(TNO) 'Mục tiêu của đội tuyển Việt Nam là gì?' đấy là câu hỏi mà một phóng viên nước ngoài đặt cho HLV trưởng tuyển Việt Nam Toshiya Miura sau lễ bốc thăm chia bảng AFF Cup 2014.
>> Bốc thăm AFF Cup 2014: Không có bảng nào nhẹ
>> Sân Hàng Đẫy tổ chức một trận vòng bảng AFF Cup
>> Việt Nam thoát bảng ‘tử thần’ ở AFF Cup 2014
|
Câu trả lời của HLV người Nhật: "Chúng tôi là chủ nhà, lại đã từng vô địch, nên mục tiêu của chúng tôi ở giải này là cố gắng giành ngôi vô địch...".
Nghe ông Miura nói đến "mục tiêu vô địch", tôi và nhiều đồng nghiệp của tôi ngồi phía dưới mà... lạnh sống lưng. Năm 2001, khi lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, thầy trẻ Dido cũng từng nói đến "mục tiêu vô địch SEA Games". Ông còn bảo: "Trong bóng đá người ta chỉ nhớ đến đội vô địch mà thôi".
Thì quả đúng như thế: Trong bóng đá, người ta chỉ nhớ đến nhà vô địch. Nhưng rõ ràng là khi nói đến hai tiếng "vô địch" ở thời điểm ấy, ông Dido cho người ta cảm giác ông không hiểu mình và đối thủ của mình. Thực tế thì SEA Games 2001, U.23 Việt Nam của Dido bị loại ngay sau vòng bảng với một trận đấu rất đáng ngờ tước Indonesia (thua 0-1).
Nhìn từ vẻ bề ngoài đến cả cách ăn nói, dễ thấy ông Miura bây giờ có một tác phong điềm đạm, nhã nhặn, chứ không phóng khoáng, bốc đồng và đầy tính nghệ sĩ kiểu Dido. Thế nên cái "mục tiêu vô địch" mà ông đề cập có thể không đến từ một thoáng bốc đồng, mà đến từ niềm tin của một người đang trong giai đoạn bắt đầu công việc mới - mà lại bắt đầu đầy hứng khởi với 90 phút ra mắt đại thắng Myanmar.
Khi người ta bắt đầu một công việc, là công việc mình yêu thích nhưng lại không được thực hiện nó trong một thời gian rất dài (trước khi sang làm HLV trưởng tuyển Việt Nam ông Miura làm BLV bóng đá trên truyền hình Nhật Bản) thì người ta đặc biệt cần niềm tin. Niềm tin vào chính mình và vào những con người chung lưng đấu cật với mình.
Thành thử niềm tin của ông Miura, cái "giấc mơ vô địch" của ông Miura, ở một góc độ nào đó là rất đáng hưởng ứng.
Nhưng sau cái thoáng tin yêu mơ mộng, chắc chắn là ông Miura cũng cần phải được tư vấn để thấy rằng chất lượng đội tuyển Việt Nam hiện nay không bằng so với hồi 2010 - năm mà chúng ta vất vả vào bán kết, càng không bằng so với hồi 2008 - năm mà chúng ta đã bất ngờ vô địch.
Thời gian qua, ông Miura thường xuyên "vi hành" các sân vận động xem V-League, và chắc chắn là ông hiểu cái sân chơi cung cấp con người cho đội tuyển đang diễn ra những vấn nạn nào.
|
Hãy bỏ qua vấn nạn cầu thủ làm kèo - cái vấn nạn khiến những người làm nghề như ông không thể không lo sợ, mà chỉ "nội soi" đơn thuần ở góc độ chuyên môn hẳn cũng thấy V-League bây giờ đang thiếu cầu thủ nội có chất lượng, có đam mê, có khả năng hy sinh vì màu cờ sắc áo.
Nói như một người rất hiểu V-League, rất hiểu cầu thủ Việt như HLV Nguyễn Văn Sỹ ở Ninh Bình thì: "Bây giờ, cầu thủ nghĩ đến đồng tiền nhiều hơn tất cả....".
Có một hình ảnh đáng chú ý là khi ông Miura nói đến "mục tiêu vô địch" thì ở trên bàn họp báo, người ngồi rất gần ông, "cáo già" Avramovic (HLV trưởng Myanmar, người từng 3 lần vô địch Đông Nam Á với tuyển Singapore) vẫn giữ một gương mặt lạnh băng.
Sau đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn riêng với chúng tôi, ông Avramovic từ chối bình luận về "mục tiêu vô địch" của người đồng nghiệp, nhưng ông bảo: "Sống với bóng đá Đông Nam Á đúng 10 năm, tôi thấy rằng sự chênh lệch giữa các đội bóng không cao như trước nữa. Vì vậy, việc giành chức vô địch càng ngày càng khó...".
Có một điều chắc chắn: Ông Avramovic hiểu về bóng đá Đông Nam Á, và có thể là hiểu về chính đội tuyển Việt Nam nhiều hơn hẳn so với một người mới bắt đầu hành nghề ở Việt Nam như ông Miura!
Phan Đăng
Bình luận (0)