Ở tuổi 34, trong khi bạn bè cùng trang lứa đều có 1-2 mặt con, thì chị B. A.X, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội vẫn một mình lẻ bóng sau 2 mối tình không đi đến đâu.

“Không phải mình không có điều kiện lấy chồng, sinh con, mà bởi duyên chưa tới, cố làm gì”, X. nói.

Vuốt nhẹ chú mèo cưng của mình, X. kể:

“Chị gái tôi cũng từng bị bố mẹ giục lấy chồng, tặc lưỡi kết hôn, sau 5 năm, ly dị, giờ một nách nuôi 2 con nhỏ. Cáng đáng không nổi, gửi 1 đứa về quê nhờ ông bà ngoại nuôi. Thỉnh thoảng tôi vẫn phải dành hỗ trợ một khoản để chị đóng học phí cho các cháu”.

#1

Giống như chị X., anh Đặng Quốc Trung, 42 tuổi, một doanh nhân thành đạt tại TP.HCM, cũng loay hoay mãi chưa tìm được “một nửa” phù hợp. Người đàn ông sắp vào tuổi trung niên thở dài:

“Hồi đó còn khổ, người mình thích thì họ chẳng ưng mình. Giờ có sự nghiệp muốn tìm cô trẻ đẹp không khó, nhưng trẻ đẹp, thương thật lòng, có trí thức và biết lo gia đình thì quá khó tìm luôn”.

Với tiêu chuẩn này, chục năm nay, trải qua khá nhiều mối tình, anh Trung vẫn chưa thể tìm được đích hôn nhân.

#2

Cũng có người qua một lần yêu dang dở rồi thay đổi hẳn suy nghĩ về kết hôn như chị H.C (31 tuổi) nhân viên truyền thông tại Hà Nội. Chi C. tâm sự, sau chia tay tình đầu cách đây 3 năm, cô lựa chọn cuộc sống độc thân và dành thời gian để phát triển bản thân.

“Chúng tôi chia tay cũng chỉ vì khó khăn cơm, áo, gạo, tiền. Tôi mới ra trường lương thấp còn bạn trai thất nghiệp sang chạy xe ôm công nghệ. Gặp đúng dịch Covid-19, ít việc, mình tôi còng lưng gánh tiền nhà, tiền ăn… mệt mỏi, áp lực, chúng tôi thường xuyên cãi vã, rồi đường ai nấy đi”, H.C nhớ lại.

Bạn trai cũ H.C sau đó về quê lập nghiệp, lấy vợ, còn C. chọn cho mình một cuộc sống hướng nội, tìm niềm vui trong những trang sách và thú cưng.

“Nhiều người bảo tôi hơn 30 tuổi mà sống như bà già, tôi mặc kệ. Bố mẹ cũng kêu ca đủ kiểu, nhưng thấy tôi cứ ì ra, giờ cũng chẳng ai động chạm gì nữa”, H.C chia sẻ.

#3

Quan sát từ bạn bè, người thân xung quanh, chị D.T.T., một nhân viên văn phòng ở TP.HCM, cho rằng, người trẻ bây giờ có rất nhiều lựa chọn trong cuộc sống. Có người muốn sống phụng dưỡng cha mẹ già, có người chỉ chuyên tâm vào sự nghiệp, có người say mê công tác xã hội, hoặc đơn giản là tận hưởng cuộc sống độc thân, tự do khám phá, trải nghiệm đó đây.

“Cuộc sống ngày càng cởi mở nên một xu hướng khác nữa là sống thử trước hôn nhân cực kỳ nhiều. Sống thử không hợp thì chia tay, cứ thế 2 - 3 lần là chán kết hôn luôn”, chị T. nói.

Tuy nhiên, nhìn từ gia đình mình, chị T. chia sẻ: “Em trai tôi trước kia lêu lổng, chơi bời thậm chí đổ nợ hoài, nhưng từ khi có vợ, sinh con, phải gánh vác trách nhiệm lo cho gia đình, thì lại trở nên ổn định hơn thời độc thân”.

Bên cạnh những trường hợp chủ động, có thể lựa chọn trong hôn nhân thì vẫn có không ít người gặp khó khăn do tính chất đặc thù của công việc và môi trường làm việc. Ví dụ như tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, ở xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, Trà Vinh, lãnh đạo công đoàn công ty đau đầu vì có gần 300 kỹ sư, nam nhân viên có công việc ổn định nhưng vẫn ế. Càng nan giải khi địa bàn công ty đóng đô là vùng nông thôn ven biển, chuyện gặp gỡ, giao lưu đã khó, huống chi tìm được bạn đời để ổn định cuộc sống lâu dài.

