Khi nào không nên lái xe?

01/08/2012 10:44 GMT+7

Hôm 30-7, một tài xế có tiền sử bệnh suyễn, trong lúc lái xe đã lên cơn ho rồi gục xuống vôlăng khiến xe rơi xuống vực khi đang chở 28 hành khách.

Vậy theo quy định, sức khỏe của tài xế ra sao mới được cầm vôlăng?

 Khi nào không nên lái xe
Kiểm tra sức khỏe tại Trung tâm Sát hạch lái xe của Sở Giao thông vận tải TP.HCM
- Ảnh: Thuận Thắng

Các bệnh gây nguy hiểm

Bác sĩ Võ Đôn, phụ trách khoa nội thần kinh tổng quát Bệnh viện Nhân Dân 115 TP.HCM, cho biết những người mắc bệnh dưới đây không nên lái xe:

Người mắc bệnh hen suyễn ngồi lâu trong máy lạnh hoặc mở cửa cho thoáng nhưng gặp lúc kẹt xe, hít phải nhiều khói bụi đều dễ gây kích thích, co thắt phế quản gây khó thở, không làm chủ được tay lái, dễ gây nguy hiểm cho chính người lái xe và những người khác trên xe. Người mắc bệnh hen suyễn khi uống thuốc giãn phế quản có thể bị tác dụng phụ của thuốc này là run tay nên cũng không an toàn khi lái xe.

 

Hiện nay ngành y tế vẫn chưa ban hành quy định mới về tiêu chuẩn sức khỏe đối với người học lái xe cho phù hợp với thực tế

Ông Nguyễn Văn Quynh

Người bị suy tim khi ngồi lái xe lâu, mệt mỏi sẽ dễ gây suy tim cấp, gây ứ trệ tuần hoàn phổi, gây phù phổi, khó thở. Một bệnh lý khác cũng không an toàn cho người cầm lái là rối loạn nhịp tim. Có hai loại rối loạn nhịp tim thường xuyên (bệnh rung nhĩ) và rối loạn không thường xuyên. Người bị rối loạn nhịp tim thường xuyên khi lái xe lâu, mệt mỏi sẽ làm bùng phát những cơn rối loạn nhịp, tim đập không đều dễ gây tắc mạch não, đột quỵ, ngưng tim. Người bị rối loạn không thường xuyên như cơn rung nhĩ, cơn nhịp nhanh kịch phát, rung thất, ngoại tâm thu cũng dễ gây ngưng tim khi ngồi lâu, mệt mỏi. Ngồi lái xe lâu, gây mệt mỏi cũng là yếu tố thuận lợi để những người mắc bệnh mạch vành dễ khởi phát nhồi máu cơ tim cấp (còn gọi là đột quỵ tim).

Những người mắc bệnh động kinh khi ngồi lái xe lâu, mệt mỏi cũng dễ dẫn đến những cơn động kinh. Khi đó người bệnh sẽ có cơn co giật hoặc co cứng cơ, hoặc mất ý thức thoáng qua sẽ rất nguy hiểm khi đang lái xe. Những người có bệnh lý đột quỵ: tiền sử có những cơn thiếu máu thoáng qua hoặc tê yếu nửa người, hoặc từng bị đột quỵ nhẹ (yếu chân, yếu tay...) một lần nhưng vẫn sinh hoạt bình thường đều dễ bị tái phát đột quỵ nhồi máu não hay xuất huyết não tái phát.

Ngoài ra, những người bình thường nhưng đang dùng một số thuốc gây tác dụng buồn ngủ cũng cần lưu ý khi lái xe, cần được bác sĩ tư vấn với những thuốc kê toa và dược sĩ ở nhà thuốc tư vấn với những thuốc không cần kê toa.

Trường dạy lái xe khó phát hiện

Theo ông Nguyễn Anh Dũng - phó hiệu trưởng Trường đào tạo lái xe Tiến Bộ, việc người lái xe bị bệnh suyễn, bệnh cao huyết áp... mà chở khách sẽ gây nguy hiểm cho hành khách đi xe. Đặc biệt là với người bệnh cao huyết áp, rất dễ xảy ra đột quỵ trong lúc lái xe. Do đó trong quá trình đào tạo lái xe, trường luôn khuyến cáo người học, nhất là những người học lái xe tải, xe chở khách điều này.

