Khi sinh viên được trao 'sân chơi lớn'

08/09/2013 23:50 GMT+7

(TNO) Ngày càng có nhiều 'sân chơi lớn' được giao cho sinh viên toàn quyền chủ động.

(TNO) Một chương trình giao lưu quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, một cuộc thi tiếng Anh dành cho sinh viên các trường ĐH… Các "sân chơi" quy mô này đều do sinh viên thực hiện, từ khâu lên kế hoạch, kịch bản, đến tìm nhà tài trợ...


Sinh viên hào hứng trong Chương trình Giao lưu và trao đổi sinh viên Việt - Nhật 2013 - Ảnh: Hoàng Quyên 

Những năm gần đây, có rất nhiều chương trình lớn, những cuộc thi quy mô được tổ chức dành cho giới trẻ. Điều đặc biệt là những “sân chơi” ấy cũng chính do các bạn trẻ vận hành.

Mang chương trình giao lưu quốc tế đến Việt Nam

Ngày 4.9 vừa qua, Chương trình Giao lưu và trao đổi sinh viên Việt - Nhật 2013 được khởi động tại Trường ĐH Hoa Sen do Trường ĐH Tokyo Keizai (Nhật Bản), tổ chức dưới sự điều phối của Hiệp hội Giáo dục và giao lưu châu Á, Nhật Bản.

Hàng năm, chương trình này được tổ chức tại Thái Lan, Indonesia, Nepal... Đây là lần đầu tiên chương trình được tổ chức tại Việt Nam.

Thông qua chương trình này, từ ngày 4 - 15.9, sinh viên 2 nước Việt - Nhật sẽ cùng nhau tìm hiểu các địa điểm lịch sử tại Việt Nam; tham gia buổi giao lưu về công việc và học tập tại Nhật Bản và Việt Nam; tổ chức ngày giao lưu văn hóa giữa sinh viên các trường đại học cùng sinh viên Nhật Bản...

Chương trình dài hơi, mang tầm quốc tế này được một nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM đứng ra lên kế hoạch và tổ chức.

Nguyễn Thị Mỹ Xuân, cô sinh viên năm thứ 4 của Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM, người đã có ý tưởng cho chương trình tại Việt Nam, kể: “Là điều phối viên của Hiệp hội Giáo dục và giao lưu châu Á, Nhật Bản, mình đã làm đề án tổ chức giao lưu tại Việt Nam và được hiệp hội chấp thuận”.

Sau khi đề án của Mỹ Xuân được chấp nhận, Xuân cùng 7 người bạn khác bắt tay vào thực hiện chương trình này. Họ tự tìm hiểu và mời các thầy cô, bạn bè có kinh nghiệm làm cố vấn chương trình, nhờ trung tâm hỗ trợ sinh viên và nhóm sinh viên chuyên ngành du lịch khách sạn mượn địa điểm,…

“Mình mong muốn qua chương trình này, mọi người sẽ có cơ hội làm việc cùng nhau khi đang là sinh viên. Đặc biệt, các bạn sinh viên năm nhất, năm hai có cơ hội để giao lưu với bạn bè quốc tế”, Xuân chia sẻ.

Nhóm của Xuân cũng hy vọng từ chương trình này, thông qua Hiệp hội Giáo dục và giao lưu châu Á, sẽ có nhiều sân chơi, nhiều chương trình giao lưu hơn nữa ở Việt Nam những năm sau này.

Điều hành “sân chơi Anh ngữ”

Cũng trong tháng 9 này, một nhóm sinh viên khoa Thương mại - Du lịch - Marketing, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cùng nhau tổ chức cuộc thi tìm hiểu văn hóa các nước bằng tiếng Anh mang tên Sea to sea lần thứ 8.


Sinh viên tham gia nhận hồ sơ đăng ký dự thi cuộc thi tìm hiểu văn hóa bằng tiếng Anh - Ảnh: BTC Cuộc thi Sea to sea cung cấp

Nguyễn Đình Duy, một trong những thành viên ban tổ chức cuộc thi và đang là sinh viên, cho biết: “Được khoa giao cho tổ chức cuộc thi, tụi mình đã chia làm nhiều nhóm với những công việc rất rõ ràng: bộ phận truyền thông, bộ phận tìm kiếm tài trợ, bộ phận nội dung,… Mỗi bộ phận sẽ có 3 - 4 sinh viên chịu trách nhiệm thực hiện”.

Tất cả những công việc cho cuộc thi được sinh viên tham gia tổ chức hoàn toàn tự nguyện và không có thù lao, nhưng ai nấy đều vui. Tùy vào năng khiếu, sở thích mỗi sinh viên mà ứng tuyển vị trí thích hợp để tham gia vào ban tổ chức cuộc thi.

“Mình mong muốn khi tham gia tổ chức cuộc thi này sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm làm việc, có thêm kỹ năng giao tiếp và đặc biệt là tạo mối quan hệ giữa nhà trường với các cơ quan khác”, Duy chia sẻ.

Với sở thích và mong muốn của Duy, anh được chịu trách nhiệm chính trong công tác truyền thông và xin bảo trợ thông tin từ báo chí.

Đứng ra '"lo liệu" giao lưu quốc tế

Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, mỗi năm có rất nhiều đoàn đại biểu, đoàn khách từ các trường ở nước ngoài đến làm việc và giao lưu. Và ít ai biết rằng, nhiều trong số các chương trình đón tiếp và tổ chức giao lưu lại do CLB Giao lưu quốc tế, với những thành viên là sinh viên của trường, đứng ra “lo liệu”.

Vũ Đỗ Khanh, Phó chủ nhiệm CLB Giao lưu quốc tế, cũng đang là sinh viên năm thứ 4, cho biết khi chương trình nào đó được nhà trường giao thì các bạn sinh viên chia nhau lo các khâu tổ chức, lên kế hoạch, kịch bản chương trình,…

“Tháng 9 đến tháng 10, CLB sẽ tổ chức đón đoàn thanh niên Đông Nam Á và tổ chức các lễ hội văn hóa vào thời gian cuối năm”, Khanh nói thêm.

Khanh cho rằng “công việc hoàn toàn tự nguyện và không nhận thù lao nhưng bù lại, sinh viên đã nhận rất nhiều kiến thức, kỹ năng cho bản thân trước khi rời ghế trường”.

Sinh viên mời giáo sư Mỹ dạy miễn phí

Trong tháng 8 vừa qua, một nhóm bạn trẻ Việt Nam thuộc Mạng lưới khởi nghiệp trẻ Việt Nam, đã tổ chức mời giáo sư từ Mỹ về Việt Nam để giảng dạy miễn phí cho các sinh viên Việt nhân Hội trại Khởi nghiệp thường niên.

Đây cũng là năm thứ 3 Chương trình Hội trại Khởi nghiệp thường niên được sinh viên tổ chức với nhiều hoạt động nhằm giúp sinh viên trang bị thêm kỹ năng mềm, khả năng về ngôn ngữ, đặc biệt là tạo cơ hội giao lưu giữa sinh viên Việt và sinh viên các trường ĐH khu vực Đông Nam Á.

 Hoàng Quyên

>> Sân chơi tiếng Anh 'Sea to sea' cho sinh viên
>> Nhiều sân chơi dành cho tân sinh viên
>> Asus rời 'sân chơi' Windows RT
>> 3.500 thanh thiếu niên học kỹ năng sống
>> Nâng cao kỹ năng giảng dạy nghiệp vụ du lịch
>> Học kỹ năng ở chùa 
 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.