Khi teen bị từ chối tình cảm

12/08/2012 10:31 GMT+7

Thay vì lặng lẽ rút lui để tiếp tục hành trình đi tìm “nửa kia” thật sự của mình, nhiều bạn trẻ đã cố sống cố chết “đòi tình” cho bằng được.

Bị cuốn vào câu chuyện “đòi tình” này không chỉ người trong cuộc khốn đốn, mà cả gia đình, nhà trường cũng lao đao theo.

Nhiều kiểu “đòi tình”

Đến tận bây giờ, chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Hoa vẫn còn nhớ vẻ mặt tội nghiệp của N.. Cô nữ sinh lớp 6 này được một nam sinh lớp 9 cùng trường theo đuổi. Tuy bị N. từ chối, nhưng ngày nào vào giờ ra chơi, “kẻ cuồng si” cũng theo dõi N. và sẵn sàng gây sự nếu thấy nam sinh nào đến gần N.. Chưa hết, nam sinh này còn lu loa tuyên bố N. là bạn gái của mình và không ai được phép quen.

 Khi teen bị từ chối tình cảm
Học sinh Trường THCS Độc Lập (quận Phú Nhuận, TP.HCM) trong một khóa huấn luyện về giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản - Ảnh: T.Bình

Cũng theo đuổi và đeo sát cô bạn học cùng lớp 11, nhưng cách của T. còn “rát” hơn. Không chỉ trong trường, T. còn đeo bám “người trong mộng” khắp nơi, để cuối ngày gọi điện thoại kể vanh vách hành tung của khổ chủ. Chịu không nổi nên cô gái méc mẹ, mẹ nói chuyện thế nào mà T. lại càng quấy rối dữ hơn: T. liên tục gọi điện thoại, nhắn tin và bám sát cô 24/24 giờ...

Một nữ thân chủ (lớp 11) của thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho biết còn bị “người hâm mộ” tên Q. (lớp 12) ra tối hậu thư “nếu em quen ai anh sẽ đâm nó”. Nói là làm, Q. bắt đầu theo dõi, hễ thấy anh chàng nào léng phéng gần cô nàng là ra mặt hăm dọa. Gặp nhà tham vấn, cô nàng tỏ ra lo lắng khi cô và bồ mới vì sự dữ dằn của Q.  mà chẳng dám trò chuyện, gặp mặt công khai.

 

Đối phó ra sao với “kẻ cuồng si”?

Theo thạc sĩ Hiếu, cần đánh giá tính cách của đối phương khi ứng xử. Với tính cách “mềm” - tức có thể hiểu chuyện, biết sợ người lớn - thì nên chọn biện pháp cứng rắn: méc giáo viên, cha mẹ. Còn với tính cách “cứng” nên dùng biện pháp mềm: chân thành thể hiện rằng bạn rất quý trọng tình cảm mà đối phương dành cho bạn, “song bạn cũng nên dùng lý lẽ giúp đối phương thấy rằng dùng bạo lực chỉ nhận lại sự ghê sợ và xa lánh, rằng bạn rất buồn nếu hình ảnh đối phương không còn đẹp trong mắt bạn” - thạc sĩ Hiếu nói.

Thời gian gần đây, tại một số địa phương cũng xảy ra nhiều vụ người trẻ khi bị từ chối tình cảm đã đốt nhà, hiếp dâm, hủy hoại nhan sắc, thậm chí sát hại người yêu. Mới đây nhất là vụ tự thiêu của H., học sinh sắp lên lớp 12 của Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh. Do không được nữ sinh D. (học cùng khối) đáp lại tình cảm, lại còn bị cha mẹ cô ngăn cản, nên vào chiều 7-8 vừa qua H. đã tẩm xăng tự thiêu, hiện tính mạng vẫn rất nguy kịch.

Cần dạy cách ứng xử

Theo bà Minh Hoa, một số bạn trẻ dường như đã bắt chước kiểu yêu sở hữu, “ăn” không được thì đạp đổ giống như cách hành xử của một số người lớn “xấu xí”. Bổ sung thêm, thạc sĩ Khắc Hiếu cho rằng những bạn trẻ ứng xử bạo lực trong chuyện bị từ chối yêu thường lớn lên trong các gia đình có bạo lực, cha mẹ ly hôn, thường xuyên lục đục, không quan tâm con cái...

Ngoài ra, theo thạc sĩ Hiếu, cách hành xử trên một phần do sự hiếu thắng, tính hay cường điệu hóa mọi việc và thổi phồng mọi thứ ở tuổi mới lớn. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là sự thiếu hụt các kỹ năng làm chủ cảm xúc và ứng xử với tình cảm, chưa chín chắn trong suy nghĩ, cộng hưởng với tính dễ nổi loạn của lứa tuổi đã khiến nhiều bạn trẻ hành xử theo kiểu “khủng bố” khi tình cảm mãnh liệt của mình bị đối phương từ chối. Còn theo thạc sĩ Trần Thị Ái Liên, do còn ít trải nghiệm cuộc sống nên bạn trẻ cứ nghĩ đó là “người duy nhất” mà mình có tình cảm yêu đương, khi không sở hữu được thì lồng lộn lên.

Về cách ứng xử, theo bà Hoa, người từ chối tình cảm phải hết sức khéo léo, tránh làm tổn thương đối phương bằng những việc như đưa thư tỏ tình cho người khác đọc, méc người lớn khi chuyện chưa đến mức trầm trọng... Bà Hoa cho rằng việc bị thiếu tôn trọng tình cảm rất dễ khiến đối phương tức tối, dễ phản ứng và hành xử tiêu cực. Ngoài ra, “Từ chối thì phải dứt khoát, nếu không đối phương nghĩ rằng còn hi vọng thì sẽ theo đuổi và làm khó mình” - bà Hoa phân tích.

Còn với các bạn trẻ yêu đơn phương, theo thạc sĩ Hiếu, cần hiểu rằng cuộc đời khó hoàn toàn như ý, nhất là chuyện tình cảm. Nếu tình yêu chưa được đáp lại, hãy cứ thể hiện tình cảm của mình một cách chân thành, không làm cho đối phương khó chịu thì mới mong nhận được sự đáp lại tích cực từ họ. Nếu sự kiên trì và thể hiện của bạn không được đáp lại, hãy biết rằng đó không phải “một nửa” thật sự của mình và bạn cần kiên nhẫn chờ đợi.

Về phía gia đình, bà Minh Hoa cho rằng cha mẹ cần tôn trọng cảm xúc, biết lắng nghe, chia sẻ, gợi mở để hiểu và định hướng suy nghĩ, cách ứng xử của con; ngoài ra cần dạy con biết cách kiểm soát tình cảm của mình. Còn theo thạc sĩ Hiếu, nhà trường cần dạy cách ứng xử trong chuyện yêu đương với tuổi mới lớn, vì đây là vấn đề rất hệ trọng, ảnh hưởng đến cả cuộc đời người trẻ, nhưng hầu như bị nhà trường bỏ rơi bởi cho rằng đó chỉ là chuyện nhăng nhít của lứa tuổi học trò.

Theo Thái Bình / Tuổi Trẻ

>> Tình cảm giúp bệnh nhân sống lâu hơn
>> Đốt nhà bạn gái vì bị từ chối tình cảm
>> Lý trí chế ngự tình cảm
>> Giết bạn vì mâu thuẫn tình cảm
>> Tình cảm đặc biệt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.