Một nhóm tình nguyện viên chống dịch Covid-19 trên địa bàn Q.Bình Thạnh (TP.HCM) vừa đến tòa soạn Báo Thanh Niên phản ánh về việc chưa được nhận tiền hỗ trợ chống dịch, nhưng trong quá trình liên hệ với cơ quan chức năng lại nhận được câu trả lời không thật sự thỏa đáng.
Trăn trở chưa được hồi đáp
Chị T. (xin giấu tên) cho biết cuối tháng 7.2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chị phải giấu gia đình, xa 3 đứa con nhỏ để đăng ký làm tình nguyện viên chống dịch với mong muốn giúp sức, cùng lực lượng tuyến đầu đẩy lùi được dịch bệnh. “Tất nhiên, tôi đăng ký đi tình nguyện với tinh thần cống hiến, chứ chẳng nghĩ ngợi gì về chuyện tiền bạc. Lúc đó, tôi chưa chích vắc xin gì cả, nên rời gia đình, xa cách 3 đứa con nhỏ là một thử thách thật sự trong đời”, chị T. kể.
Lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM |
T.N |
“Sau khi các cơ quan chức năng quyết định có chính sách hỗ trợ cho tình nguyện viên chống dịch, tôi được Trung tâm y tế (TTYT) Q.Bình Thạnh ký hợp đồng “thỏa thuận làm việc”, thời hạn ký hợp đồng từ ngày 23.7 - 11.10. Tuy nhiên, đến nay tôi cùng hàng trăm tình nguyện viên khác vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Chúng tôi thắc mắc, hỏi nhiều cán bộ liên quan, nhưng chưa được hồi đáp”, chị T. nói.
Cùng chung cảnh ngộ là chị N.X, sinh viên ngành y của một trường đại học trên địa bàn TP.HCM. Chị N.X đăng ký làm tình nguyện viên lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn TP.HCM. “Lúc đăng ký chỉ với mục đích duy nhất là giúp người dân vượt qua khó khăn, tôi phải giấu gia đình vì ai cũng lo lắng. Làm tình nguyện viên chống dịch cho P.11 (Q.Bình Thạnh) từ sáng đến chiều tối, có hôm tôi làm đến nửa đêm. Ăn uống, ngủ nghỉ đều tạm bợ..., nhưng được đến với từng người dân, giúp đỡ họ lúc ngặt nghèo nhất khiến chúng tôi không thể nào chùn bước”, chị N.X nói rồi cho hay, sau khi có chính sách hỗ trợ lực lượng tình nguyện viên, chị cùng hàng trăm người khác chờ mãi mà chưa thấy tiền đâu. Trong khi một số cán bộ liên quan lại tỏ ra thờ ơ, không giải đáp thỏa đáng thắc mắc của tình nguyện viên.
Hà Nội tiếp tục đứng đầu cả nước về ca Covid-19 trong ngày |
Giám đốc trung tâm y tế cũng… tâm tư
Cho rằng bị “lãng quên”, ngày 16.12, nhóm tình nguyện viên cùng lên trụ sở TTYT Q.Bình Thạnh (đường Nơ Trang Long) để yêu cầu được giải đáp thắc mắc vì sao đến giờ họ vẫn chưa nhận được tiền, và đến khi nào sẽ nhận được. “Chúng tôi đi tình nguyện bằng tinh thần cống hiến, mong muốn giúp TP vượt qua thời khắc khó khăn. Còn quyền lợi về sau, chúng tôi nghĩ nếu các cơ quan chức năng đã quy định thì chúng tôi phải được hưởng chứ?”, anh Đ., tình nguyện viên chống dịch của Q.Bình Thạnh, nói.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngày 24.11, TTYT Q.Bình Thạnh đã có văn bản gửi Thường trực UBND Q.Bình Thạnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Q.Bình Thạnh, Phòng Y tế Q.Bình Thạnh... về việc xem xét chi trả tiền chế độ cho lực lượng tình nguyện viên tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Q.Bình Thạnh.
“Trong suốt thời gian tham gia chống dịch, lực lượng tình nguyện viên đã hỗ trợ rất nhiệt tình và luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Hiện các tình nguyện viên này đã trở về địa phương công tác và học tập, nhưng vẫn chưa nhận được các khoản tiền phụ cấp chống dịch. Nay TTYT Q.Bình Thạnh kính đề nghị Thường trực UBND Q.Bình Thạnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 Q.Bình Thạnh, Phòng Y tế, Phòng Nội vụ, Phòng Tài chính - Kế toán Q.Bình Thạnh xem xét việc chi trả phụ cấp chống dịch cho lực lượng tình nguyện viên”, nội dung văn bản nêu.