Nhìn vào những thống kê có thể thấy, năm 2015, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của cả nước là 24,8 tuổi thì đến năm 2023, con số này đã là 27,2 tuổi (nam 29,3 tuổi, nữ 25,1 tuổi). Vùng trung du miền núi phía bắc là nơi người trẻ kết hôn sớm nhất, đứng đầu là Lai Châu 22,3 tuổi. TP.HCM, với hơn 9,4 triệu dân ghi nhận độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu chạm mốc 30,4 tuổi, cao nhất cả nước, nhỉnh hơn Nhật Bản (29,8 tuổi), đất nước nổi tiếng là lười kết hôn.

Cũng vì xu hướng trên nên từ 2018 - 2023, tổng số cuộc kết hôn ở các khu vực đều giảm dần; trong đó, năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, số cuộc kết hôn giảm sâu khắp cả nước. Còn nhìn rộng hơn ở châu Á, xu hướng kết hôn muộn cũng lan rộng, nhất là ở những nước phát triển. Thống kê của World Population Review cho thấy Hàn Quốc là quốc gia có tuổi kết hôn muộn nhất ở châu Á, khi nam là 33,9 tuổi, nữ là 31,5 tuổi; xếp sau là Nhật Bản, Singapore, Bahrain...

#1

Sau kết hôn là chuyện “sinh con đẻ cái”. Quan niệm “trời sinh voi, sinh cỏ” đã quá lạc hậu khi phần lớn người trẻ đều ý thức được rằng việc nuôi con ngày nay là không hề nhẹ nhàng. Chị T.M, 40 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, liệt kê:

“Chi phí nuôi một trẻ khá là tốn kém. Tiền sữa, tiền ăn, học, tiền thuốc khi ốm đau… cũng đã gần 10 triệu đồng/tháng, chiếm gần nửa tiền lương của vợ chồng. Vì vậy, sinh thêm con không nằm trong kế hoạch của vợ chồng tôi”.

#2

Chị M. bộc bạch thêm:

“Thời nay, mình không lo được cho con học hành đến nơi đến chốn, thấy có lỗi với con, chi bằng đẻ 1 đứa mình toàn tâm, toàn ý lo cho con”.

Cùng quan điểm trên, vợ chồng anh Lê Minh Tĩnh, 35 tuổi, ngụ Đắk Lắk, người làm nghề tóc nữ, người ở nhà trồng cà phê cho biết, cả hai cũng dứt khoát kế hoạch hóa dù mới có một con gái 6 tuổi.

“Ngày xưa, nhà nào cũng đông con, đứa nào không học được thì nghỉ về làm rẫy. Còn bây giờ, ở quê chứ dù trai hay gái, đều muốn cho con học hành để sau này không vất vả như mình”, anh Tĩnh bày tỏ.

Năm 2023, tổng tỷ suất sinh - tức số con sinh sống bình quân của một người phụ nữ Việt Nam đã xuống mức 1,96 con/phụ nữ, thấp hơn mức sinh thay thế lý tưởng là 2,1 con/phụ nữ.

Dù vậy, trong 20 năm qua, tổng tỷ suất sinh của phụ nữ nông thôn vẫn luôn đạt mức từ 2,07 - 2,4 con/phụ nữ. Chỉ số này của phụ nữ thành thị dao động từ 1,6 – 1,87 con, trong đó, năm 2023 chỉ ở mức 1,7 con/phụ nữ, còn ở nông thôn là 2,07 con/phụ nữ. Xu hướng này cho thấy ở những khu vực càng phát triển, phụ nữ ngày càng ngại sinh con.

GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) cho rằng, hành vi sinh sản đang chuyển từ hành vi mang tính tự nhiên, bản năng sang hành vi có “tính toán” chi phí và lợi ích. Càng nhóm học cao thì càng mong muốn con có chất lượng cao. Và chất lượng cao thì cho đi du học, và chi phí rất cao. Do đó, ngay cả người có điều kiện thì vẫn có thể sinh ít con. “Theo điều tra của chúng tôi, năm 2019, có 91% người được hỏi, bao gồm cán bộ, công chức cho biết các chi phí nhà ở, học hành, cho y tế là rất cao. Còn chi phí về tinh thần, thì 85% người dân được hỏi, lo con hư hỏng, lo con học tập không đến nơi đến chốn, lo con rơi vào tệ nạn xã hội. Lo lắng ngày đêm, mất ăn mất ngủ khi con ốm đau, lo lắng chi phí khi sinh ra con dị tật bẩm sinh, học không được, con không ngoan. Lo hơn cả chi phí vật chất…’’, GS-TS Cử cho hay.

