Khi nhà báo đi… 'đòi bánh' cho dân!

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
28/03/2020 20:58 GMT+7

Cuối tuần, giữa mùa dịch Covid-19 , nhận được sách thể loại bình luận thời sự của nhà báo Lương Duy Cường gửi tặng, đọc và thấy một thời lắm thứ bộn bề.

Cái sự bộn bề thao thức trong hơn 210 trang sách ấy, là rút tỉa một quãng đời làm báo 35 năm của anh, xem như dồn hết cái tinh túy trải nghiệm, để chỉ với khoảng 600-700 chữ trong mỗi bài đăng tải trên mục Câu chuyện hôm nay của nhật báo Người Lao Động trong 12 năm từ 2005 đến 2017, khiến ai đọc cũng thấy mỗi ngày báo ra, là mỗi khoảnh khắc trăn trở của tác giả.
Với tựa sách Cho dân một phần miếng bánh, khi đưa lên facebook để giới thiệu với bạn bè, đồ rằng tác giả cố ý muốn dành cái tốt đẹp cho đồng bào của mình, nên tôi đã viết vui vui là anh đang… “cà khịa”, có một số ý kiến đã đồng tình. Chiếc “bánh” ở đây, nôm na vậy nhưng là đủ thứ chuyện xảy ra trong xã hội, mà với cách sử dụng hành văn của thể loại bình luận, nhà báo Lương Duy Cường đã “đánh động” những điều bất cập, cái sự vô lý xảy ra nơi này nơi kia: khai thác tài nguyên vô tội vạ, công ty sân sau đục khoét của một số quan chức, nạn lạm thu trong trường học, vấn nạn lễ hội biến tướng, bất hợp lý từ việc in sách giáo khoa, các loại “cò” gây nên sự xáo trộn ở nơi này nơi kia, nạn xây dựng trái phép, sự tắc trách khi giải quyết những vấn đề của dân của nhà chức trách, đổ phần thiệt thòi cho dân trong việc dồn lên vai họ chi phí sản xuất điện, và nhiều bài ấn tượng ở mảng đòi công lý cho các vụ án oan…
Đặc biệt, trong số 99 bài báo tổng hợp in sách, tôi chú ý nhất đến bài viết có liên quan đến một vấn đề hiện vẫn thời sự, gióng lên sự cảnh báo nghiêm trọng về dịch bệnh, đó là bài Đỉnh hai dịch bệnh đăng ngày 15.11.2009, được tập hợp in vào sách nằm ở trang 31-32. Nhìn lại, hóa ra vào thời xảy ra bệnh cúm A/H1N1 ấy, lúc này Việt Nam đã có 41 ca tử vong, tác giả đã viết có đoạn: “Nếu xảy ra việc hàng loạt bệnh nhân đồng nhiễm cúm A/H1N1 - sốt xuất huyết, hệ thống y tế của chúng ta sẽ khó ứng phó nổi nếu không cấp thiết có ngay những sự cần thiết”. Đọc, để thấy rằng sau hơn 10 năm, công tác y tế dự phòng và sự ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam đã có một bước tiến vượt bậc. Những nỗ lực “ghìm cương” của chúng ta hiện vẫn có hiệu quả, khiến cho con ngựa bất kham Covid-19 đang hoành hành tạm thời “khựng” lại. Và hệ thống y tế xét nghiệm, điều trị đang được người dân theo dõi hàng giờ hàng ngày với một sự tin tưởng. Tôi cũng không thể không liên tưởng khi đọc bài viết của đồng nghiệp Lương Duy Cường với một sự hình dung: ở thời điểm hiện tại, với các kịch bản ráo riết chống dịch từ trung ương đến các địa phương, người dân Việt đang đồng lòng, gắng sức nhắc nhở nhau để vượt qua đại dịch thế kỷ.
Khi nhà báo đi… “đòi bánh” cho dân!1

