Khi tình người hóa thành những bữa ăn ấm lòng mùa dịch

06/08/2021 14:00 GMT+7

'Những ngày này mà có một hộp cơm đầy đủ cô mừng lắm. Nhờ vậy mà cuộc sống dù khó khăn nhưng mình cũng còn sức để gắng gượng', cô Trần Thị Hoa (quận Bình Thạnh) chia sẻ.

Cô xúc động chia sẻ khi nhận phần cơm của quán cơm xã hội Nụ Cười thông qua chương trình “Sài Gòn ơi, đừng bỏ bữa”.
Những người khó khăn tại TP.HCM có thêm hy vọng từ những suất cơm nghĩa tình

Những người khó khăn tại TP.HCM có thêm hy vọng từ những suất cơm nghĩa tình

Những ngày chênh vênh của mảnh đời khốn khó

Dù năm nay đã 77 tuổi, cô Hoa vẫn phải lang thang khắp nơi để mua sinh kiếm sống. Cô cho biết, trước đây mỗi ngày cô có thể kiếm được khoảng 100 nghìn đồng nhờ việc bán vé số.
Rồi từ ngày Sài Gòn bùng phát dịch, cuộc sống khó khăn của cô nay càng thêm chật vật khi công việc duy nhất cũng chẳng còn. Cô Hoa nghẹn ngào nói: “Thời gian đầu, còn khoản tiền dành dụm nên cô cũng cầm cự được vài hôm. Nhưng bây giờ thì một bữa ăn với mình cũng khó”.
Không chỉ những người lớn tuổi như cô Hoa, mà kể cả những lao động trẻ như chị Nguyễn Văn Sọc (20 tuổi, công nhân) cũng lâm vào cảnh khốn khó vì mất việc làm. “Xí nghiệp mình làm đóng cửa gần 3 tháng nay, mà giờ kiếm công việc mới thì cũng không được vì dịch bệnh. Khoản tiền tiết kiệm thì chẳng còn nhiều, nếu tình hình còn kéo dài thì không biết phải làm thế nào để cầm cự”, chị xúc động chia sẻ.
Cuộc sống của những người lao động nghèo như cô Hoa, chị Sọc ngày thường đã vất vả, nay lại càng trở nên chật vật hơn vì dịch bệnh kéo dài.

Những suất cơm ấm tình người

Dù vậy, cuộc sống càng gian nan thì tình người từ đó lại càng được nhân rộng, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm luôn triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Những bếp ăn thiện nguyện vẫn luôn “đỏ lửa” giữa những ngày Sài Gòn vắng lặng để trao những phần ăn miễn phí.. Trong đó, các quán cơm xã hội Nụ Cười (thuộc Quỹ từ thiện Bông Sen) vẫn miệt mài chuẩn bị những phần ăn để phát cho bà con nghèo tại TP.HCM (quán 4 và 9), đồng thời đưa cơm đến những khu phong tỏa, cách ly (quán 1, 2 và 6). Cùng với sự đồng hành của Grab Việt Nam qua chương trình “Sài Gòn ơi, đừng bỏ bữa”, quán cơm dự kiến sẽ mang đến hơn 11.500 suất ăn miễn phí.
Tình nguyện viên tại quán cơm xã hội Nụ Cười chuẩn bị phần ăn miễn phí thuộc chương trình “Sài Gòn ơi, đừng bỏ bữa

Tình nguyện viên tại quán cơm xã hội Nụ Cười chuẩn bị phần ăn miễn phí thuộc chương trình “Sài Gòn ơi, đừng bỏ bữa" do Grab phối hợp thực hiện

Quán cơm xã hội Nụ Cười chính là nơi cô Hoa, chị Sọc và nhiều hoàn cảnh khó khăn khác được nhận những suất ăn miễn phí vô cùng quý giá với họ ngay lúc này. Cô Hoa xúc động chia sẻ: “Mỗi ngày cô lấy 1 suất thôi để ăn được 3 bữa. Mình lấy ít, chừa phần cho người khác có cơm ăn. Những ngày này mà có phần ăn đầy đủ thế này là quý lắm rồi. Cuộc sống dù còn khó khăn nhưng mình vẫn đủ sức để gắng gượng".
Chị Sọc thì cảm thấy mừng vì có thể đảm bảo cái ăn trước mắt nhờ những phần cơm miễn phí. “Bữa giờ mình toàn ăn cơm từ thiện, có cái ăn là đỡ rồi vì giờ thật sự cũng không còn tiền”, chị Sọc chia sẻ.
Chị Sọc cảm thấy mừng vì nhận được phần ăn miễn phí lúc khó khăn

Chị Sọc cảm thấy mừng vì nhận được phần ăn miễn phí lúc khó khăn

Những suất ăn miễn phí đã phần nào làm vơi đi gánh nặng cơm áo của người lao động nghèo khi không phải ai cũng có điều kiện xếp hàng mua lương thực tại các siêu thị trong bối cảnh hiện nay. Cô Lê Nguyễn Nhất Tâm (72 tuổi, quận Bình Thạnh) bộc bạch: “Mình cũng lớn tuổi rồi lại bị tim, cao huyết áp, nên sức khỏe mình không đảm bảo để xếp hàng mua đồ siêu thị. Trước cô cũng hay mua cơm quán cơm Nụ Cười, một phần ăn đầy đủ lắm. Nay dịch, họ phát cơm miễn phí mình cũng mừng, đỡ lo bữa ăn”.
Nhiều người đã tình nguyện tham gia cùng “giữ lửa” cho bếp ăn vì nhận thấy được ý nghĩa của chương trình. Anh Đức Khoa (34 tuổi, nhân viên văn phòng) vừa tất bật sắp xếp các phần ăn vừa chia sẻ: “Mùa dịch nên công việc bị trì hoãn nhiều, nhưng so với bà con thì mình vẫn còn may mắn lắm. Có thêm thời gian nên anh quyết định tìm đến các bếp ăn như quán cơm xã hội Nụ Cười để làm tình nguyện viện. Nhiều người hỏi dịch bệnh này không sợ sao? Nếu ai cũng sợ thì ai làm, mình tuân thủ an toàn phòng dịch là được. Vả lại, nhìn nhiều cô chú, anh chị có được bữa cơm no, mình thấy ấm lòng hơn”.

Những suất cơm chuẩn bị trao đến tay người dân khó khăn trong khu phong tỏa

Các quán cơm xã hội Nụ Cười đã có thêm kinh phí để mang thật nhiều bữa ăn đến người dân gặp khó khăn trong mùa dịch nhờ sự hỗ trợ từ chương trình “Sài Gòn ơi, đừng bỏ bữa” do Grab khởi động. Một phần cơm dù nhỏ bé nhưng cũng đã góp phần san sẻ bớt những nỗi lo của bà con nghèo, mang đến hy vọng cùng niềm tin lớn lao cho cộng đồng về một tương lai tốt đẹp phía trước, rằng cuộc sống rồi sẽ sớm trở lại ấm no.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.