Ông bà ta thường quan niệm rằng “thương cho roi cho vọt”, đây chưa hẳn là một quan niệm toàn vẹn, nhưng có “cho roi cho vọt” gì thì cũng xuất phát từ tình thương.
|
Hơn thế nữa, tình thương của cha mẹ dành cho con cái bao giờ cũng là tình trời, tình biển, mênh mông lắm, thiêng liêng lắm.
Nhìn hình ảnh bé Đỗ Thị Kim Ngân, 4 tuổi, đang điều trị vết thương trong bệnh viện với khuôn mặt sưng húp, tụ máu, người đầy vết sẹo mà người viết không khỏi cầm lòng… Các bác sĩ cho hay, bé Ngân đã tỉnh nhưng do bị xuất huyết dưới nhện, một loại chấn thương sọ não, nên cần phải theo dõi thêm.
Xin cảm ơn bệnh viện, cảm ơn những các bác sĩ đang điều trị cho bé…
Xin cảm ơn những người hàng xóm tốt bụng nơi nhà trọ cháu bé đang thường trú đã phát hiện, kịp thời đưa cháu bé đến bệnh viện và tận tình chăm sóc cháu trong những ngày cháu nằm viện…
Điều bất hạnh nhất trong đời bé chính là sự mất nhân tính từ người sinh thành ra bé. Đó là một vết thương lòng làm sao có thể xóa nhòa được, sẽ hình thành những tổn thương tinh thần trong tâm hồn của bé, âm ỉ theo suốt bé trong những chặng đường tương lai sau này.
Hành động dã man, tàn bào vừa rồi của cha mẹ bé Ngân (theo xác định của báo chí mới đây thì người đánh bé Ngân và tư nhận là cha bé Ngân không phải là cha thật) là không thể chấp nhận được, không có luật pháp nào, công luận nào tha thứ được. Ông bà ta cũng đúc kết rằng “hổ dữ không ăn thịt con”, mọi lời thanh minh bào chữa cho đó là phương pháp “dạy con” của người sinh ra bé đều là ngụy biện.
Cháu bé mới 4 tuổi, cái tuổi có quyền được ăn, được chơi, được hiếu động, được tinh nghich. Và một đứa bé hiếu động, tinh nghịch là một đứa trẻ phát triển bình thường, đáng lẽ ra cha mẹ bé phải lấy đó làm điều mừng, điều hạnh phúc mới phải?
Đằng này, họ lại chọn hình thức bạo lực để răn đe, một hình thức bạo lực không còn tính người, một hình thức “dạy con” không một xã hội văn minh nào có thể chấp nhận được.
Thật ra, trong xã hội người Việt Nam hiện tại bây giờ, còn rất nhiều gia đình vẫn tồn tại những chiếc roi, nhưng phần lớn những chiếc roi đó chỉ là biểu hiện tượng trưng uy quyền của người lớn, dùng để dọa cho bé biết sợ, biết vâng lời, chứ chẳng có cha mẹ nào nỡ lòng dùng chiếc roi ấy để khiến đứa con thân yêu của mình phải tím mặt, bầm da, thương sẹo đầy người, chấn thương sọ não. Con mình đứt ruột đẻ ra mà, cha mẹ nào mà không xót…
Xã hội ngày nay thường gặp rất nhiều thái độ sống vô cảm, công luận cùng các phương tiện truyền thông đã và đang tích cực tìm cách phản ánh, lên án, kêu gọi mọi người có một thái độ sống tích cực hơn, nhân văn, nhân ái hơn.
Sự vô cảm và bạo lực chỉ khiến xã hội tụt lùi, mất niềm tin, loạn lạc, bất ổn, bất an. Vô cảm với thiên nhiên thì thiên nhiên bị hoang tàn, vô cảm với thú thì thú bị tiêu diệt tuyệt chủng, vô cảm với người thì người tạo nên ân oán thù hận triền miên, vô cảm với chính người thân ruột thịt thì giá trị đạo đức sẽ không còn.
Hy vọng, trường hợp đau lòng của bé Ngân chỉ là cá biệt, nhưng cũng qua đó, các cơ quan chức năng cần quan tâm và có những biện pháp kịp thời hữu hiệu hơn với tình trạng bạo lực gia đình kiểu này. Nếu cần, có thể tước luôn quyền được chăm sóc con của cha mẹ cháu bé theo các quy định của luật pháp hiện hành.
Không riêng gì Việt Nam, trẻ em trên toàn thế giới phải được yêu thương, bảo vệ, chăm sóc tuyệt đối. Đó là quyền của các em, và các em chính là tương lai của đất nước này, của thế giới này.
Minh Phước (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân TP.Đà Nẵng
>> Bé 4 tuổi cấp cứu nghi bị mẹ và cha dượng hành hạ
>> Lời khai kinh hoàng của cặp vợ chồng hành hạ dã man con gái 4 tuổi
>> Cháu bé 4 tuổi bị hành hạ dã man: Cha ruột của bé Ngân nhận con
Bình luận (0)