Khi ngài Đại sứ Pháp 'mở nhà hàng'

12/03/2016 10:57 GMT+7

Một lớp học làm bánh ngay tại tư gia. Một tiệc đẳng cấp Michelin được tổ chức trong sân vườn sứ quán. Đó là cách Đại sứ Cộng hòa Pháp tại VN, ông Jean-Noël Poirier, đưa ẩm thực nước này tới Việt Nam.

Một lớp học làm bánh ngay tại tư gia. Một tiệc đẳng cấp Michelin được tổ chức trong sân vườn sứ quán. Đó là cách Đại sứ Cộng hòa Pháp tại VN, ông Jean-Noël Poirier, đưa ẩm thực nước này tới Việt Nam.

Đích thân phu nhân Đại sứ, bà Eva Nguyễn Bình cũng tham gia buổi dạy làm bánh Pháp - Ảnh: Trinh NguyễnĐích thân phu nhân Đại sứ, bà Eva Nguyễn Bình cũng tham gia buổi dạy làm bánh Pháp - Ảnh: Trinh Nguyễn
Đại sứ Pháp Jean-Noël Poirier đội chiếc mũ đầu bếp lên và buổi học làm bánh ngay tại tư gia của ông bắt đầu. Thầy giáo là một đầu bếp Pháp tài hoa, ông Benjamin Rascalou, bếp trưởng nhà hàng La Badiane, Hà Nội. Món bánh được chọn là tarte hoa quả Pháp, món tráng miệng tôn vinh sự tươi tắn của trái cây nguyên liệu. “Ở Việt Nam, người Việt ngày càng quan tâm đến độ tươi, ngon, sạch của thực phẩm. Các đầu bếp Pháp vô cùng quan tâm đến chất lượng nguyên liệu như vậy”, ông Jean-Noël Poirier nói.
Đai-sư-mo-nha-hangNgài đại sứ Pháp Jean-Noël Poirier (phải) và bếp trưởng Benjamin Rascalou - Ảnh: Trinh Nguyễn
Xoài, dứa, dâu tây, phúc bồn tử dù thái nhỏ, cắt lát hay để nguyên vẫn giữ được độ tươi và ẩm, mùi thơm dịu. Nếu như dâu, phúc bồn tử đến từ châu Âu thì xoài và dứa là thứ trái cây ngon - bổ - rẻ rất Việt Nam. Nhưng bí quyết lại nằm ở món mứt chanh. Vỏ chanh được bào sợi, ngào đường. Mứt thơm, chua ngọt hơi thoáng vị đắng. “Khi lót lớp chanh này dưới kem, trên kem là trái cây, chúng ta sẽ không thấy ngán. Nó cũng tôn lên độ tươi của hoa quả”, ông Benjamin cho biết. Và những chiếc bánh tarte Pháp đúng là đã tươi ngon theo cách đó thật. Vỏ bánh làm bằng tay mỏng giòn, mứt chanh, kem tươi ngậy, hoa quả tươi.
Nhưng ông đại sứ không chỉ mở “tiệm bánh” ở nhà riêng như vậy. Ngày 21.3 tới đây, ông sẽ còn mở một “nhà hàng” trong tòa đại sứ ở Hà Nội. Đó sẽ là bữa tiệc hàng trăm người, trong đó có nhiều học sinh trung học học song ngữ Pháp - Việt. Đây là chương trình học mà Bộ Giáo dục hai nước cùng đào tạo từ lâu. “Giáo dục Pháp chú ý tới việc hướng dẫn thưởng thức, trong đó có ẩm thực rất quan trọng. Vì thế trong bữa tiệc tới, sẽ có cả những trò chơi liên quan đến ẩm thực”, bà Eva Nguyễn Bình, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam nói. Sự kiện này sẽ diễn ra đồng thời với nhiều bữa tiệc khác trên toàn thế giới trong chương trình Gout de France, để tôn vinh ẩm thực Pháp. Một sáng kiến được Bộ Ngoại giao Pháp đề xuất, thực hiện.
tiem-banh Món tarte trái cây khi hoàn thành - Ảnh: Trinh Nguyễn
Năm nay là năm thứ hai Gout de France Pháp tổ chức tại Việt Nam. Nếu như năm trước chỉ có 17 nhà hàng Pháp tại Việt Nam tham dự thì năm nay lên tới 25. Tiêu chí thực đơn cũng được thay đổi. Năm ngoái, các thực đơn phải tuân thủ chuẩn về bữa ăn truyền thống Pháp với khai vị nóng, khai vị lạnh, món chính cá, món chính thịt, fromage, tráng miệng. Năm nay, các đầu bếp được tung tẩy phá cách hơn, không nhất thiết phải có đủ các món như trên. Giá cả cũng sẽ hạ xuống hơn so với năm ngoái để nhiều người có thể tiếp cận với ẩm thực Pháp hơn. “Có thể nói là ăn với chất lượng như ở Pháp nhưng giá rẻ hơn”, ông Benjamin nói.
Tuy nhiên, độ “ngặt nghèo” của việc tuyển chọn nhà hàng vẫn giữ. Các nhà hàng này, có thể nói, đã được chính Bộ Ngoại giao Pháp lựa chọn sau khi gửi hồ sơ về Paris thẩm định. Một cách làm văn hóa linh hoạt nhưng bài bản.
Có lẽ, qua cách ông đại sứ "mở nhà hàng", chúng ta còn nhiều điều phải nghĩ về việc mang ẩm thực Việt ra với thế giới. Du lịch - “báu vật quốc gia” của nước Pháp sẽ có thêm nhiều khách hàng tiềm năng sau những Gout de France như thế này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.