Cùng với chậm cưới, ngại sinh con, người trẻ ngày càng đối mặt với nhiều vấn đề khác trong hôn nhân, điển hình là ly hôn. Năm 2023, cả nước ghi nhận 32.060 vụ ly hôn, tăng mạnh so với con số 22.762 vụ của năm 2020.

Từ năm 2018 - 2023, số vụ ly hôn trên cả nước đều có xu hướng tăng, trừ năm 2021 ảnh hưởng dịch Covid-19. Điều bất ngờ là vùng ĐBSCL, có tới 10.733 vụ ly hôn vào năm 2023, hơn gấp đôi so với Đông Nam Bộ cho dù dân số của ĐBSCL thấp hơn Đông Nam bộ khoảng 2 triệu người. Nói cách khác, cứ 10 vụ ly hôn trên cả nước thì có 3,35 vụ xảy ra ở miền Tây.

Chị Nguyễn Như Hoàng, giám đốc một công ty dịch vụ du lịch tại TP.Cần Thơ, chia sẻ, trong số hơn chục nhân viên của chị, có 3 người đã ly hôn, thậm chí có người ly hôn 3 lần. Theo chị Hoàng, lối sống hiện đại, sự thay đổi trong quan niệm về hạnh phúc khiến các cặp vợ chồng dễ dàng buông tay khi gặp trục trặc, thay vì cố gắng hàn gắn như trước đây.

Chia sẻ quan điểm về số vụ ly hôn nhiều ở miền Tây cao hơn nhiều so với cả nước, chị Hoàng nói: “Người miền Tây từ xưa văn hóa của vùng đất khẩn hoang, dễ kết bạn, kết hôn. Ngược lại cũng rất thoáng trong chuyện ly hôn. Không sống được với nhau nữa thì chia tay rồi tính chứ không ráng chịu đựng nhau”, chị Hoàng bộc bạch.

Nhìn từ các địa phương, năm 2023, dẫn đầu cả nước về số vụ ly hôn là TP.HCM 1.816 vụ, xếp thứ 2 là tỉnh Cà Mau 1.309 vụ, tiếp đến là Tiền Giang 1.262 vụ, Nghệ An 1.227 vụ. Địa phương ly hôn ít nhất là Bắc Kạn 55 vụ.

Xu hướng chậm kết hôn, ngại sinh con và ly hôn gia tăng là bức tranh phản chiếu những chuyển biến sâu sắc trong xã hội hiện đại. Suy nghĩ hay lựa chọn của người trẻ đều phản ánh một thực tế mới đầy biến động, nơi quan niệm về hạnh phúc, hôn nhân và gia đình không còn gói gọn trong những khuôn mẫu truyền thống.

Tuy nhiên, những hệ lụy của xu hướng này cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho xã hội khi thời kỳ “dân số vàng” dần trôi qua. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để khuyến khích người trẻ kết hôn, sinh con mà không áp đặt, đồng thời đảm bảo chất lượng cuộc sống cho thế hệ tương lai?

“Bao giờ cháu lấy chồng?”, “Có bạn gái chưa?”, “Khi nào có cháu cho ông bà bế?”... những câu hỏi tưởng chỉ là sự quan tâm người thân, xóm giềng lại trở thành nỗi ám ảnh của không ít bậc phụ huynh có con “chậm” kết hôn hoặc có những lựa chọn khác biệt.

Như trường hợp của bà Bùi Thị Loan ở H.Vụ Bản (Nam Định), có con gái đã ngoài 35 tuổi, ngoại hình ổn, công việc ổn định, mua được nhà ở Hà Nội mà mãi chưa lập gia đình. Sốt ruột, bà Loan đã cố gắng tìm mọi cách mai mối, lên chùa cầu duyên nhưng vẫn không thành. Trong khi đó, hết năm này đến năm khác, những câu hỏi dò xét, những lời bàn tán lặp đi lặp lại khiến bà Loan không khỏi buồn lòng. Con gái bà Loan bị hỏi thăm chuyện chồng con nhiều đến mức áp lực, ngại không dám về quê, lễ tết cô hay ở lại thành phố hoặc đi du lịch cho nhẹ đầu. “Tôi giục mãi rồi cũng kệ, thôi thì vạn sự tùy duyên, khi nào con muốn lấy chồng thì nó lấy, mình có ép cũng chẳng được”, bà Loan thở dài.

