặt phải mở máy lạnh thì nhiệt độ má khuyên dùng cũng là 270C. Có một combo quy tắc nữa là mở quạt hai vạch cho thổi lên trần để tản nhiệt và sau đó chuyển sang chế độ "ECO" để tiết kiệm điện.
Vợ tôi vào mỗi tối thời tiết nóng quá cũng thỉnh thoảng mở điều hòa, nhưng đều rất tuân thủ quy tắc này của má. Đúng là "đồng… mẹ chồng, đồng nàng dâu", mà nhờ vậy tiền điện nhà tôi vào mỗi tháng sổ hóa đơn của má đều là những con số dễ thở, ai thấy cũng đều ao ước.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, nhận bài dự thi đến hết ngày 10.7.2024. Quý độc giả có thể gửi bài dự thi qua mail về địa chỉ tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện tới Tòa soạn Báo Thanh Niên 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ được đăng tải chi tiết trên thanhnien.vn.
Bình luận (0)