Hình bìa cuối tập sách

Ảnh: T.T.B

Quen biết nhau nhiều năm qua, cho nên khi giở tập sách của Lương Duy Cường, tôi cũng chú ý đến mảng các vụ án oan được anh đề cập trong đó ra sao, thì đây những bài viết sắc sảo về các vụ án anh dùng bút lực của mình để minh oan đã để lại nhiều ấn tượng cho không chỉ riêng tôi, trong đó vụ án oan của công dân Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, mà anh theo đuổi gần cả 2 thập niên, đặc biệt ấn tượng hơn cả. Nỗ lực của một phóng viên, rồi sau đó là phụ trách bộ phận biên tập cấp cao của tờ báo nơi anh công tác, cộng với trình độ của một luật gia rất nhạy bén về các khía cạnh pháp lý, anh đã bóc tách dần những mảng tối tố tụng của vụ án, để rồi góp phần của mình đưa ra một kết cục sáng lòa của công lý, đem lại niềm tin cho bạn đọc về một cây bút có sức nặng đánh bật sự trì trệ, sự xấu xa của một bộ phận cán bộ khi cố ý khép con người ngay thật vào vòng lao lý! (bài Huỳnh Văn Nén ở đâu? đăng báo ngày 26.11.2014, in tại sách ở trang 103-104; tiếp nữa là bài Không là đồn đoán vu vơ đăng báo ngày 23.10.2015, lúc vừa có thông tin người tù Huỳnh Văn Nén được ký quyết định tại ngoại sau 17 năm bị giam giữ oan sai, in tại sách ở trang 131-132; rồi tiếp nữa là bài Truy tận gốc rễ đăng báo ngày 28.11.2015 lúc Huỳnh Văn Nén được tại ngoại, in tại sách ở trang 139-140)…
Bài báo kết thúc tập sách có tựa đề Ngâm như ngâm giấm, đăng báo ngày 19.9.2017 và in lại trong sách ở những trang cuối cùng, theo tôi là thể hiện cao nhất của cái độ chín của ngòi bút Lương Duy Cường. Bởi cái sự chua cay của anh khi “chọc” vào chuyện một cán bộ của Cục chống tham nhũng “hứa lèo” với dư luận 7 lần về việc công khai kết luận thanh tra cái vụ biệt phủ của một vị quan chức ở Yên Bái, mà dư luận một thời sục sôi, cho thấy một điều: bản lĩnh của một ngòi bút trung thực với cái tình, cái lý khi nhìn nhận sự việc sẽ khiến cho cả nhân vật bị phê phán cũng phải “tâm phục khẩu phục”, và những bài báo như vậy luôn nhận được sự ủng hộ của công chúng độc giả!
Trở lại chuyện tựa tập sách, tôi cho rằng tự trong tâm thức của một người cầm bút có trách nhiệm, nhà báo Lương Duy Cường có lẽ vẫn luôn muốn kêu gọi về cho dân mình sự tốt đẹp. Bởi, trong bài viết đăng báo ngày 23.3.2015 với tựa đề Cho dân một phần miếng bánh (in lại trong sách ở trang 111-112) cũng là cái tựa anh thích khi rút làm tựa đề chung cho tập sách, Cường đã dẫn lời Thủ tướng lập quốc của Singapore, ông Lý Quang Diệu, lúc ông này mới qua đời, với câu nói bất hủ về việc thu hút nhân tài cho đất nước: “Hãy trao cho họ cơ hội tốt nhất để tự hoàn thiện, tận dụng năng lực bản thân. Nếu giăng lưới đủ rộng để bao quát toàn bộ dân số, chúng ta sẽ càng có nhiều cơ hội tìm thấy những nhân tài hàng đầu”.
Lời truyền lại ấy cho lớp hậu bối của một nhân vật tầm cỡ được đánh giá là “huyền thoại của châu Á trong thế kỷ XX và XXI” (lời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama), có lẽ đã khiến anh suy nghĩ nhiều, bởi cái định-đề tâm-huyết “trao cho mỗi công dân một phần miếng bánh” chưa bao giờ là thừa với bất cứ quốc gia nào.
Vì với cung cách đối xử như thế, mỗi người dân sẽ có ý thức cộng đồng trách nhiệm, và họ sẽ tận hiến đời mình với cái chung của xã hội!
(*) Đọc tuyển tập bình luận thời sự Cho dân một phần miếng bánh của tác giả Lương Duy Cường-NXB Hội Nhà Văn, quý I-2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.