Trẻ hóa lãnh đạo, lo đầu ra cho cán bộ Đoàn quá tuổi được nhiều tỉnh thành thực hiện rốt ráo, nhưng thực trạng tre già, măng chưa mọc vẫn còn đó. Chuyện từ miền quê nghèo Quảng Ngãi không còn là của một địa phương.
|
Khát vọng đổi thay để không còn phải mang danh tỉnh nghèo luôn thường trực trong câu chuyện của chúng tôi với những người dân ở vùng đất giàu truyền thống như Quảng Ngãi.
Dường như ai cũng biết phải cần tới sức lực, trí tuệ và nhiệt huyết của người trẻ mới có thể biến khát vọng thành hiện thực, nhưng thực tế đang có rất ít người trẻ trong bộ máy lãnh đạo tỉnh, thành phố cũng như cấp huyện.
“Cơn khát” cán bộ trẻ được cụ thể hóa với quyết định cho ra đời Đề án tuyển chọn, bổ sung tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ cấp tỉnh, huyện được Bí thư Tỉnh ủy hồi đó là ông Nguyễn Hoà Bình ký ngày 10-8-2011.
Đây cũng là ngày cuối cùng trong cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi của ông Nguyễn Hoà Bình trước khi là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Trọng trách trẻ hóa được đặt lên vai ông Võ Văn Thưởng (SN 1970), một trong những Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất nước hiện nay.
Đề án được không ít người ví như sự mở tung cánh cửa cho những người trẻ thực sự có năng lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ Đoàn quá tuổi.
Qua câu chuyện với nhiều lãnh đạo tỉnh, được biết hàng loạt quyết định do chính Bí thư Tỉnh ủy ký ban hành nhằm cụ thể hóa đề án trên, bao gồm cả việc thành lập hội đồng tuyển chọn, giao trọng trách cho từng cá nhân, cơ quan...
Trong những cuộc họp quan trọng, tập thể lãnh đạo tỉnh cũng luôn thể hiện rõ quyết tâm trẻ hóa. Vậy nhưng những chuyển biến trên thực tế trong một năm qua khiến nhiều người phải suy nghĩ khi số người trẻ được bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt như từ cấp phó giám đốc sở hoặc tương đương trở lên chỉ tính trên đầu ngón tay và tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, huyện cũng chưa có nhiều chuyển biến.
Cửa ải nhận thức
|
Là một lãnh đạo trẻ, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng chia sẻ, ông cùng tập thể lãnh đạo luôn trăn trở, day dứt với việc trẻ hóa cán bộ và luôn có những hành động cụ thể, dành không ít ưu tiên cho người trẻ.
Tuy nhiên, theo ông Thưởng, kết quả chưa được như mong muốn do gặp phải những rào cản về nhận thức, suy nghĩ của không ít người. Trên thực tế, gần đây có nhiều người trẻ đã được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, nhưng khi lấy phiếu tín nhiệm của tập thể lại không đạt, thậm chí nhiều bạn bị trượt ngay từ vòng bỏ phiếu để được vào diện quy hoạch.
Ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi, thẳng thắn cho rằng nguyên nhân của việc nhiều người trẻ chưa vượt qua được các cửa ải trên phần lớn là do tư tưởng, nhận thức của một số lãnh đạo và do năng lực, uy tín của chính người trẻ chưa đủ sức thuyết phục.
“Vì chưa thấy được yêu cầu bức thiết của trẻ hóa cán bộ nên một số lãnh đạo chưa quyết liệt trong việc này; còn có tư tưởng hẹp hòi, khắt khe với lớp trẻ. Tuy nhiên, một phần cũng do không ít người trẻ chưa chứng tỏ được khả năng của mình”, ông Quang nói.
Về giải pháp, ông Quang cho biết Tỉnh ủy sẽ tiếp tục giao trách nhiệm cụ thể và tăng cường kiểm tra trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan trong việc đào tạo, chăm lo cho cán bộ trẻ.
