Câu chuyện phụ huynh Trường tiểu học – THCS Tân Bình (H.Tân Thạnh, Long An) xông đến trường tát tai cô giáo rồi quay clip, tung lên mạng xã hội sau khi nghe tin con trai lớp 1 bị cô dùng thước kẻ đánh 5 lần vào phía trên tay trái như một nốt lặng buồn trong những ngày cuối năm học.
Mảnh ghép buồn về cách ứng xử giữa phụ huynh và giáo viên
Cô giáo đã sai khi sử dụng biện pháp uốn nắn học sinh. Chính vì vậy, sau khi đánh vào tay học sinh, cô giáo cảm thấy có lỗi nên gọi điện nhiều lần cho mẹ nam sinh để xin lỗi nhưng không kết nối được. Cô đứng chờ chị gái của nam sinh ở cổng để xin lỗi và được người này đồng ý. Thế rồi cô vẫn bị mẹ của nam sinh lao đến trường, xông đến tát, thóa mạ rồi hai người đi cùng phụ huynh quay clip định xông vào hành hung cô giáo. May mắn là ban giám hiệu cùng các giáo viên khác can ngăn kịp thời.
Cô giáo trong câu chuyện đã nhận kỷ luật khiển trách và luân chuyển sang điểm trường khác vì hành vi đánh roi trò. Còn những vị phụ huynh ầm ĩ lao đến trường hành hung cô vẫn đang chờ cơ quan điều tra vào cuộc xác minh, xử lý. Đằng sau mảnh ghép buồn về cách ứng xử hao hụt tình nghĩa giữa phụ huynh và giáo viên hôm nay là vô số điều cần suy ngẫm…
Ai cũng muốn giảng dạy học trò ngoan để an yên đến trường, thong dong dạy dỗ. Nhưng đâu phải cứ mơ là được, ước là xong. Bọn trẻ hôm nay đang lớn khôn và trưởng thành trong bối cảnh công nghệ số, chịu tác động đa chiều từ những biến đổi tâm sinh lý lứa tuổi, sự đảo lộn và phôi phai nhiều giá trị cùng muôn mặt trái từ mạng ảo. Tất cả trở thành lực cản không nhỏ trên hành trình mài giũa nét đẹp tâm hồn cho học sinh. Người thầy càng nhiệt tâm uốn nắn trò lại càng dễ va chạm!
Tấm gương nhãn tiền của một bộ phận giáo viên bị hiệu ứng đám đông đẩy trượt ra khỏi đường ray dạy chữ - dạy người vô tình tạo một lớp hàng rào ngăn cách thầy cô mở rộng tấm lòng, vươn dài cánh tay để níu giữ đạo đức, uốn rèn nhân cách của trò.
Trọng trách "dạy người" gian nan gấp vạn lần công việc "dạy chữ"
Chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của giáo viên đứng lớp, chịu trách nhiệm uốn nắn 40 cá tính vào khuôn, vào nếp. Trọng trách "dạy người" gian nan gấp vạn lần công việc "dạy chữ" bởi làm sao rèn trò vào điều hay việc tốt theo mong muốn của phụ huynh, nền nếp của nhà trường, quy chuẩn của xã hội mà không lớn tiếng la mắng, không loay hoay gọi điện liên hệ phụ huynh, không nhờ sự trợ giúp từ các ban ngành đoàn thể trong nhà trường?
Với vụ việc ở Trường tiểu học – THCS Tân Bình, không phải là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến câu chuyện buồn về sự phai nhạt đạo lý "tôn sư trọng đạo". Thời gian qua dư luận liên tục chứng kiến sự hao hụt trong văn hóa ứng xử từ phụ huynh lẫn học sinh đối với nhà giáo.
Giáo viên đã bị phụ huynh tát, dẫn côn đồ đến tận nhà đánh đập bất tỉnh phải nhập viện cấp cứu. Ai sẽ bảo vệ giáo viên khi họ phải đối diện với những phụ huynh cá biệt và học sinh cá tính đặc biệt?
Đáng lo và đáng ngại vô cùng khi một bộ phận giáo viên đang co cụm lại trước sự phản ứng dữ dội từ dư luận, bất kể đúng – sai, chẳng màng phải – trái. Trò thiếu bài vở phải nhắc nhở, khiển trách. Trò hỗn hào, quậy phá, đánh bạn, mắng người phải răn đe, nghiêm trị. Nhưng nhiều biện pháp giáo dục của thầy cô bị quy chụp thành xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học. Nên, cứ hễ mạng xã hội manh nha xuất hiện tin tức thầy đánh trò, cô phạt trò là y như rằng mọi thứ bị khuấy động đến ầm ĩ vượt tầm kiểm soát.
Câu từ phản cảm cứ ném chan chát về phía người thầy, dẫu người cầm phấn đã xin lỗi và mong được tiếp tục đứng trên bục giảng để cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Tấm gương nhãn tiền của một bộ phận giáo viên bị hiệu ứng đám đông đẩy trượt ra khỏi đường ray dạy chữ - dạy người vô tình tạo một lớp hàng rào ngăn cách thầy cô mở rộng tấm lòng, vươn dài cánh tay để níu giữ đạo đức, uốn rèn nhân cách của trò.
Bình luận (0)