Khi Tây đón Tết ta

14/01/2006 14:17 GMT+7

“Tết Việt Nam ấy à, chắc là vui lắm! Mình thích xem cảnh mọi người rộn ràng chuẩn bị đón năm mới như trang hoàng nhà cửa, mua sắm quần áo mới, đi chợ hoa… và muốn hòa mình vào không khí đó”, Julie Gaunt, cô bạn 22 tuổi đến từ nước Anh háo hức khi lần đầu ở lại Việt Nam đón Tết. Không hẹn mà gặp, những bạn trẻ nước ngoài khác đang làm việc hay học tập tại TP.HCM cũng dành những tình cảm tốt đẹp khi nhắc đến Tết cổ truyền Việt Nam.

Du lịch đón Tết

Đến TP.HCM gần 4 tháng, hiện đang dạy Anh văn tại một số trung tâm như Trung tâm ngoại ngữ thông tấn báo chí (Thông tấn xã Việt Nam), Hội Việt-Mỹ..., Julie "khoe" mình có được những người bạn Việt thân thiện và cởi mở. Cách đây hơn hai tuần, nhờ bạn bè hướng dẫn, cô đã có thể cầm lái chiếc Wave Alpha chạy ngon ơ. “Ngày đầu chưa quen nên bị té, đau ê ẩm nhưng giờ thì ổn rồi, mình có thể chạy khắp nơi trong thành phố, chỉ có điều còn chậm như rùa bò thôi”, Julie cười cho biết. Ngoài giờ dạy, cô rất thú vị khi cùng bạn bè hay học trò rủ nhau thưởng thức món ăn Việt Nam, hát karaoke và "lang thang" ở khu Chợ Lớn gần chỗ trọ để tìm hiểu nếp sống tại đây. Tết này Julie còn khá "đắt sô" khi nhận lời mời của nhiều người bạn Việt rủ đón giao thừa cùng gia đình tại Đà Lạt, Nha Trang, Hội An... "Rất khó quyết định vì mọi người đều rất nhiệt tình, nhưng mình đã chọn Hội An làm điểm đến để đón năm mới. Mình nghĩ nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa Việt cổ truyền nên đêm giao thừa sẽ rất thú vị", cô bật mí kế hoạch du lịch từ ngày 25 của mình. Dù lần đầu đón Tết xa nhà nhưng Julie không thấy buồn vì vừa rồi ba mẹ mới từ Anh sang thăm cô con gái nhỏ nhân dịp Giáng sinh, chỉ có điều "phải chi ba mẹ lưu lại đến Tết âm lịch thì hay quá! Đêm giao thừa, nhất định mình sẽ gọi điện về nhà chúc Tết".

Cũng thích du lịch đón tết là anh Nakao Katsuhisa, hiện đang dạy tiếng Nhật cho một tổ chức phi chính phủ tại TP.HCM. Bắt đầu sang làm việc từ cuối tháng 8, nhưng trước đó năm 2001, Nakao đã đến Việt Nam du lịch "ba lô". Một mình với tấm bản đồ và đi đến nhiều nơi như Huế, Hội An, Nha Trang..., anh muốn hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương và nếm thử các món ăn Việt. Lần này trở lại Việt Nam, anh muốn tiếp tục khám phá thêm những nét văn hóa thú vị.  Suýt nữa thì không nhận ra anh chàng người Nhật khi Nakao đã "sưu tập" được món cà pháo, mắm tôm, cơm hến và món khoái khẩu nước mắm kèm theo lời nhận xét tỉnh rụi "Oishi" (ngon). Khi nhắc đến Tết cổ truyền, anh tỏ ra khá hứng thú: "Ở Nhật chỉ đón Tết dương lịch chứ không đón Tết âm lịch như ở Việt Nam hay Trung Quốc, vì vậy mình rất muốn biết không khí chuẩn bị đón Tết của người Việt như thế nào, nhất là từ ngày 28 đến đêm 30". Vì thời gian nghỉ Tết kéo dài gần 2 tuần nên đây là dịp quý để Nakao tranh thủ đi du lịch cùng bạn bè và mở rộng tầm mắt. Với anh kỷ niệm đáng nhớ là khi đến thăm phố cổ Hội An vì "trông có nét tương tự như cố đô Kyoto, tự dưng có cảm giác như hình ảnh đất nước mình thấp thoáng đâu đó ngay tại Việt Nam nên khá xúc động!". Xa nhà nên lời ước đầu năm của anh là cầu mong sức khỏe đến những người thân đang ở TP Yokohama.

