Theo Bloomberg, gần 3.000 ô tô bang Michigan sẽ được lắp đặt thiết bị truyền và nhận thông tin không dây. Nếu kết quả khả quan, Ủy ban Quốc gia về an toàn giao thông của nước này có thể bắt buộc mọi phương tiện giao thông phải lắp đặt một thiết bị tương tự.
Đây là lần đầu tiên công nghệ truyền thông tin “từ xe hơi đến xe hơi”, gọi tắt là V2V được thử nghiệm trên quy mô lớn. Trước đây, các hãng sản xuất xe hơi thường dùng radar hoặc máy quay camera để phát hiện nguy hiểm. Radar có độ phủ sóng lên tới 200 m nhưng lại không có khả năng phát hiện những chiếc xe ở khuất tầm mắt. Trong khi đó, hệ thống wifi áp dụng trong thí nghiệm này có thể định vị tất cả các phương tiện trong bán kính 300 m.
Thông tin được truyền đi bao gồm vị trí, tốc độ và chiều di chuyển của xe. Thiết bị cũng ghi nhận mỗi khi tài xế đạp thắng hay bẻ tay lái. Những chi tiết này sẽ được hệ thống tổng hợp và chuyển thành tín hiệu cảnh báo trong trường hợp có vụ va chạm hay xe đột ngột chuyển làn ở điểm mù của tài xế. Ngoài ra, thiết bị này cũng sẽ được lắp đặt trên cột đèn giao thông và bảng tên đường ở 29 khu vực. Nhờ đó, tài xế sẽ nhận được các tin nhắn khi đèn chuyển màu, khi có khúc quanh trước mặt hay những bất thường khác trên mặt đường. Thiết bị còn có thể giúp tài xế chuyển đèn sang màu xanh khi không có phương tiện nào khác ở xung quanh.
Dự án 25 triệu USD này được tài trợ bởi Bộ Giao thông Mỹ. Viện Nghiên cứu giao thông của Đại học Michigan chịu trách nhiệm lắp đặt và thu thập thông tin. Những phương tiện dùng trong thử nghiệm được cung cấp bởi các nhà sản xuất General Motors, Ford, Toyota, Honda, Nissan, Volkswagen, Hyundai và Mercedes-Benz.
Trong năm 2011, 32.000 người thiệt mạng do tai nạn giao thông ở Mỹ. Phát biểu trong buổi phát động chiến dịch thử nghiệm vào ngày 22.8 tại Đại học Michigan, ông Ray Lahood, Bộ trưởng Bộ Giao thông Mỹ, tin rằng 80% vụ va chạm (mà tài xế không chịu ảnh hưởng từ rượu hay ma túy) có thể tránh khỏi, hoặc giảm nhẹ nếu những chiếc xe có thể trò chuyện với nhau. Tuy nhiên, kế hoạch áp dụng rộng rãi V2V cũng gặp không ít trở ngại, như ngân sách hạn hẹp so với chi phí lắp đặt phần mềm và phần cứng, người tiêu dùng không chuộng những công nghệ có khả năng xác định vị trí của họ, khó xác định nguyên nhân trong trường hợp hệ thống thất bại khi ngăn chặn một vụ tai nạn.
Quan trọng hơn, sự thành công của V2V phụ thuộc hoàn toàn vào phản ứng của tài xế. Một nghiên cứu gần đây của Viện Bảo đảm an toàn xa lộ cho thấy ảnh hưởng của thiết bị báo chuyển làn là không đáng kể trong việc làm giảm các vụ va chạm. Người ta lo ngại rằng những báo động thường xuyên hay báo động giả sẽ khiến người lái xe không có được phản ứng cần thiết khi sự cố thật sự diễn ra. Thậm chí thiết bị này có thể dẫn đến tình trạng tài xế ỷ lại khi tham gia giao thông.
Hạnh Vân
>> Lốp xe "thông minh
>> Lái xe đạp nhỏ nhất thế giới
Bình luận (0)