Khi nào nên nạo VA ?

22/05/2012 03:57 GMT+7

VA là tổ chức miễn dịch ban đầu ở trẻ, nhưng khi viêm thì nó hoàn toàn có thể gây ra nhiều biến chứng tai hại.

Vai trò quan trọng

VA là tên gọi tắt của tổ chức bạch huyết ở vòm họng, vị trí cửa mũi sau, y học gọi là amidan vòm. Nó không phải là “amidan” mà chúng ta vẫn thường nói tới hằng ngày (amidan thường nói là amidan khẩu cái).

Amidan vòm cùng một số tuyến và tổ chức bạch huyết khác tại hầu họng tạo nên một khung bạch huyết khép kín bảo vệ đường hô hấp và đường tiêu hóa. Y học gọi nhóm bạch huyết này là vòng Waldayer.

 Khi nào nên nạo VA ?
Thăm khám kỹ lưỡng để có quyết định phù hợp nếu trẻ bị viêm VA - Ảnh: Shutterstock

Bác sĩ Yên Lâm Phúc (Học viện Quân y, Hà Nội) cho biết vòng Waldayer có nhiệm vụ thanh lọc và miễn dịch bước đầu với mầm bệnh. Chức năng của từng tổ chức bạch huyết trong vòng này là khác nhau. Với VA thì chức năng của nó là thanh lọc và miễn dịch với vi sinh vật xâm nhập qua đường hô hấp. Tuyến này rất quan trọng với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi.

Khi trẻ sinh ra, chưa được tiếp xúc với ngoại cảnh nên chưa có miễn dịch. Miễn dịch của trẻ được duy trì nhờ vào kháng thể qua sữa mẹ. Chỉ một phần kháng thể của trẻ do cơ thể trẻ tạo nên. Sau một thời gian, cơ thể trẻ sẽ được tiếp xúc nhiều với môi trường và bắt đầu sinh miễn dịch. Vai trò sinh miễn dịch có sự góp phần vô cùng lớn của VA. Khi các vi sinh vật xâm nhập theo đường thở, VA bắt giữ lại, tiêu diệt và phân tích miễn dịch, đưa toàn bộ mẫu phân tích này về cơ quan miễn dịch trung ương. Và cơ thể sẽ sinh hàng loạt kháng thể chống lại mầm bệnh kể từ lần xâm nhập sau.

Rắc rối

Có vai trò quan trọng là thế nhưng khi VA bị viêm nặng thì có thể gây nhiều biến chứng. Những biến chứng này còn nặng hơn cả giá trị miễn dịch mà chúng ta thu được. Thông thường, tình trạng viêm VA triền miên có thể gây ra 4 biến chứng hay gặp sau:

- Viêm đường hô hấp dưới. Nguyên nhân không phải do lây vi khuẩn từ VA mà là dịch viêm và mủ chảy từ vòm họng và cửa mũi sau xuống đường thở. Trẻ nhỏ thì bị viêm khí phế quản, viêm phổi. Trẻ lớn hơn thì có thể bị thêm viêm thanh quản. Ở trẻ em, rất hay gặp viêm khí phế quản co thắt. Đứa trẻ có đầy đủ các dấu hiệu của bệnh viêm khí phế quản đi sau một đợt viêm mũi họng.

- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Nguyên nhân do dịch viêm và mủ chảy xuống và trẻ nuốt vào đường tiêu hóa. Đường tiêu hóa của trẻ vốn chưa có miễn dịch đủ mạnh nên vi khuẩn từ mũi họng sẽ gây rối loạn tiêu hóa. Khi bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, đứa trẻ có 3 dấu hiệu đặc trưng là: sốt cao, bỏ bú và tiêu chảy cấp.

- Viêm tai giữa. Do vi khuẩn lây lan từ cửa mũi sau, qua vòi nhĩ và gây viêm tai. Nếu không được điều trị triệt để thì có thể gây ra điếc vĩnh viễn.

- Học kém. Do trẻ bị viêm mũi họng, dẫn đến viêm tai. Thính lực trở nên nghe kém và khả năng tiếp thu kiến thức cũng kém theo. Không những thế, do cửa mũi sau bị viêm nên đường hô hấp bị cản trở. Cơ thể ở trạng thái thiếu oxy và não bộ kém hoạt bát. Những đứa trẻ này thường có sức học sa sút.

Theo bác sĩ Yên Lâm Phúc, căn cứ vào bệnh lý và “sức khỏe” của VA, từ đó bác sĩ chuyên khoa sẽ quyết định nạo hay không nạo. Chúng ta không thể nạo VA để phòng ngừa viêm, cũng như không được quá tiếc mà níu kéo. Bác sĩ Phúc khuyên các trường hợp bị viêm tái phát trên 5 lần mỗi năm hoặc có biến chứng viêm tai, viêm não..., phụ huynh nên đưa trẻ đến tuyến chuyên khoa để nạo VA.

 Liên Châu

>> Viêm VA - khi nào cần nạo?
>> Tư vấn trực tuyến "Viêm họng - Những điều cần biết
>> Viêm V.A

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.