Việt Nam bước vào năm thứ 2 có mức sinh dưới ngưỡng thay thế, trong khi nhiều quốc gia phát triển đã trải qua hàng thập kỷ đối mặt với khủng hoảng nhân khẩu học. Kinh nghiệm của những quốc gia này liệu có giúp Việt Nam tránh những “vết xe đổ” trong “cơn bão” già hóa dân số?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến tổng tỷ suất sinh suy giảm dưới mức thay thế 2,1 kéo dài hàng chục năm tại các nước phát triển. Nổi bật nhất là gánh nặng kinh tế, thiếu chính sách hỗ trợ, áp lực công việc. Cùng với đó những thay đổi trong quan niệm, nhận thức của thế hệ người trẻ về hôn nhân, gia đình.

Khi mức sinh đã giảm trong một thời gian dài, việc chậm trễ trong khuyến khích kết hôn, sinh con càng khiến tình thế trở nên khó khăn. Đó cũng là khi giới trẻ chứng kiến thực trạng sinh ít con trong nhiều năm, xem đó là điều bình thường. Vòng luẩn quẩn là thiếu hụt lao động, kinh tế trì trệ kéo dài, triển vọng kinh tế xã hội ảm đạm, người trẻ lại càng e ngại kết hôn, sinh con.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhận định, với xu hướng mức sinh xuống thấp và tuổi thọ tăng, Việt Nam còn khoảng 15 năm nữa để bước vào giai đoạn dân số già. Già hóa dân số là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn cho hệ thống an sinh xã hội, thị trường lao động, giao thông, vui chơi giải trí... đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Từ giai đoạn bùng nổ dân số, sau một thập kỷ thực hiện chính sách kế hoạch hóa dân số (bắt đầu từ năm 1993), tổng tỷ suất sinh bình quân của Việt Nam đã giảm mạnh từ 3,5 xuống 2,1 con/phụ nữ. Cơ cấu dân số thay đổi, lực lượng lao động chiếm đa số, đưa Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007.

Tuy nhiên đến nay, trước xu hướng kết hôn muộn và mức sinh giảm, dự báo theo phương án trung bình, dân số già (từ 65 tuổi trở lên) của Việt Nam sẽ tăng nhanh từ 7,4 triệu người vào năm 2019 lên 25,2 triệu người vào năm 2069. Tức là nếu năm 2019, cứ 2 trẻ em có 1 người già, thì đến năm 2069, cứ 2 trẻ em sẽ có 3 người già.

Những nguy cơ và hệ lụy có thể đến sớm là thiếu hụt lao động, tiềm năng tăng trưởng kinh tế giảm sút, tiếp theo là suy giảm GDP và suy giảm dân số nghiêm trọng. Quỹ hưu trí quốc gia sẽ mất khả năng thanh toán, kích hoạt khủng hoảng an sinh cho người về hưu.

Trong báo cáo gần đây, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội khóa 15 đề cập những bài học từ Nhật Bản, Hàn Quốc những quốc gia hiện có mức sinh thấp nhất thế giới. Theo ông, xét về mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, hàng chục năm liên tục thì Nhật Bản và Hàn Quốc đã rất thành công.

Tuy nhiên thành tựu vượt bậc của các quốc gia này được xem là không bền vững khi cả hai nước đều đang rơi vào khủng hoảng nhân khẩu học, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế.

Tính đến năm 2023, Nhật Bản trải qua 28 năm trì trệ kinh tế, GDP/người/năm chỉ bằng 76,5% mức của năm 1995. Họ cũng đã trải qua nửa thế kỷ có tổng tỷ suất sinh dưới mức thay thế. Dự báo đến năm 2200, dân số Nhật Bản chỉ còn 10 triệu người.

Cho dù Chính phủ Nhật Bản đã chi khoảng 60 tỉ USD (từ năm 2018 – 2020) để khuyến khích kết hôn và sinh con, nhưng chương trình đã thất bại khi tổng tỷ suất sinh sụt giảm còn 1,33, thấp hơn nhiều so với mức 1,43 năm 2017.

Cho dù Chính phủ Nhật Bản đã chi khoảng 60 tỉ USD (từ năm 2018 – 2020) để khuyến khích kết hôn và sinh con, nhưng chương trình đã thất bại khi tổng tỷ suất sinh sụt giảm còn 1,33, thấp hơn nhiều so với mức 1,43 năm 2017.

Tương tự, Hàn Quốc cũng đã trải 5 năm trì trệ kinh tế khi GDP/người bình quân từ 2019-2023 chỉ bằng 98% năm 2018. Sau 40 năm có tổng tỷ suất sinh dưới mức thay thế, đến nay, chỉ số này của Hàn Quốc giảm tới mức báo động là 0,72, thấp nhất thế giới. Dự báo, năm 2100 dân số Hàn Quốc khoảng 20 triệu người, tức giảm trên 61% so với thời điểm dân số lớn nhất cách đây 4 năm.

