Bữa tối ở nhà của Rabia Sultana, 21 tuổi, lúc này không khí trong gia đình lạnh tanh. Gia đình đã không nói gì với cô kể từ tháng 5-2010 khi cô bắt đầu làm công việc thu ngân ở cửa hàng McDonalds. Người anh nói Sultana đã làm tổn hại đến danh dự gia đình khi làm một công việc phải tiếp xúc với cánh đàn ông. Hơn nữa, việc làm đó đòi hỏi cô phải thay chiếc áo trùm kín đầu bằng bộ đồng phục McDonalds ngắn tay. Thế rồi, anh ta lấy bộ đồng phục của cô, tát cô và dọa đập gãy chân nếu thấy cô ở bên ngoài nhà.
Góp phần nuôi gia đình
Gia đình Sultana có thể nổi giận nhưng họ cũng đang trong cảnh túng thiếu. Sultana đóng góp lương tháng 100 USD vào ngân quỹ gia đình để chi những khoản mà nam giới trong gia đình không thể kham nổi nữa, trong đó có tiền học cho mấy đứa em gái của cô.
Sultana là một trường hợp trong số thế hệ phụ nữ trẻ thuộc đẳng cấp thấp ở Pakistan đang làm những việc ở khu vực dịch vụ để góp phần nuôi gia đình. Họ gác sang một bên những truyền thống về tôn giáo và văn hóa vì nhu cầu cuộc sống.
Phụ nữ Pakistan buộc phải tham gia lực lượng lao động khi lạm phát đã lên đến 12,7%. Hậu quả là lương của những người đàn ông không thể nuôi sống cả nhà. Rafid Rangoonwala, Tổng Giám đốc KFC Pakistan, đã yêu cầu các nhà quản lý của ông tăng gấp đôi số lượng phụ nữ trong lực lượng lao động vào năm 2011. Ông khẳng định: “Đó không chỉ là nhu cầu về kinh tế mà còn là nhu cầu của đất nước này”.
Zeenat Hisam, nhà nghiên cứu thuộc Viện Giáo dục và Nghiên cứu lao động Pakistan, nhận định: “Nam giới ở Pakistan vẫn không thay đổi. Họ không thay đổi nhanh như phụ nữ của chúng tôi. Cánh đàn ông muốn duy trì quyền lực của họ. Đa số dân chúng đều tin vào cách hiểu truyền thống về đạo Hồi. Tuy nhiên, họ rất giận dữ bởi vì các nhà lãnh đạo tôn giáo quả quyết rằng phụ nữ ra ngoài và làm việc, phục vụ đàn ông lạ là điều không thích hợp”.
Đối mặt sự thù hằn
Hơn 100 phụ nữ mới vào làm việc trong khu vực dịch vụ cho biết họ liên tục bị quấy rối. Một số phụ nữ mất nhiều thời gian để lo đối phó với sự lạm dụng từ khách hàng hơn là để phục vụ họ. Trên xe buýt về nhà, họ lại bị những người hàng xóm cật vấn và lên án. Vì vậy, một số mạng lưới như McDonalds và Makro đã cung cấp dịch vụ đi lại miễn phí cho các nhân viên nữ để bảo vệ họ khỏi bị quấy rối và cũng để thuyết phục họ làm việc ở nơi họ có thể đối mặt với sự thù hằn.
Theo báo The New York Times (Mỹ), nhiều phụ nữ cho biết họ phải đấu tranh với những suy nghĩ khuôn mẫu cho rằng phụ nữ đi làm là những kẻ bừa bãi về tình dục. Một số nam giới còn hiểu sai những hành vi đơn giản của dịch vụ khách hàng như phải cười với khách hàng chẳng hạn. Fauzia, thu ngân ở cửa hàng KFC, kể rằng một khách hàng đã bị nụ cười của cô hấp dẫn đến mức đi theo cô ra cửa và cố lôi cô vào xe nhưng cô đã thoát được. Đối với Fauzia, 15 phút đi bộ qua những con đường nhỏ hẹp để về đến nhà là khoảng thời gian khó khăn nhất trong ngày.
Bên cạnh đó, Sunila Yusuf, làm việc tại quầy bán quần áo ở trung tâm mua sắm Park Tower, Karachi, nói vị hôn phu của cô đã đề nghị mỗi tháng trả cho cô 100 USD nếu cô ở nhà. Cô nhấn mạnh: “Anh ấy biết rằng đàn ông Pakistan không tôn trọng phụ nữ”.
Sultana tâm sự: “Nếu tôi bỏ công việc này, mọi chuyện ở nhà sẽ suôn sẻ. Thế nhưng lúc đó gia đình chúng tôi sẽ chịu một tác động to lớn. Tôi muốn làm một điều gì đó cho các em gái tôi. Chúng đang ở nhà và chưa biết gì về thế giới bên ngoài”.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)