Xu hướng kết hôn muộn và ngại sinh không chỉ phản ánh những thay đổi mạnh mẽ trong quan niệm của người trẻ về hạnh phúc, hôn nhân, gia đình mà còn đặt ra những thách thức lớn cho xã hội.

Từng là nước có tốc độ tăng dân số cao nhưng giờ đây, mức sinh giảm đang khiến Việt Nam rơi vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, cho dù quy mô dân số đã vượt 100 triệu người.

Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang trở thành một thách thức chung trên toàn cầu và Việt Nam không phải ngoại lệ khi mới đây GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội khóa 15, đưa ra cảnh báo: Dân số Việt Nam có thể giảm xuống còn 46 triệu người vào năm 2200 và chỉ còn 5 triệu người vào năm 2500.

Thậm chí theo dự báo của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), quá trình từ già hóa dân số sang dân số già ở Việt Nam đang nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác, kể cả những nước phát triển hơn. Điều này đồng nghĩa với việc nước ta sẽ đối mặt với những thách thức đến sớm hơn dự kiến như thiếu hụt nguồn nhân lực, suy giảm khả năng cạnh tranh kinh tế và gánh nặng an sinh xã hội...

Theo Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng, hiện tại, mô hình sinh của nước ta đã chuyển dịch mức sinh cao nhất ở nhóm tuổi từ 20-24 sang nhóm tuổi từ 25-29, cùng với đó là xu hướng tuổi kết hôn tăng, tỷ lệ kết hôn giảm. “Ngoài tác động về quy mô dân số, xu hướng này còn dẫn đến tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi giảm, tỷ trọng người già tăng lên, quá trình già hóa dân số nhanh hơn”, ông Dũng nói.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam năm 2023 lần đầu tiên xuống mức 1,96 con/phụ nữ, thấp hơn mức thay thế lý tưởng 2,1 khá nhiều. Đáng lo ngại là 22 địa phương, trong đó hầu hết tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL, có tỷ suất sinh dưới mức 2.

Ở TP.HCM chỉ đạt tổng tỷ suất sinh 1,32 con/phụ nữ, thấp nhất cả nước. Thậm chí, nhìn lại những năm trước đó, sẽ thấy miền Tây Nam bộ và Đông Nam bộ đã có tổng tỷ suất sinh dưới 2 suốt 18 năm qua.

Trong báo cáo tại hội thảo về khuyến sinh và chính sách về dân số tại TP.HCM mới đây, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân giải thích rằng: “Khi tổng tỷ suất sinh bằng 2,1 lâu dài thì lao động của đất nước được tái tạo, con người được tái tạo đầy đủ (tức 2 vợ chồng khi chết đi để lại 2 người con thay thế mình là lao động cho xã hội, để lại 2 công dân thay thế mình). Khi tổng tỷ suất sinh nhỏ hơn 2,1 kéo dài, đất nước thiếu lao động, tự hủy hoại nguồn nhân lực để phát triển trong tương lai”. Hay nói cách khác, để có thể tái tạo được lao động cho đất nước, cần đảm bảo tái tạo được gia đình và sinh bình quân từ 2 con trở lên trong mỗi gia đình. Đây cũng là tiền đề không gì thay thế được để đất nước phát triển bền vững. Ngược lại, tổng tỷ suất sinh thấp dưới 2,0 kéo dài trên 20 năm sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lao động, làm kinh tế trì trệ (tăng trưởng rất ít hoặc giảm dần) dẫn đến triển vọng kinh tế xã hội xấu hơn…

Xu hướng kết hôn muộn và mức sinh ít cũng khiến cho tỷ lệ tăng dân số giảm rõ rệt. Tỷ lệ tăng dân số đã giảm từ 1,15% năm 2019 xuống còn 0,84% năm 2023 (tương đương tăng hơn 842.000 người so với 2022).

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, xu hướng chậm cưới, ngại sinh đang tác động mạnh mẽ đến bức tranh dân số, kinh tế và cấu trúc xã hội Việt Nam. Hình mẫu gia đình truyền thống với nhiều thế hệ chung sống đang dần thay đổi, nhường chỗ cho những gia đình hạt nhân thu hẹp, thậm chí là những cá nhân chọn sống độc thân.

Ông Hà cũng chỉ ra hàng loạt nguyên nhân khiến giới trẻ e ngại bước vào cuộc sống hôn nhân và sinh con. Trước tiên là gánh nặng kinh tế. Áp lực tài chính, chi phí nuôi dạy con cái ngày càng tăng cao trong khi thu nhập hạn chế, đặc biệt là người trẻ. Tiếp đến là hạ tầng giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội cơ bản còn nhiều hạn chế, nhất là tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Tiếp nữa là hạn chế về hỗ trợ từ phía nhà nước; sự phân công chăm sóc con cái chưa hợp lý giữa các cặp vợ chồng cũng là một rào cản lớn.

Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều người trẻ, mong muốn tập trung phát triển sự nghiệp, họ lo ngại việc sinh con sẽ ảnh hưởng đến cơ hội thăng tiến, cản trở con đường phát triển cá nhân.

Một nguyên nhân rất rõ nữa là những thay đổi quan niệm xã hội. Phụ nữ ngày nay có nhiều lựa chọn hơn trong cuộc sống, việc không kết hôn hay sinh con không còn bị hứng chịu những định kiến như trước. Họ chủ động hơn trong việc lựa chọn lối sống phù hợp với bản thân.

Tiếp đến là những lo lắng về tương lai, bất ổn kinh tế, xã hội khiến nhiều người trẻ cảm thấy thiếu an toàn, lo lắng không thể mang lại cuộc sống tốt đẹp cho con cái. Cuối cùng là các yếu tố như chi phí điều trị vô sinh cao, cùng với sự phát triển của các biện pháp tránh thai hiện đại, cũng góp phần làm giảm tỷ lệ sinh.

Theo ThS. Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, một quốc gia bước vào giai đoạn già hóa dân số khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 10% dân số. Khi tỷ lệ này đạt 20%, đất nước ấy sẽ chính thức bước sang giai đoạn dân số già.

Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy già hóa dân số khi từ năm 2011, tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi đã là 8,65 triệu người, chiếm gần 10% dân số. Xu hướng này đang tăng nhanh khi chỉ trong vòng 4 năm qua, dân số cả nước tăng 3,8 triệu người thì số người bước vào 60 tuổi trở lên cũng tăng gần 2,5 triệu người, chiếm 13,9% dân số. Ngược lại, nhóm dân số trẻ em từ 0-14 tuổi và người trong độ tuổi lao động từ 15- 59 tuổi đều có xu hướng giảm.

Đây không chỉ là sự thay đổi về mặt số lượng, mà còn là sự đảo ngược tỷ lệ giữa các nhóm tuổi, khi mà lực lượng lao động trẻ đang có xu hướng thu hẹp dần. Trước năm 2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên cả nước và các khu vực tăng đều thì từ năm 2020 đến nay, lực lượng này bắt đầu có xu hướng giảm. Thực tế này cho thấy thời kỳ “dân số vàng” – cơ hội phát triển kinh tế xã hội quý giá đang trôi đi nhanh hơn.

Điều đáng lo ngại là xu hướng này dường như rất khó đảo ngược. Bởi theo ThS. Phạm Chánh Trung, kinh nghiệm tại một số quốc gia có mức sinh thay thế thấp chỉ ra rằng: Một khi mức sinh đã xuống rất thấp thì các chính sách khuyến sinh dù đầu tư rất lớn, nhưng hầu như không thể làm mức sinh tăng trở lại. “Trong khi già hóa dân số nhanh sẽ tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí…”. Chưa kể, đời sống người cao tuổi còn rất nhiều khó khăn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn rất nhiều hạn chế. Tính đến tháng 9.2024, chỉ với hơn 240.000 người cao tuổi được khám sức khỏe và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe thì có đến gần 195.500 người được phát hiện bị các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường.

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân cũng nhận định, già hóa dân số đang là khủng hoảng chung của thế giới khi có 38 trên tổng số 42 nước có thu nhập cao trên thế giới đang có tổng tỷ suất sinh dưới 2, dân số suy thoái báo động. Đơn cử như Nhật Bản được dự báo, dân số năm 2100 chỉ còn 50 triệu người, năm 3000 là 62 người. Tại Hàn Quốc, năm 2100, được dự báo dân số chỉ có khoảng 20 triệu người (mất hơn 61% dân số so với năm 2020).

Đầu năm 2023, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từng phát biểu trước Hạ Viện: “Khủng hoảng lớn nhất của Nhật Bản hiện nay là khủng hoảng dân số. Phải giải quyết bây giờ hoặc không bao giờ giải quyết được”. Tương tự, giữa năm 2024, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về khủng hoảng nhân khẩu học do tỉ lệ sinh con thấp gây ra.

Làm thế nào thay đổi xu hướng người trẻ kết hôn muộn, ngại sinh con, trì hoãn già hóa dân số chắc chắn là bài toán vô cùng nan giải. Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Việt Nam vẫn đang đứng trước những cơ hội để rút ra bài học và tìm kiếm những giải pháp cân bằng, hữu hiệu nhất để chủ động ứng phó với cuộc khủng hoảng dân số dự báo sẽ đến sớm hơn trong lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top