Chính phủ Hàn Quốc đã chi 200 tỉ USD để khuyến khích kết hôn, sinh con trong giai đoạn từ 2006 đến 2022, với mục tiêu nâng tổng tỉ suất sinh lên 1,6 vào năm 2020. Tuy nhiên, chương trình cũng thất bại khi chỉ đạt một nửa mục tiêu đề ra.

Hay như Singapore, sau 25 năm sau khi chứng kiến tổng tỷ suất sinh giảm xuống dưới mức sinh thay thế, quốc gia này mới bắt đầu các chương trình khuyến khích kết hôn và sinh con. Đến năm 2023, dù đã chi rất nhiều tiền, tổng tỷ suất sinh của Singapore cũng chỉ còn 0,97, thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

Theo GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, không riêng Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, trên thế giới hiện có 38/42 nước thu nhập cao, có tổng tỷ suất sinh dưới 2,0. Có thể thấy quy luật chung ở các quốc này là quá trình chuyển từ nước thu nhập trung bình lên thu nhập cao thường “chưa kịp giàu đã già”. Các nước càng giàu, GDP/người càng tăng, thì tổng tỷ suất sinh càng có xu hướng giảm.

Nói về các giải pháp thúc đẩy người trẻ kết hôn, sinh con, PGS-TS Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý học, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), nêu quan điểm: “Chúng ta không nên và cũng không thể áp đặt, buộc các bạn trẻ phải kết hôn sớm hay sinh con. Thay vào đó là cần điều chỉnh trách nhiệm xã hội, hài hòa với việc vận động người trẻ lập gia đình”.

Theo ông, điều chỉnh không phải là phạt, mà là có các hình thức phù hợp như tăng liên quan đến thuế, tài chính để thúc đẩy tuyên truyền, dịch vụ xã hội, tạo các quỹ hỗ trợ giảm học phí, chi phí khám sức khỏe, hỗ trợ thực phẩm, đồ dùng cho trẻ nhỏ... Bên cạnh đó, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh, đặc biệt cho những người đang nuôi con nhỏ, giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế.

Dưới góc độ giáo dục, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Thanh niên (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), cho rằng, cần tăng cường giáo dục thanh thiếu niên về trách nhiệm với đất nước, giá trị gia đình, hôn nhân, coi gia đình là động lực phát triển, thay vì là áp lực. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chiến lược đầu tư thích đáng đảm bảo thể lực, thể chất cho thanh niên; quan tâm nhiều hơn đến mức độ hạnh phúc, tinh thần giới trẻ.

GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế quốc dân) đề xuất, cần sớm trao quyền cho các cặp vợ chồng được quyết định số con, khoảng cách giữa các lần sinh cũng như loại bỏ các quy định đã không còn phù hợp như hình thức quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên.

Thông tin về các chính sách khuyến khích kết hôn, sinh con, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) Lê Thanh Dũng cho biết, hiện một số địa phương đã có chính sách hỗ trợ sinh đủ 2 con, như hỗ trợ tiền, hiện vật, chi phí y tế... Mức hỗ trợ tuy rất nhỏ nhưng phần nào giúp giảm bớt khó khăn cho các gia đình, nhất là phụ nữ và người lao động có thu nhập thấp. Đặc biệt Quyết định 588/QĐ-TTg ngày 28.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” với mục tiêu chính là duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc (mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con).

Tuy nhiên, đối với các giải pháp bền vững như hỗ trợ mua nhà ở xã hội, ưu tiên được học trường công lập và một số chính sách khuyến khích khác dành cho những cặp vợ chồng sinh đủ hai con trước 35 tuổi, ông Dũng cho rằng: “Đây là những chính sách lớn, cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nguồn lực đầu tư lớn. Việc thí điểm các can thiệp tại vùng mức sinh thấp vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu và xây dựng, đề xuất nên chưa đủ mạnh để nâng mức sinh của các tỉnh, thành”.

Quan sát bức tranh toàn cầu về khủng hoảng nhân khẩu học, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, cho rằng, Việt Nam vẫn có thời cơ khi mới ở năm thứ 2 có tổng tỷ suất sinh dưới mức thay thế. Để tránh lặp lại những sai lầm đáng tiếc của các quốc gia phát triển, theo ông cần có một triết lý quản trị nhân văn hơn.

Thay vì lấy mục tiêu tăng trưởng GDP cao, liên tục nhiều năm làm mục tiêu hàng đầu thì nên lấy hạnh phúc của nhân dân, sự trường tồn của dân tộc là mục tiêu cao nhất. Tăng trưởng kinh tế chỉ nên là một phương tiện, một công cụ để đạt được mục tiêu ấy.

