|
Quy trình đăng ký dự thi không đổi
Theo ông Bùi Văn Ga, quy trình và phương thức đăng ký dự thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 về cơ bản không thay đổi nhiều so với các năm trước. Cụ thể, thí sinh vẫn khai hồ sơ đăng ký dự thi và nộp về trường THPT để chuyển về các sở GD-ĐT. Các sở này sẽ chịu trách nhiệm nhập dữ liệu tuyển sinh để gửi về Bộ. Trên cơ sở tổng hợp, Bộ sẽ lọc thông tin rồi phân dữ liệu tuyển sinh về từng cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Các trường ĐH chủ trì cụm thi sẽ chịu trách nhiệm in giấy báo dự thi, giấy chứng nhận kết quả thi gửi tới các sở chuyển về cho thí sinh qua các trường THPT như trước đây. Thí sinh sẽ sử dụng các giấy chứng nhận này để tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH và CĐ theo nguyện vọng.
Cũng theo ông Ga, trước đây dự kiến cụm thi do địa phương chủ trì chỉ giao cho các sở GD-ĐT tổ chức. Nhưng để đảm bảo tính nghiêm túc và công bằng, các trường ĐH không chủ trì cụm thi cũng sẽ phối hợp hỗ trợ các sở trong việc giám sát kỳ thi.
Nhấn mạnh về cụm thi do các trường ĐH chủ trì, ông Ga nói: “Ở những địa bàn có nhiều trường ĐH lớn như Hà Nội và TP.HCM, yếu tố quyết định việc lựa chọn trường ĐH chủ trì cụm thi là vị trí địa lý. Chẳng hạn, 6 cụm thi dự kiến tại TP.HCM sẽ nằm ở các khu vực đông, tây, nam, bắc và trung tâm thành phố để thuận tiện cho việc di chuyển của thí sinh. Điều này có nghĩa, về cơ bản thí sinh ở gần các cụm thi nào dù của TP.HCM hay tỉnh lân cận cũng sẽ tập trung tại chính cụm thi đó”. Tuy nhiên, ông Ga nói thêm, thí sinh vẫn có quyền lựa chọn cụm thi theo nguyện vọng trước kỳ thi, bởi sẽ có những thí sinh xét về địa bàn hành chính thuộc cụm thi này nhưng về vị trí địa lý ở gần cụm thi khác hơn.
Phải di chuyển ở môn thi tự chọn?
Trường ĐH Y Dược TP.HCM là một trong số 6 trường ĐH chủ trì cụm thi tại TP.HCM. PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng phụ trách đào tạo của trường, cho hay năm nay có khả năng trường phải huy động khoảng 1.000 sinh viên năm cuối và học viên sau ĐH tham gia vị trí cán bộ coi thi.
Còn tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết kỳ thi tuyển sinh trước đây có thời điểm trường đã tổ chức thi cho 76.000 thí sinh trong 2 đợt nên tin rằng có thể đảm nhiệm tốt cụm thi với con số 30.000 thí sinh trong năm tới. Tuy nhiên, trường này vẫn lấn cấn ở khâu chấm thi các môn tự luận mà trước nay trường chưa có kinh nghiệm như sử, địa… nên rất cần sự hỗ trợ từ Sở GD-ĐT TP.HCM.
Tương tự, đại diện cụm thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Trường chỉ có trên 10 giảng viên có thể chấm thi môn văn. Với 25.000 thí sinh dự thi môn văn, trường cần hỗ trợ thêm 100 cán bộ chấm thi để có thể hoàn thành việc này trong vòng 5 - 7 ngày thay vì từ 10 - 20 ngày như các năm trước”.