Phút nghỉ ngơi của lực lượng tình nguyện viên tham gia hỗ trợ chống dịch tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM |
Liên quan vấn đề này, ngày 17.12, TTYT Q.Bình Thạnh tiếp tục gửi văn bản cho Sở Y tế TP.HCM về việc “xem xét chi trả chế độ cho lực lượng tình nguyện viên tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Q.Bình Thạnh”.
Ngày 24.12, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Thiện Tâm, Giám đốc TTYT Q.Bình Thạnh, cho biết đơn vị đã gửi danh sách 334 tình nguyện viên thuộc diện nhận hỗ trợ cho UBND Q.Bình Thạnh và Sở Y tế TP.HCM xem xét giải quyết, vì đây là những đơn vị liên quan trực tiếp chi tiền. “Nhiều người phàn nàn, thậm chí xúc phạm chúng tôi về việc chậm chi trả tiền trợ cấp. Chúng tôi chỉ biết làm hết trách nhiệm, còn việc chi vào lúc nào thì không quyết định được, phải đợi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết”, ông Tâm nói.
Giám đốc TTYT Q.Bình Thạnh chia sẻ những bức xúc của lực lượng tình nguyện viên vì đến giờ vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. “Lúc này công tác phòng chống dịch còn căng thẳng, nên tôi cũng mong tình nguyện viên thấu hiểu, chia sẻ”, ông Tâm nói và khẳng định đơn vị đã làm hết trách nhiệm, nhưng không hiểu sao đến giờ các cơ quan liên quan vẫn chưa giải quyết, chi tiền cho tình nguyện viên. “Thời gian qua chúng tôi rất khổ sở vì việc này. Mình không phải là đơn vị chi tiền, nhưng ai cũng tìm đến phàn nàn, thậm chí chửi bới”, ông Tâm tâm tư.
Chậm chi hỗ trợ vì còn chờ hướng dẫn
Ngày 26.12, trả lời PV Thanh Niên, ông Đinh Khắc Huy, Chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, cho biết quận đã nhận được thông tin phản ánh của các tình nguyện viên về việc chưa nhận được hỗ trợ và giao các đơn vị rà soát, tổng hợp danh sách để tìm hướng giải quyết. Ngày 23.12 vừa qua, quận nhận được văn bản hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM xác định lực lượng nào ở tuyến đầu, tuyến giữa, tuyến cuối; mức chi cụ thể của từng nơi công tác như làm ở bệnh viện quận, TTYT quận, trạm y tế phường là bao nhiêu. “Rất mong các bạn tình nguyện viên bình tĩnh, quận sẽ tính toán để không ai chịu thiệt thòi. Những ai đã nhận rồi mà còn thiếu thì quận sẽ bù, nếu ai chưa nhận thì sẽ chi hỗ trợ trong thời gian sớm nhất”, ông Huy nói.
Tại buổi họp báo định kỳ mới đây, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay Sở Y tế đề xuất mức hỗ trợ cho các tình nguyện viên tham gia chống dịch là 4,42 triệu đồng/người/tháng và được các sở, ban, ngành đồng tình. Tuy nhiên, theo Nghị định 163/2016 thì chế độ tiền lương, phụ cấp phải có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB-XH. Hiện UBND TP.HCM đã gửi văn bản lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan, sau khi các bộ, ngành thống nhất thì UBND TP sẽ trình HĐND TP xem xét thông qua để tiến hành chi trả theo đúng quy định.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, việc chậm chi hỗ trợ cho các tình nguyện viên tham gia công tác phòng chống dịch còn xảy ra tại nhiều quận, huyện ở TP.HCM vì nhiều lý do, bao gồm cả khách quan và chủ quan. Như tại Q.8, lãnh đạo UBND quận này cho biết việc chậm chi hỗ trợ xuất phát bởi trung tâm y tế ký thỏa thuận làm việc với các tình nguyện viên nhưng không lập danh sách, nên bây giờ phải rà soát và ký hợp đồng lại thì quận mới đủ căn cứ chi hỗ trợ.
Ở một số địa phương khác thì chủ động chi hỗ trợ trước khi có hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, dẫn đến tình trạng cùng một công việc nhưng mức chi khác nhau nên có so bì. Mặt khác, khái niệm “lực lượng tuyến đầu” cũng chưa được xác định cụ thể mà tùy vào sự vận dụng của mỗi địa phương. Do đó, các quận, huyện kiến nghị Sở Y tế TP.HCM có hướng dẫn cụ thể để làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ giải ngân chi tiền hỗ trợ.
Bình luận (0)