TNO

Khi người ta cõng ước mơ trên vai

10/03/2015 09:59 GMT+7

(iHay) Có bao nhiêu cha mẹ đã lầm tưởng và mắc kẹt với những đứa trẻ con cõng vội ước mơ trên vai để bước vào đời...

(iHay) Có bao nhiêu cha mẹ đã lầm tưởng và mắc kẹt với những đứa trẻ con cõng vội ước mơ trên vai để bước vào đời...

>> Khi người ta bán tuổi trẻ với giá quá rẻ

 

Tôi rời nhà năm 18 tuổi. Tôi đã quay lưng lại, kịp nhìn thấy mẹ đứng rất lâu ngoài cổng nhà, cho đến khi tôi phóng chiếc cub 50 lạch bạch đi khuất. Ngày 'dọn ổ' đó, tôi đã mang theo quá nhiều thứ trên vai. Mẹ muốn tôi trở thành người giỏi thật giỏi. Cha muốn tôi lấy được chồng, và có thể về nhà để tìm một việc làm ổn định. Chúng tôi chưa bao giờ thảo luận với nhau về ước mơ, nhưng đó là các tín hiệu đã được ngầm phát đi từ nhiều năm trước trong ngôi nhà im lặng.

Mong mỏi của cha mẹ bấu lấy tôi như một tảng đá được cõng trên vai. Tôi nhớ hoài ánh mắt khắc khoải đó của mẹ, dù nhà chỉ cách chỗ tôi trọ học 40km, và chỉ cần 1 giờ là chạy xe về được. Trong những đêm say sưa với bạn bè, tôi chìm trong giấc ngủ mỏi mệt, nhưng kịp nhớ ra mẹ cho mình lên Sài Gòn để học, không phải cho những đêm say thế này. Có lúc tôi thầm nói xin lỗi với mùi rượu.

Vài năm sau, tôi đi dạy thêm và có tiền, bắt đầu nói dối mẹ đi chơi, đi hết Tây Nguyên, hết miền Đông Nam Bộ. Tôi bỏ học. Đứng giữa cơn mưa trong một ngày ở Đắk Nông, tôi nghe tiếng mẹ qua điện thoại, mẹ hỏi con học tốt không, con có muốn mẹ làm ruốc cho mang đi học không. Tôi nói con đang đi thực tế với cả lớp. Tất cả tượng hình thành lời nói dối trong điện thoại.

Làm sao thống kê hết những tháng ngày “không ngoan” của mình, khi mong ước được sống cho chính mình trở nên mạnh mẽ hơn hầu hết kỷ niệm và tình yêu mẹ đã ban cho. Gia đình không thể níu kéo, họ chỉ ở đó, xuất hiện mờ nhạt trong giấc mơ, hoặc bỗng nhiên tôi cầm điện thoại thì gọi để nghe tiếng.

Tôi đã đi hết những con đường cần thiết để trò chuyện với bản thân, làm hòa với chính mình, để hiểu tình yêu, để giận dữ, thương xót, để bình thản hơn. Đến một ngày, mọi thứ xếp lại, tôi quay về nhà, nói với mẹ, con đã không đi học nhiều tháng liền, chỉ đi chơi. Con đi chơi lâu quá không nhớ đã nghỉ bao lâu.

Nhưng con sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Nên tôi tốt nghiệp đại học.

 

Năm tháng đó, mẹ không nổi điên và cho một trận đòn nữa. Mẹ không giận dữ khóc lóc, không cắt tiền tiêu vặt của tôi, mẹ đón tôi về nhà, nấu ăn và hỏi tôi có gì hay. Từ ngày tháng đó, có một kết nối mạnh mới ngấm ngầm xuất hiện trong gia đình tôi, cao hơn cả ngoan hay không ngoan, nghe lời hay không nghe lời, sự nghiệp hay bầy hầy. Chỉ còn ăn uống, trò chuyện, đi bộ và thảo luận.

Mẹ sẽ cho tôi tiền, nói mọi điều cần thiết, nấu mọi bữa cần ăn, sẽ đón tôi mọi ngày cần trở về. Và tôi có thể làm gì khiến tôi hạnh phúc, không một lời phản đối nào.

Một ngày cuối tháng 8, tôi đạp xe từ Sài Gòn ra Hà Nội, rồi bắt tàu lửa về nhà. Cha gọi điện, ông bảo để ông ra đón tôi ở ga Biên Hòa

Mẹ đã dọn cơm xong.

Ngôi nhà đã đón tôi về, sau chuyến phiêu lưu dài ơi là dài, mà ngày đi, tôi hứa với họ sẽ trở về nghiêm chỉnh. À, tôi đã trở về nghiêm chỉnh đâu ra đó hẳn hòi.

Hóa ra tôi không cần phải mang cõng bất cứ kỳ vọng nào của cha mẹ như đã tưởng bở suốt hai năm dài mỏi mệt. Mẹ tuyệt đối không kỳ vọng gì vào tôi. Cha cũng đã ngừng than vãn về nỗi thất vọng. Họ biến mỗi giờ gặp lại như một buổi hội ngộ, dễ dãi như thuở tôi đứng khóc nhè ăn vạ đòi mua bánh. Tôi lúc nào cũng có thể đòi hỏi, vòi vĩnh.

Có bao nhiêu cha mẹ cũng đã lầm tưởng và mắc kẹt với những đứa trẻ con cõng vội ước mơ trên vai và bước vào đời nặng nhọc giống như tôi và cha mẹ mình?

Lúc đó, tôi mơ hồ hiểu ra chỉ cần mang vác chính tuổi trẻ này, đã là một thứ gì đó mệt mỏi và quá sức vô cùng rồi…

Cảm ơn, vì không còn các kỳ vọng trên vai.

Khải Đơn
Ảnh minh họa: Shutterstock

>> Phượt và cái vinh quang huyền thoại của tuổi trẻ
>> Thất bại là đặc quyền của tuổi trẻ
>> Ngắm vẻ tươi trẻ khó tin của 'hoa hậu 3 con' Kiều Khanh
>> Linh Nga đang tranh thủ bám vào tuổi trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.