Song song đó, cần khẩn trương hơn trong việc triển khai các chính sách khuyến khích kết hôn và sinh con; những chính sách thiết thực về trường học cho trẻ, chế độ nghỉ thai sản, giờ làm… Để mỗi gia đình có đủ khả năng nuôi dạy hai con, việc tăng lương cho người lao động là điều cốt yếu, thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ.

GS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, bài học từ các nước Đông Á và các nước thu nhập cao đã cho thấy, Nhà nước cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho một gia đình “chuẩn mực” với 4 thành viên gồm cha mẹ và hai con. Cùng với đó, một thị trường nhà ở xã hội cạnh tranh, minh bạch sẽ giúp người lao động dễ dàng tiếp cận với những mái ấm phù hợp với túi tiền. Làm sao để việc sở hữu một tổ ấm không còn là rào cản quá lớn với các cặp đôi trẻ khi quyết định lập gia đình.

Quan trọng nhất, Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 về phát triển dân số trong tình hình mới và chiến lược dân số Việt Nam đến 2030 đã đặt ra mục tiêu hàng đầu là đảm bảo tổng tỷ suất sinh thay thế; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bổ hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Đây chính là nền tảng cho các chính sách dài hạn, những biện pháp ứng phó từ sớm, từ xa với nguy cơ suy giảm dân số.

Khi có những đột phá trong chính sách phát triển, có thể tin rằng, các thế hệ tương lai vẫn tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa coi trọng việc kết hôn, sinh con, vun đắp hạnh phúc gia đình, đưa đất nước vượt qua thách thức, trong cuộc khủng hoảng nhân khẩu học toàn cầu.

Chị Nhi Trương, 31 tuổi, một kỹ sư quê ở Hải Dương, đang làm việc tại Kyoto, Nhật Bản chia sẻ: “Điều người trẻ cần nhất là sự thấu hiểu, chia sẻ và hỗ trợ giải quyết ngay những vấn đề rất cụ thể như thu nhập đủ sống, đủ nuôi con và tích lũy cho tương lai. Vợ chồng đi làm không chỉ lo cho bản thân mà còn lo cho con, rồi dành dụm mua nhà, thậm chí còn phụng dưỡng cha mẹ hai bên”.

Chị Nhi kể, ở Nhật Bản, việc người trẻ thuê nhà chung sống với nhau cả chục năm, không kết hôn, sinh con rất phổ biến. Mặc dù có sự hỗ trợ từ chính phủ, nhưng với họ, lập gia đình sẽ cần có cuộc sống ổn định, phải lo mua nhà, lo chi phí nuôi con, tìm trường học cho con... “Ở bên mình, cha mẹ sinh con ra, nuôi con trưởng thành vẫn theo sát. Còn ở Nhật, con cái đến tuổi trưởng thành đa phần là tự lập, ít kết nối gia đình, thăm nom cha mẹ. Có lẽ vì vậy mà từ thế hệ trước, họ đã không quá quan trọng việc kết hôn, sinh con”, chị Nhi nhận định.

BS.CK2 Nguyễn Thị Minh Thy, công tác ở một bệnh viện tại TP.Cần Thơ, từng kết hôn, có con rồi ly hôn, một mình nuôi con cho rằng, trên thực tế, kết hôn muộn, sinh con ít cũng mang đến những lợi ích nhất định. Trước hết là có sự chuẩn bị tốt hơn về kỹ năng chung sống để tránh xung đột, hài hòa trong gia đình. Người trẻ có nhiều thời gian hơn để đầu tư cho bản thân, phát triển sự nghiệp, có nền tảng vững chắc hơn trước khi kết hôn. Ít con cũng giúp cha mẹ cũng có điều kiện tập trung chăm sóc, nuôi dạy con tốt hơn. “Bản thân tôi sau ly hôn, có rất nhiều cơ hội đi bước nữa nhưng thật tình là khi đã đủ đầy mọi thứ, mình càng trân trọng hôn nhân càng muốn tìm người phải phù hợp, không mạo hiểm chỉ để cho có gia đình cho xã hội nhìn vào”, chị Thy bộc bạch.

Anh Nguyễn Chí Thành, một cán bộ của một doanh nghiệp nhà nước ở Trà Vinh, kể chuyện thực tế của mình: “Tôi và người yêu đều gần 40 tuổi rồi, dự định làm đám cưới nhưng đang chờ mua nhà ở xã hội trả góp để ổn định. Thế nhưng mòn mỏi chờ ngân hàng chính sách xã hội giải quyết thủ tục giải ngân cho vay mãi không xong. Vậy là chuyện cưới xin cũng phải hoãn theo”.

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.