Có gì sai sai khi luôn tích cực?
Jamie Long, nhà tâm lý học lâm sàng ở Fort Lauderdale, Florida (Mỹ), chia sẻ trên CNN: “Khi chọn xem xét các tình huống chỉ từ một góc độ - trong trường hợp này là góc nhìn tích cực - rất có thể bạn loại bỏ hoặc giảm thiểu trải nghiệm thật sự. Đó là "sự tích cực độc hại"”.
Ngay cả khi bạn cố gắng cổ vũ ai đó, thì việc đơn giản hóa sự khó khăn của họ có thể khiến họ cảm thấy cần che giấu cảm xúc tiêu cực. Một số ngôn từ khơi gợi lạc quan có thể cản trở khả năng chia sẻ cảm xúc của một người mà ta hay nghe là: Sau cơn mưa trời lại sáng; Tất cả mọi thứ xảy ra đều có lý do; Chuyện có thể tồi tệ hơn ấy chứ... Đừng lạm dụng chúng!
Thay vào đó, nhà tâm lý học Jamie Long gợi ý dùng những cụm từ thể hiện sự sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ: Chuyện này thực sự khó; Tôi đang nghĩ đến bạn; Tôi ở đây vì bạn, bất kể chuyện tốt hay xấu đi... “. Đôi khi chỉ cần nói “Tôi cũng vậy”, “Điều đó có lý đấy” là đủ để ai đó thể hiện nội tâm chân thực, ngay cả khi vấn đề nhắc đến không thoải mái hoặc thậm chí là khó nghe”, Long cho biết.
Đừng đầu độc bản thân bằng sự "tích cực độc hại"
"Sự tích cực độc hại" không chỉ thể hiện trong cách ta đối xử với người khác. Ta còn tự tạo áp lực cho chính bản thân phải bỏ đi những cảm xúc khó khăn. Điều đó có thể khiến chúng ta bị tổn hại về tâm lý và thể chất.
Các nghiên cứu cho thấy: kìm hãm phản ứng cảm xúc, dù tích cực hay tiêu cực, đều kích hoạt phản ứng giao cảm trong hệ tim mạch; những người chấp nhận phản ứng cảm xúc của chính họ có nhịp tim thấp hơn và phục hồi nhanh chóng hơn, theo CNN.
|
Cuộc sống đầy rẫy thử thách, từ căng thẳng hằng ngày đến đau buồn sâu sắc và kéo dài. Cố gắng tránh né, gạt đi những cảm xúc đó không làm chúng biến mất. Mà thử nghĩ xem, khi bạn giữ nỗi buồn, sự xấu hổ, cảm giác tội lỗi, tức giận trong người và chúng không thoát được thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Việc bỏ qua chúng không có tác dụng nên hãy để bản thân va chạm với “đời”, nó có thể giúp bạn dễ dàng chuyển sang những cảm xúc khác. Chấp nhận cảm xúc còn cho thấy, đôi khi, ta cần đối mặt với cảm giác tích cực và tiêu cực cùng một lúc. Ví dụ, đại dịch Covid-19, nhiều người trải nghiệm sự pha trộn của đau buồn, giận dữ, biết ơn và hy vọng.
Cảm giác tồi tệ có ích cho hạnh phúc
Nhiều người cho rằng buồn bã hoặc tức giận là những trải nghiệm khó chịu thì nhà tâm lý học tích cực Tim Lomas, giảng viên Đại học East London (Anh), khẳng định rằng chúng là một phần quan trọng của sự thăng hoa.
“Cảm xúc là một loại thông tin về thế giới. Nó có thể nói với bạn điều gì đó quan trọng, hoặc điều gì đó để bảo vệ bạn theo một cách nào đó... nỗi buồn là cảnh báo: chuông báo động kêu để bạn kiểm tra lại bản thân... Nó có thể bị đánh giá tiêu cực, nhưng về lâu dài, nó hữu ích cho sự hạnh phúc”, CNN dẫn lời Lomas.
Cảm giác khó khăn giúp chúng ta thấy điểm cân bằng. Tuy nhiên, những lợi ích tích cực của cảm xúc tiêu cực chỉ phát huy tối đa với liều lượng nhỏ. “Bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào cũng có thể đi quá xa, trở nên khó chịu hoặc biến thành một vấn đề lâm sàng hoặc tâm thần”, nhà tâm lý học Lomas cảnh báo.
Các chuyên gia khẳng định, chúng ta không phủ nhận rằng có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra những lợi ích của sự tích cực. Nhưng luôn nhớ, cứ cố tích cực đến mức cực đoan, ta bỏ qua tính xác thực và khi đó các vấn đề sẽ nảy sinh.
Bình luận (0)