Điều khiến các trường chủ trì cụm thi lo lắng hiện nay là việc sắp xếp phòng thi theo môn. Đại diện một trường ĐH chủ trì cụm thi dự đoán, có khả năng thí sinh phải di chuyển qua phòng thi hoặc điểm thi khác nhau giữa các môn thi tự chọn (ngoài 3 môn thi bắt buộc là toán, văn, Anh). “Sở dĩ như vậy là do dồn thí sinh thi chung môn về cùng vị trí để tránh hiện tượng nhiều điểm thi chỉ có vài ba thí sinh trong một phòng thi, gây lãng phí. Nhưng một khi phải di chuyển nhiều, việc làm bài thi của thí sinh có thể bị ảnh hưởng”, lãnh đạo một trường dự kiến phân công chủ trì một cụm thi tại TP.HCM cho biết. Về điều này, ông Ga chia sẻ, Bộ sẽ cân nhắc trong quá trình quy hoạch cụm thi và sắp xếp lịch biểu từng môn thi để hạn chế việc thí sinh phải di chuyển nhiều trong 4 ngày thi.
Liên quan đến môn thi, chiều hôm qua, theo một đại diện của Bộ GD-ĐT, các môn tự luận ở kỳ thi này có thời gian làm bài là 180 phút, giống với thời gian làm bài các môn thi ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ để nhằm đánh giá được trình độ của TS.
Trong khi đó, lãnh đạo một trường ĐH khác lo lắng: “Để tránh xảy ra tiêu cực trong kỳ thi, Bộ và Sở nên phối hợp để phân luồng cụm thi tránh giáo viên coi và chấm chính bài thi của học sinh mình dạy. Muốn vậy, việc điều động các giáo viên phổ thông vào kỳ thi này cần được phân bổ có chủ ý”.
Điểm quy đổi miễn thi ngoại ngữ chỉ dùng xét công nhận tốt nghiệp THPT Chiều 11.12, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT, cho biết thêm thông tin chi tiết về việc quy đổi điểm môn ngoại ngữ cho thí sinh đủ điều kiện miễn thi môn này theo quy định trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Để được công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải đạt điểm mỗi môn thi trên mức tối thiểu và tổng điểm các môn thi phải không nhỏ hơn mức điểm theo quy định của Bộ. Do vậy, khi miễn thi môn ngoại ngữ phải quy đổi ra điểm môn thi này cho thí sinh để cộng với điểm các môn thi còn lại khi xét công nhận tốt nghiệp THPT. Điều kiện để được xét miễn thi là thí sinh có các chứng chỉ quốc tế có uy tín theo quy định với trình độ từ B1 trở lên. Trình độ này cao hơn nhiều so với yêu cầu về ngoại ngữ đối với học sinh hoàn thành chương trình THPT. Do đó, các thí sinh được miễn thi ngoại ngữ dự kiến sẽ được nhận điểm tối đa môn ngoại ngữ khi xét công nhận tốt nghiệp THPT. Điểm quy đổi này chỉ được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT mà không được sử dụng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Thí sinh muốn sử dụng kết quả môn ngoại ngữ để xét tuyển vào những trường này phải dự thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia. Bộ GD-ĐT cũng cho rằng việc miễn thi môn ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp nhằm tạo động lực để thay đổi cách dạy, học và thi môn ngoại ngữ theo cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên, đây mới là dự kiến nên mong nhận được những ý kiến góp ý của công luận. Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng thông thường, miễn thi được hiểu là đạt mức trung bình. IELTS có mức điểm cao nhất là 9.0, như thế 4.0 (mức tối thiểu được miễn thi tốt nghiệp môn tiếng Anh theo quy định của Bộ) vẫn ở mức trung bình. Như vậy, nếu phiên ngang mức điểm thấp qua thành mức cao nhất (điểm 10) là chưa phù hợp. Vũ Thơ |
Hà Ánh
>> Thêm trường lớn tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT quốc gia
>> Một kỳ thi THPT quốc gia: Sao không để học sinh thi tại địa phương?
>> Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra trong 4 ngày
>> Cần thiết phải tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia
Bình luận (0)