Trong khi đã mở cửa, nhưng dường như chưa thực sự cởi mở về nhận thức như một số lãnh đạo tỉnh đề cập, vai trò của người trẻ tiếp tục được khẳng định trong thảm hoạ cháy chợ Quảng Ngãi giữa tháng 2 – 2012.
Từ mờ sáng hàng trăm áo xanh tình nguyện bất chấp hiểm nguy lao vào biển lửa để cứu tài sản, túc trực canh giữ hàng hoá, thu dọn hiện trường và quyên góp tiền để giúp đỡ bà con bị thiệt hại...
Nhớ lại vụ cháy chợ, các thủ lĩnh Đoàn luôn nhắc đến sự liều lĩnh vì dám điều hàng trăm bạn trẻ xông vào biển lửa mà không màng tới hậu quả cho chính mình nếu có tai nạn xảy ra.
Một trong những người trẻ được bổ nhiệm gần đây là anh Hà Hùng Việt Phương, SN 1973, làm Phó giám đốc Sở GTVT. Chỉ sau 5 tháng đảm nhận trọng trách và được giao toàn việc khó, Việt Phương đã khẳng định được vai trò của người trẻ.
Nói về nhân tố trẻ này, ông Đặng Văn Minh, Giám đốc Sở GTVT, nhấn mạnh đến sự sáng tạo, xông xáo, trách nhiệm cao với kết quả cụ thể trong ba lĩnh vực: Nghiên cứu đề xuất các phương án xã hội hóa trong việc đầu tư làm đường, đánh giá hiệu quả dự án (trước còn bỏ ngỏ), áp dụng CNTT vào cải cách hành chính.
Lo đầu ra, để có đầu vào
Thực tế tại nhiều tỉnh thành, tổ chức Đoàn luôn là nơi tạo nguồn cung cấp cán bộ tốt cho các cơ quan ban ngành. Quảng Ngãi cũng không là ngoại lệ khi trong đội ngũ lãnh đạo từ xã đến tỉnh luôn có nhiều người từng là thủ lĩnh Đoàn.
Tuy nhiên, không ít lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thẳng thắn cho rằng nguồn cán bộ Đoàn hiện nay chưa tốt vì nhiều lý do và cần có sự trẻ hóa quyệt liệt, dứt điểm ngay trong chính tổ chức Đoàn.
Về việc này, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Thị Anh Thư, SN 1977, khẳng định quyết tâm trước khi diễn ra ĐH Đoàn cấp tỉnh sắp tới tất cả cán bộ Đoàn, kể cả các phó bí thư tỉnh Đoàn, hàng loạt ủy viên ban thường vụ, ban chấp hành không đạt chuẩn (quá tuổi, chưa có bằng ĐH chính quy...) đều được thuyên chuyển sang công việc phù hợp khác.
Cũng theo chị Anh Thư, hiện đã có 7 cán bộ còn rất trẻ ứng cử vào 3 vị trí phó bí thư tỉnh Đoàn.
Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang khẳng định lãnh đạo tỉnh đã quan tâm hết sức trong việc tạo đầu ra cho cho cán bộ Đoàn cũ, để có đầu vào cho lớp cán bộ trẻ và nhất quyết không để xảy ra tình cảnh cán bộ Đoàn phải đi xin việc hai lần.
Tỷ lệ lãnh đạo, quản lý trẻ Cấp tỉnh: Chỉ có 9 người dưới 40 tuổi trong tổng số 149 cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, chiếm tỷ lệ vỏn vẹn hơn 6%. Trong khi đó, số cán bộ từ 40 – 50 tuổi chiếm gần 40% và trên 50 tuổi chiếm hơn 57%. Cấp huyện: Dưới 36 tuổi chỉ có 3 người trong tổng số 113 cán bộ lãnh đạo, chiếm 2,65%. Trong khi đó, từ 36 – 45 tuổi chiếm gần 31% và từ 46 tuổi chiếm tới hơn 66%. Nguồn: Đề án tuyển chọn, bổ sung tạo nguồn cán bộ |
Theo Trí Đường – Đức Nam / Tiền Phong
Bình luận (0)