- 5 xu hướng của ngành công nghiệp trò chơi trong năm 2014
- Công nghệ theo dõi chuyển động PrioVR: Mặc vào và... chơi
- Oculus Rift: khi công nghệ chơi game thực tế ảo đã đến rất gần
Oculus Rift có lẽ là sản phẩm có thể thực hiện ước muốn này. Nhà thiết kế Palmer Luckey, người đứng đầu dự án kính chơi game thực tế ảo Oculus Rift cho biết: "Thiết bị sẽ giúp người chơi bước vào thế giới trò chơi điện tử một cách chân thật nhất." Thiết bị thử nghiệm được công bố vào năm 2012 tại cuộc triển lãm game E3 (Mỹ) đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người chơi.
Kính Oculus Rift hiện đang được xem là thiết bị chơi game thực tế ảo được biết đến nhiều nhất. Khác với Google Glass, Oculus Rift là một thiết bị với màn hình hiển thị gắn trên đầu người chơi. Sản phẩm này kết hợp con quay hồi chuyển và dụng cụ cảm biến quán tính để nhận biết vị trí đầu người chơi và điều chỉnh góc nhìn tương ứng với màn hình. Nhờ đó, người chơi giống như hòa nhập hoàn toàn vào thế giới ảo của game.
Dự án Oculus Rift lần đầu xuất hiện trên trang gọi vốn Kickstarter đã lập tức nhận được sự hưởng ứng và đóng góp của nhiều tín đồ công nghệ trên thế giới. Gabe Newell, chủ tịch Valve nhận xét: "Thiết bị trông cực kỳ thú vị và nếu có thể giải quyết các vấn đề khó khăn thì chắc chắn Oculus Rift sẽ thành công. Chúng tôi luôn ủng hộ dự án này."
Ban đầu trên trang Kickstarter, Oculus Rift được tài trợ 250.000 USD nhưng việc huy động vốn thực tế đạt gần 2,4 triệu USD. Vào giữa năm 2013, công ty lại đưa ra mục tiêu khoảng 5,5 triệu USD, cuối cùng nâng lên 16 triệu USD. Đến cuối năm 2013, Rift nhận được khoản đầu tư 75 triệu USD từ hãng đầu tư Andreessen Horowitz.
Trước đây, Andreessen Horowitz cũng đã từng góp vốn đầu tư cho các sản phẩm như vòng đeo tay Jawbone, Facebook, Twitter và Skype. "Chúng tôi tin rằng sản phẩm này sẽ đem lại diện mạo mới cho ngành công nghiệp game, cũng như làm thay đổi trải nghiệm cho người dùng ở nhiều lĩnh vực khác như phim, giáo dục, kiến trúc và thiết kế," Andreessen cho biết.
Oculus Rift là sản phẩm được xem nhiều nhất trong cuộc triển lãm game E3 năm 2013. Trước đó, sản phẩm cũng được đề cử là "thiết bị tốt nhất năm" trong cuộc triển lãm game E3 vào 2012. Công ty đang có kế hoạch nâng cấp độ phân giải HD cho sản phẩm mới. Cho đến nay, các trò chơi Team fortress 2, Half-life 3, Tuscany razer hydra đã được hỗ trợ bởi sản phẩm và có hàng chục trò chơi đang được phát triển.
Ngoài tăng trải nghiệm chơi game cho người dùng, Oculus Rift còn cung cấp một không gian sáng tạo cho các ứng dụng điện tử khác. Viện nghiên cứu công nghệ thuộc Đại học Tsukuba (Nhật Bản) gần đây đã nghiên cứu sáng tạo ra một ứng dụng mới của kính. Ứng dụng này cho phép nhân vật hoạt hình thực sự "sinh tồn" trong không gian thực tế ảo và tương tác thông qua quá trình mô phỏng. Các nhà phát triển đã sử dụng những module 3D miễn phí để tái tạo "thần tượng ca nhạc ảo" Hatsune Miku và giúp người đội Oculus Rift có thể… ngủ chung với cô nàng trong không gian ảo.
Tất nhiên, một thiết bị như vậy trước mắt vẫn chưa đủ thực hiện lý tưởng về không gian thực tế ảo của các nhà sản xuất Oculus Rift vì còn nhiều hạn chế: bộ khung còn khá đồ sộ, độ phân giải màn hình tương đối thấp (1280 x 800), và các game thủ bình dân khó có thể chấp nhận một mức giá khá cao (giá dự kiến của Oculus Rift vào khoảng 300 USD - tương đương 6,6 triệu đồng). Tuy nhiên, theo các nhà phát triển, Oculus Rift hoàn toàn không muốn trở thành món đồ chơi chỉ dành riêng cho những người giàu có. Điều này có nghĩa trong tương lai giá của sản phẩm triển vọng này có thể được điều chỉnh để tất cả người dùng có thể chấp nhận được.
Bình luận (0)