Không chỉ lo chuyện con “chậm” kết hôn, nhiều phụ huynh còn rơi vào hoàn cảnh khó xử hơn khi con cái thuộc cộng đồng LGBT, càng phải đối mặt với những dò xét, định kiến xã hội. Vợ chồng bà Lê Thị Minh Tú ở Hà Nội từng rất sốc khi cậu con trai ngoài 30 tuổi công khai là người đồng tính và muốn sống độc thân. “Dù đã động viên, dọa nạt, mắng chửi, thậm chí là cắt đứt liên lạc, cắt đứt tài chính để mong con xoay đầu chuyển ý, nhưng không, con tôi giận bố mẹ cả năm không về nhà”, bà Tú kể.

Cả một thời gian dài không khí trong gia đình căng thẳng, buồn chuyện con cái khiến bà Tú bị stress. Sau khi gặp bác sĩ tâm lý, được tư vấn, chia sẻ thông tin từ các tài liệu sách báo, bà Tú dần thấy nhẹ nhàng và cảm thông hơn với con. “Mặc dù từ đáy lòng vẫn muốn con có vợ, có cháu ẵm bồng nhưng tôi tôn trọng chọn lựa của con. Tôi không quan tâm người đời nói gì nữa. Con vui vẻ, tập trung phát triển sự nghiệp và tận hưởng cuộc sống là được rồi”, bà Tú bộc bạch.

Chuyên gia tâm lý, TS.Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia Phân hiệu TP.HCM), phân tích, ly hôn là hệ quả của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan đan xen.

Về mặt khách quan, đầu tiên là khó khăn kinh tế, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái, khiến nhiều người phải đối mặt với thất nghiệp, giảm thu nhập, áp lực công việc, từ đó gây bất ổn và ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Nguyên nhân tiếp theo là khi tỷ lệ ly hôn tăng cũng tác động đến tâm lý các cặp vợ chồng theo hiệu ứng tâm lý đám đông. Có những người đang chông chênh trong hôn nhân và thấy xung quanh mình có nhiều người ly hôn thì họ cũng quyết định ly hôn. Kế đến, vấn đề sức khỏe tâm thần, như stress, trầm cảm, nếu không được quan tâm và điều trị kịp thời, cũng có thể dẫn đến mâu thuẫn và đổ vỡ.

Hơn nữa là quan điểm về chuẩn mực hạnh phúc gia đình thay đổi, nhiều người không còn coi trọng giá trị hôn nhân bền vững. Thay vào đó, họ đề cao hạnh phúc cá nhân hơn, cái tôi lớn hơn, khi hôn nhân không hạnh phúc thì họ sẽ ly hôn hơn là cùng nhau tìm cách giải quyết mâu thuẫn để chung sống hài hòa.

Về mặt chủ quan, sự thiếu hụt kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giao tiếp và giải quyết mâu thuẫn, khiến những bất đồng nhỏ dễ dàng leo thang thành xung đột lớn. Bất đồng quan điểm trong việc nuôi dạy con cái cũng là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến ly hôn. Ngoài ra, giới trẻ ngày nay có xu hướng “lười yêu”, ít quan tâm đến đời sống tình cảm vợ chồng, thêm vào đó là việc lạm dụng công nghệ khiến các cặp đôi ít có thời gian dành cho nhau, ảnh hưởng đến tình cảm, sự bền chặt của gia đình.

Riêng về tình hình ly hôn ở các tỉnh miền Tây nhiều hơn so với các khu vực khác, TS Thúy nhận định, có liên quan mật thiết đến làn sóng di dân mạnh mẽ tại khu vực này. Mặc dù di dân mang lại những lợi ích kinh tế nhất định, nhưng cũng đồng thời tạo ra nhiều thách thức cho đời sống gia đình. Sự xa cách về địa lý giữa vợ chồng, con cái, những khó khăn trong việc nuôi dạy con cái, cùng với nguy cơ ngoại tình gia tăng, đã góp phần khiến hôn nhân dễ đổ vỡ hơn.

Để hạn chế ly hôn, TS. Thúy đề xuất các giải pháp như trang bị kỹ năng làm vợ, làm chồng cho giới trẻ; nâng cao nhận thức về giá trị hôn nhân và gia đình. Đặc biệt là có chính sách hỗ trợ kinh tế cho các gia đình trẻ, nhất là người đang có con nhỏ (về nhà ở, học tập, y tế); đẩy mạnh tuyên truyền về hạnh phúc gia đình và tăng cường công tác tư vấn hôn nhân, hóa giải mâu thuẫn, vun đắp cho sự bền vững của gia đình.

Duy Tính ghi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top