Hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nước G20 kết thúc với sự nhất trí sẽ tăng thêm 430 tỉ USD cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để thể chế này đủ khả năng đối phó khủng hoảng tài chính và nợ công của một số thành viên. EU và IMF cuối cùng đã đạt được mục tiêu chung là giúp liên minh thoát khỏi khủng hoảng.
Nhưng chính việc IMF cần tăng thêm nguồn tiền và quá trình đi đến kết quả nói trên lại là biểu hiện sinh động về sự thay đổi thời thế. Xưa nay, IMF vốn đầy uy quyền và thường chỉ quen đặt điều kiện cho đối tác. Về pháp lý thì không phải nhưng trên thực tế, tổ chức này đã tước bỏ chủ quyền của không ít quốc gia về chính sách kinh tế, tài chính và tiền tệ. Vậy mà bây giờ IMF phải khẩn khoản yêu cầu các thành viên, đặc biệt là Mỹ và các nền kinh tế mới nổi, đóng góp thêm tiền. Nếu không có thêm tiền, IMF không thể đóng vai trò gì trong việc giải quyết khủng hoảng tài chính và sẽ dần mất cả lý do để tiếp tục tồn tại. Ở hội nghị lần này, Mỹ không đóng góp thêm nhưng các nước mới nổi đã cam kết giúp IMF. Nhưng điều kiện kèm theo là phải thúc đẩy quá trình cải tổ thực sự theo hướng tăng thêm sức nặng cho họ trong tổ chức này. EU bị khủng hoảng, cần IMF viện trợ tài chính thì phải chấp nhận giảm bớt tiếng nói. Vậy là bây giờ đến lượt kẻ khác đặt điều kiện cho IMF và EU. Không chấp nhận thì không được, mà chấp nhận thì tổn hại thể diện, suy giảm vị thế, mất bớt đặc quyền đặc lợi. Khi thời thế thay đổi thì cả IMF lẫn EU đâu còn lựa chọn nào khác.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)