Khi người ta trẻ: Biết lắng nghe

02/05/2015 07:00 GMT+7

Chứng kiến cảnh cô đồng nghiệp trẻ tỏ thái độ bực bội sau buổi họp của tổ, tôi thấy hình ảnh của mình những ngày mới chập chững vào nghề.

Chứng kiến cảnh cô đồng nghiệp trẻ tỏ thái độ bực bội sau buổi họp của tổ, tôi thấy hình ảnh của mình những ngày mới chập chững vào nghề.

Minh họa: Văn Nguyễn
Hồi đó, tôi cũng như cô ấy, sẵn sàng nổi nóng mỗi lần được mọi người góp ý chuyên môn. Bởi ra trường với tấm bằng giỏi, tôi nghĩ mình là nhất, đủ khả năng giảng dạy, không cần thêm một sự chỉ dẫn nào nữa. Người nào có ý kiến với tôi, lập tức tôi quy kết họ là người nhiều chuyện, hay ganh tị... và bằng mọi lý lẽ bảo vệ mình, không chịu lắng nghe để tiếp thu.
Nhưng sau nhiều lần dự giờ đồng nghiệp, tôi mới vỡ lẽ. Thứ nhất, những đồng nghiệp thường góp ý cho tôi đều là người có chuyên môn vững vàng, có nhiệt huyết và sáng tạo trong giảng dạy. Thứ hai, tôi thua kém họ về nhiều mặt, về cả kiến thức lẫn kinh nghiệm. Nhớ lại những lời góp ý, tôi mới thấy, đó là những kinh nghiệm quý báu, nếu lắng nghe, tôi sẽ học hỏi được rất nhiều. Từ đó, trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, thay vì phản biện lại, tôi chỉ lắng nghe. Qua thời gian, tôi thấy mình vững vàng hơn trên bục giảng nhờ sửa đổi những thiếu sót do đồng nghiệp phát hiện.
Như cô đồng nghiệp trẻ của tôi, các bạn trẻ mới vào nghề thường tự tin như những chú “ngựa non háu đá”, không biết trân trọng những góp ý của người đi trước. Bởi vậy, thay vì tỏ vẻ bất mãn, bực bội, mình nên suy ngẫm xem ý kiến đó đúng sai chỗ nào. Vì một lời góp ý đúng là một bài học quý giá được đúc rút bằng kinh nghiệm của người từng trải.
Hãy tập cho mình thói quen biết lắng nghe ý kiến của người khác trong công việc lẫn cuộc sống, bạn sẽ tiến bộ từng ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.