Bố mẹ tôi có thửa đất rộng 4.000 m2, trên đất có căn nhà rộng 200 m2. Bố mẹ tôi có 5 người con, trong đó tôi là con trai út, nên lấy vợ và sống chung cùng một nhà. Lúc còn sống, ông bà có di chúc miệng với 5 người con là sẽ để lại toàn bộ nhà và đất này cho vợ chồng tôi để lo hương hỏa vì có công chăm sóc ông bà tuổi già.
Năm 2018, bố mẹ tôi qua đời không để lại di chúc. Vợ chồng tôi đi làm sổ đỏ sang tên cho mình theo đúng nguyện vọng của bố mẹ. Tuy nhiên, cán bộ xã không đồng ý cho làm thủ tục sang tên, yêu cầu phải có ý kiến các anh chị em còn lại. Ba người chị gái tôi đều thừa nhận có di chúc miệng và không có ý kiến gì. Chỉ duy nhất, người anh trai phủ nhận, nói rằng không hề hay biết gì hết và yêu cầu phải chia thừa kế. Ông bà nội và ngoại của tôi đều đã qua đời cách đây 20 năm.
Việc anh trai tôi không thừa nhận có di chúc miệng, nhưng 3 người chị gái tôi có thể làm chứng cho việc này được không? Khi nào di chúc miệng mới phát sinh hiệu lực? Tôi không đồng ý chia thừa kế cho anh trai có được không? Tôi cần phải làm những thủ tục gì mới có được sổ đỏ? Pháp luật quy định sao về trường hợp của tôi?
Bạn đọc Thạch Anh.
Luật sư tư vấn
Luật sư Nguyễn Bảo Anh (Trưởng văn phòng luật sư Bảo Anh) tư vấn, trong trường hợp của bạn sẽ áp dụng bộ luật Dân sự 2015 để xem xét tính hợp pháp của di chúc miệng.
Theo điều 629 bộ luật Dân sự 2015 quy định về di chúc miệng: Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Sau 3 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Tại điều 630 bộ luật Dân sự quy định di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực…
Người thừa kế theo di chúc, hoặc theo pháp luật của người lập di chúc, thì không được làm chứng cho việc lập di chúc (điều 632 bộ luật Dân sự). Do đó, 3 người chị của bạn thuộc đối tượng không được làm người làm chứng, do họ là người thừa kế theo pháp luật của bố mẹ bạn. Căn cứ theo các quy định pháp luật nêu trên thì đây là di chúc không hợp pháp.
Việc bạn không đồng ý chia thừa kế cho anh trai là không có cơ sở. Tại điều 650, 651 bộ luật Dân sự quy định những trường hợp thừa kế theo pháp luật: không có di chúc; di chúc không hợp pháp. Theo đó, người thừa kế theo pháp luật thì hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Những người này sẽ hưởng phần di sản bằng nhau. Trong trường hợp của bạn, do di chúc miệng của cha mẹ bạn để lại không hợp pháp, nên phải chia thừa kế theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất gồm 5 người con.
Do đó bạn không thể một mình đứng tên trên sổ đỏ. Trừ khi tất cả các đồng thừa kế khác đều từ chối nhận di sản, hoặc tặng cho toàn bộ phần di sản lại cho bạn.
Để có thể nhận phần di sản của bố mẹ để lại, thì 5 anh chị em của bạn cần thực hiện thủ tục khai nhận di sản tại tổ chức hành nghề công chứng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà và đất của bố mẹ để lại. Khi làm thủ tục khai nhận, bắt buộc phải có những người nhận thừa kế có mặt ký tên, trường hợp người nào vắng mặt thì phải có giấy ủy quyền cho người khác, hoặc những người còn lại.
Đối với thủ tục khai nhận di sản thừa kế, về nguyên tắc các đồng thừa kế theo pháp luật sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau, nên nếu đồng thừa kế nào muốn tặng cho phần di sản cho những đồng thừa kế khác thì phải lập văn bản tặng cho. Có nghĩa 3 người chị của bạn có thể tặng cho toàn bộ phần di sản của họ lại cho bạn.
Bạn và anh trai có thể thỏa thuận định giá phần di sản thừa kế để bạn mua lại 1/5 giá trị phần di sản của người anh. Sau đó, người anh trai sẽ làm thủ tục tặng cho phần di sản cho bạn, lúc này bạn sẽ đứng tên trên toàn bộ nhà đất của bố mẹ để lại.
Sau khi làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng, bạn sẽ làm thủ tục đăng ký sang tên nhà đất tại văn phòng đăng ký đất đai.
Trong trường hợp bạn và anh trai không thỏa thuận được việc phân chia di sản thừa kế như trên thì có thể khởi kiện ra tòa án. Nếu bạn được 3 người chị gái tặng cho toàn bộ phần di sản, như vậy bạn có tổng cộng 4 phần di sản, bạn có thể đề nghị thanh toán giá trị phần di sản được quy ra thành tiền cho người anh trai để được nhận toàn bộ căn nhà.
Bình luận (0)