Tuy nhiên, ông Dũng nói đó chỉ là khuyến cáo của trường, còn việc “gác cửa”, không cho người có những bệnh trên lái xe là trách nhiệm của các phòng khám sức khỏe. Đồng thời tự thân người học lái xe phải lường được sức khỏe của mình, không nên cầm lái vì có thể gây nguy hiểm cho xã hội.

Ông Nguyễn Văn Quynh - hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Giao thông vận tải trung ương 3 - cho rằng thực tế các trường khó phát hiện và xử lý người học lái xe chở khách có bệnh gây nguy hiểm khi lái xe. Bởi vì thời gian học nâng hạng bằng lái xe từ hạng C (ôtô tải, đầu kéo có một rơmoóc từ 3.500kg trở lên) lên hạng D (ôtô chở người từ 10-30 chỗ ngồi), hạng D lên hạng E (ôtô chở người trên 30 chỗ ngồi) chỉ mất một tháng. Do đó việc không cho những người có bệnh lái xe chính là đơn vị quản lý và sử dụng người lái xe. Việc này không chỉ nhằm bảo đảm tài sản cho người chủ (xe) mà còn hạn chế gây tai nạn cho người khác.

Trong khi đó, theo ông Dương Tự Lực - trưởng phòng quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe  Sở Giao thông vận tải TP.HCM, dù biết người học lái xe bị các bệnh có thể gây nguy hiểm trong khi lái xe nhưng rất khó loại người bệnh dự sát hạch giấy phép lái xe. Bởi khi nộp hồ sơ dự sát hạch giấy phép lái xe, họ có giấy khám của các bệnh viện ghi rõ có đủ sức khỏe thi giấy phép lái xe. Đến khi giấy phép lái xe hết hạn, người xin đổi giấy phép lái xe cũng trình giấy khám sức khỏe được bác sĩ chứng thực có đủ sức khỏe lái xe đúng hạng bằng giấy phép lái xe được cấp. Như vậy, căn cứ trên giấy khám sức khỏe đó, sở sẽ cấp giấy phép lái xe cho người dự thi hoặc đổi bằng giấy phép lái xe.

Trong tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ban hành kèm theo quyết định số 33/2008), Bộ trưởng Bộ Y tế có quy định tiêu chí về thể lực hoặc chức năng sinh lý, bệnh tật (có hoặc không có các thiết bị trợ giúp) không đủ điều kiện về sức khỏe để điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Trong đó có các tiêu chí về chức năng sinh lý bệnh tật cho mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, tâm thần, thần kinh (rối loạn tâm thần cấp/mãn tính chưa khỏi hoàn toàn hoặc đã khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ hai năm, thiểu năng tâm thần ở các mức độ có hoặc không kèm theo suy giảm nhận thức, động kinh...); bệnh tim mạch loạn nhịp hoàn toàn, ngoại tâm thu, suy tim, nhồi máu cơ tim cũ...); hệ hô hấp (các bệnh, tật gây giảm chức năng thông khí phổi, tâm phế mãn); nội tiết - chuyển hóa (Basedow chưa được điều trị bình giáp, hoặc có biến chứng như lồi mắt, hạ kali máu, biến chứng tim mạch, bướu giáp độ 3 chèn ép khí quản)...

Theo Ngọc Ẩn - Thùy Dương / Tuổi Trẻ

>> Vụ lừa đảo của một cán bộ Trung tâm sát hạch lái xe Củ Chi: Thêm nhiều học viên tố cáo "thầy Lạc
>> Kiến nghị xử lý hình sự người uống rượu bia lái xe
>> Người mù lái xe hơi
>> Lái xe ở Việt Nam khó vô cùng
>> Lái xe nhiều giờ trong đêm nguy hiểm như say rượu  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.