Tết này sẽ vui hơn

Đó là lời nhận xét của anh chàng sinh viên Hàn Quốc Lee Hyung Min (khoa Việt Nam học, ĐH KHXH&NV TP.HCM) khi nói về kế hoạch đón Tết năm nay. Sang Việt Nam hồi tháng 2 năm ngoái đúng ngay dịp Tết cổ truyền nhưng vì chưa biết tiếng Việt, lại không quen đường nên "đêm giao thừa chỉ quanh quẩn ở nhà, buồn lắm!". Năm nay thì khác, với vốn tiếng Việt "lận lưng" kha khá, Min và cha anh chuẩn bị du lịch đến Phan Thiết, sau đó trở về thành phố du xuân với bạn bè khi đã biết được những địa điểm thú vị như: Suối Tiên, Đầm Sen... "Hàn Quốc và Việt Nam đều có Tết cổ truyền nhưng phong tục mỗi nơi mỗi khác. Năm nay nhất định mình sẽ tìm hiểu những nét khác nhau giữa Tết Việt với Tết Hàn", Min cho biết. Với Min, sẽ càng vui hơn nếu cả gia đình cùng sum họp trong đêm giao thừa vì hiện mẹ và em gái vẫn đang ở Hàn Quốc. "Biết sao được, ba mẹ muốn em gái học xong cấp 3 rồi mới quyết định chuyển cả nhà sang Việt Nam. Nhưng thế nào đúng đêm giao thừa mẹ và em gái cũng gọi điện sang cho hai cha con, vậy là vui rồi!".

Với cô bạn người Mỹ Molly Hartman O'Connel, hiện đang làm nghiên cứu sinh theo chương trình học bổng Fulbright thì đây cũng là cái Tết thứ hai ở  Việt Nam. Cách đây 2 năm, Molly đã đón Tết cùng gia đình một người bạn ở Đồng Nai, sau đó vòng một "tua" xuống Đồng Tháp. "Ở Đồng Tháp mọi người đến chúc Tết, thăm hỏi nhau bằng xuồng, hơi khác với Đồng Nai. Cùng là Tết Việt nhưng mỗi vùng lại có những nét riêng thật thú vị!", Molly nhận xét. Có lẽ kỷ niệm đáng nhớ hơn cả là đêm giao thừa khi Molly vừa chơi trò lô-tô, vừa "học hỏi" cách cắn hạt dưa từ bạn bè. Còn năm nay, Molly quyết định ở lại TP.HCM và đi một vòng "xông đất" những người bạn Việt mà mình đang cộng tác cho đề tài nghiên cứu về phụ nữ của cô.

Có "thâm niên" đón đến 4 cái Tết ở Việt Nam là anh Thomas McClelland, hiện đang công tác tại công ty kế toán - kiểm toán PriceWaterHouse Coopers. Vì "bà xã" là người Việt nên anh thật sự trải qua không khí ấm cúng khi đón giao thừa với gia đình bên vợ. Điều khó quên với anh  là khi nhận được phong bao lì xì cùng lời chúc đầu năm tốt lành từ những người thân (trong đó có người bà đã mất) và những lần lái xe dạo quanh Chợ Lớn, xem mọi người đi chùa hái lộc, cầu an. Thậm chí anh còn nhớ cả chuyện "không may" trong năm mới: "Lần đó ra chợ chọn mua dưa hấu ruột đỏ để cầu may nhưng đến lúc bổ ra lại bị hư, thế là đầu năm chuyện xui đến tới tấp", Thomas nhớ lại. Còn năm nay, gia đình anh đã sẵn sàng đón một cái Tết thật vui và may mắn với gốc mai được anh chăm chút kỹ lưỡng cùng mâm ngũ quả và đầy đủ bánh mứt đậm đà hương vị Việt. "Tôi rất thích ý nghĩa tinh thần của ngày Tết khi gia đình, bạn bè sum họp và chờ đón một khởi đầu mới tốt đẹp. Trong cuộc sống hối hả như hiện nay thì những thời khắc đó thật đáng quý", Thomas bộc bạch. Và đó không chỉ là suy nghĩ của riêng Thomas...

Vân Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.