ĐỨC TRỞ THÀNH SÂN NHÀ CỦA ĐỘI TUYỂN THỔ NHĨ KỲ
Những ngày này, không khí háo hức và tự hào đang ngập tràn ở Thổ Nhĩ Kỳ và bất cứ nơi đâu có người Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có Đức, nơi có một cộng đồng người Thổ rất lớn, chưa kể đến người Đức gốc Thổ, biến nước Đức trở thành sân nhà của đội tuyển này. Trận đấu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan (2 giờ ngày 7.7) ở Berlin rất đặc biệt. Người Thổ hiện là cộng đồng thiểu số lớn nhất ở Đức với 1,3 triệu người (theo Cơ quan thống kê của EU, Eurostat). Riêng ở Berlin, nơi diễn ra trận đấu, có khoảng 125.000 kiều bào Thổ Nhĩ Kỳ, tương đương 5% dân số của thủ đô nước Đức. Những nơi có đông người Thổ Nhĩ Kỳ nhất là các quận Neukoll, Kreuzberg và Wedding. Ở Neukoll, nơi 12% dân số là người Thổ Nhĩ Kỳ, cờ của quốc gia nằm ở nửa Âu nửa Á này tung bay khắp nơi. Thậm chí, ở đây còn có 2 CLB bóng đá của người Thổ.
Bóng đá không chỉ là niềm vui, niềm đam mê mà còn được Thổ Nhĩ Kỳ coi là một công cụ để có mặt ở châu Âu, điều mà Ankara rất muốn về mặt chính trị. Từ hơn hai thập kỷ nay, họ khao khát trở thành một phần của EU, nhưng những cuộc thương lượng thường nhanh chóng đi vào ngõ cụt và đến giờ chưa có bất cứ đột phá nào. Nhiều quốc gia châu Âu e ngại việc một đất nước xấp xỉ 85 triệu dân với đa số dân chúng theo Hồi giáo trở thành một thành viên trong khối của họ. Những nhà lãnh đạo cấp cao của khối thì lo ngại rằng một khi Thổ Nhĩ Kỳ được vào ngôi nhà chung của họ, chính họ sẽ gặp nguy hiểm khi đất nước này có biên giới giáp với những vùng đất bất ổn bậc nhất thế giới.
Nhưng cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ đang ở đây và báo chí Đức thậm chí từng viết rằng ở đây người Thổ Nhĩ Kỳ đến sân bóng còn đông hơn cả người Đức, và mỗi khi Thổ Nhĩ Kỳ chiến thắng ở giải EURO này, người Thổ Nhĩ Kỳ đổ ra đường ăn mừng ở những thành phố có cộng đồng đông nhất, là Berlin, Cologne, Frankfurt và Munich. Họ còn được "tiếp viện" bởi người Thổ Nhĩ Kỳ từ các nước xung quanh lái xe sang. Cầu thủ Yazici nói trong một cuộc họp báo ở giai đoạn vòng bảng: "Chúng tôi cảm thấy như đang ở nhà. Chúng tôi rất hạnh phúc khi gặp CĐV của mình ở những nơi đội tuyển đặt chân đến".
ĐỘNG LỰC CHO CỘT MỐC LỊCH SỬ
Làn sóng người Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên đổ đến Đức là vào những năm 1960, khi chính phủ CHLB Đức lúc đó ký một hiệp định với chính phủ Ankara về việc đưa công nhân người Thổ Nhĩ Kỳ sang Đức lao động. Nhiều cầu thủ hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ chính là con cháu của thế hệ đó, như Calhanoglu, Yildiz, Ayhan, Tosun và Ozcan... Họ sinh ra trên đất Đức và hoàn toàn có thể chọn khoác áo đội tuyển Đức nếu muốn. Đội tuyển Đức có một số người như thế, như Gundogan, Undav, Can. Đáng chú ý là trung vệ đội tuyển Đức Rudiger đã quá hiểu người Thổ Nhĩ Kỳ khi sinh ra ở khu Neukoll, quận "Thổ Nhĩ Kỳ nhất" của Berlin, từ một người cha Đức có gốc gác châu Phi và một người mẹ Sierra Leone.
Những rắc rối không phải là không có. Ozil, cầu thủ nổi tiếng người Đức gốc Thổ, đã từng nói khi chia tay đội tuyển Đức: "Khi chiến thắng, tôi được coi là người Đức. Khi đội thất bại, tôi chỉ là một người nhập cư". Một trận chung kết giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, nếu xảy ra, sẽ là một cuộc nội chiến về bóng đá đầy nhạy cảm khi có người Thổ Nhĩ Kỳ ở cả hai bên chiến tuyến. Nhưng trước khi một trận như thế, giả dụ, diễn ra, thì người Thổ đã gây chú ý ở cách họ ăn mừng, với những chiếc xe khá sang của cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ vừa chạy vừa bấm còi inh ỏi trên phố, những lá cờ đỏ xuất hiện ở mọi nơi. Ở Leipzig, trước trận đấu với Áo, hàng vạn CĐV Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một cuộc diễu hành cực kỳ đông đảo và ầm ĩ. Trận đấu với Hà Lan, Tổng thống Tayyip Erdogan cũng sẽ có mặt trên khán đài để cổ vũ cho đội của mình. Với sức mạnh ấy, đội bóng của HLV Montella hy vọng sẽ thắng Hà Lan và đi sâu hơn nữa. Lần gần nhất và duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ lọt vào tới bán kết của một giải EURO là năm 2008.
Bình luận (0)