Khi ông Miura 'một nách hai con'…

11/05/2015 09:08 GMT+7

(TNO) Chỉ có hơn 20 ngày cho hai chiến dịch lớn, HLV trưởng Miura phải vắt chân lên cổ chạy tới chạy lui giữa hai đội tuyển mà làng bóng hay gọi là 'vừa xay gạo vừa bế em'.

(TNO) Chỉ có hơn 20 ngày cho hai chiến dịch lớn, HLV trưởng Miura phải vắt chân lên cổ chạy tới chạy lui giữa hai đội tuyển mà làng bóng hay gọi là 'vừa xay gạo vừa bế em'.
HLV Miura dẫn dắt U.23 Việt Nam tại SEA Games 28 - Ảnh: Minh Tú
Lần đầu tiên dưới thời các thầy ngoại, cả ông Miura và VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) sẽ tính cho đội tuyển quốc gia đá giao hữu nội bộ hai trận với đàn em U.23 Việt Nam để tích lũy kinh nghiệm lẫn nhau. Thật khó nói đầy đủ cái kiểu “gà nhà đá nhau” lợi nhiều hơn hại bởi ai cũng muốn thể hiện mình để trụ lại nên rất dễ dẫn đến sự kèn cựa và hơn thua nhau khi đã hiểu quá rõ về nhau.

HLV Miura buộc phải chọn giải pháp ấy bởi đơn giản ông không có nhiều thời gian lẫn công sức để phân thân chăm sóc cho từng đội tuyển một cách tốt nhất và đặc biệt là ông không giao hẳn đội nào cho trợ lý. Điều này khác với thời của HLV Riedl từng dẫn dắt hai đội tuyển quốc gia và có lúc buộc phải giao một đội Olympic cho trợ lý Trần Công Minh dự vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 hay ông Calisto sau này tin tưởng vào HLV Lê Huỳnh Đức.

Thế nhưng nhìn vào hành trình của các đời tiền nhiệm Miura khi phải cùng lúc huấn luyện hai đội tuyển đều không như ý muốn bởi họ có quá ít thời gian và thiếu hẳn sự sâu sát để điều chỉnh hàng ngày.

Hơn một năm trước, HLV Miura ký hợp đồng với VFF đã chịu sự ràng buộc phải dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam nhưng chắc hẳn ông chưa lường đến tình huống khó khăn tập trung cùng thời điểm. Năm ngoái, ông thầy người Nhật sau khi tham dự Asiad 17 với lứa cầu thủ Olympic thì vài tháng sau đó, ông mới đưa đội tuyển quốc gia chơi AFF Cup 2014 và đầu năm nay mới tiếp tục đá vòng loại U.23 châu Á.

Lần này, ông Miura buộc phải huấn luyện cùng lúc U.23 Việt Nam chuẩn bị SEA Games 28 và tuyển quốc gia đá vòng loại World Cup 2018 đồng thời tranh vé vòng chung kết Asian Cup 2019. Chính vì thuê thầy theo kiểu tiền nào của đó nên không lạ khi ông Takashi sau khi xong AFF Cup với tuyển nữ Việt Nam phải chạy qua đội nam phụ việc cho đồng hương Miura.

VFF và bản thân ông Miura khi giới truyền thông ngại ngùng nhắc đến việc “một nách hai con” thì hay đem Kiatisak và các đội tuyển Thái Lan ra so sánh với suy luận khó người, khó ta. Thế nhưng cần biết là các cầu thủ Thái Lan luôn có tính chuyên nghiệp cao hơn đồng nghiệp. Rõ nhất là công việc của Kiatisak không vất vả như ông Miura mỗi lần tập trung lại nhồi thể lực và dạy lại các bài chiến thuật cho học trò.
Ông Miura (áo trắng) và các trợ lý HLV ở U.23 Việt Nam - Ảnh: Minh Tú
Quỹ thời gian ngắn vả lại phải quán xuyến cả hai đội tuyển, dễ thấy để chuẩn bị cho một giải đấu lớn, ông Miura không có nhiều trận đấu cọ xát. Ví như đội tuyển quốc gia chỉ đá một trận quốc tế với CHDCND Triều Tiên (ngày 17.5) và đội Hải Phòng một ngày sau đó nhằm giúp cầu thủ thả lỏng hơn là một đối trọng để nâng tầm. Trong khi đó, tuyển U.23 Việt Nam sau trận đá với U.23 Hàn Quốc sẽ chỉ gặp thêm U.23 Myanmar.

Cầu mong cho HLV Miura sẽ dốc lòng, dốc sức ra “nuôi” hai đứa con đội tuyển quốc gia khôn lớn và thỏa mãn nguyện vọng của VFF để khỏi mang tiếng cứ mãi ôm một “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.