(TNO) Một mùa bóng đá chuyên nghiệp 2015 đã khép lại bằng gala trao giải nhẹ nhàng như... không có gì vào tối 28.9 tại Hà Nội.
Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng đã làm cho hội nghị tổng kết mùa giải nóng hâm hấp - Ảnh: Minh Tú
|
Sau màn phát biểu, cảm ơn, một số tiết mục văn nghệ và lần lượt đọc tên, trao những giải thưởng cho các CLB, cá nhân trong một khán phòng khá nhỏ hẹp, V-League 2015 thế là kết thúc.
Thật ra, hội nghị tổng kết mùa giải này đã bị chê từ buổi sáng. Ông Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng ban tổ chức các giải đọc sơ qua dự thảo báo cáo tổng kết, phần phát biểu của đại diện các CLB. Chỉ đến khi ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch CLB Hải Phòng khơi mào bằng việc chỉ ra hàng loạt những điều làm ông cảm thấy “chướng tai, gai mắt”, buổi hội nghị lập tức như một trận cầu sôi động, có sự "tấn công" của đại diện CLB và sự “né”, “cản phá” của các thành viên chủ chốt của Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF).
“Báo cáo gì mà toàn cái hay, cái tốt. Có những vấn đề nóng hơn, thì không nói”, ông Trần Mạnh Hùng lên tiếng.
“Nóng” mà ông Hùng nhắc đến ở đây là bạo lực sân cỏ, là vấn đề các trận bóng được nghi ngờ là “có mùi”, là vấn đề ông day dứt suốt 4 năm qua, một Phó Tổng giám đốc VPF làm 4 năm không kiếm được 1 xu tài trợ...
Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng tại Gala trao giải tổng kết mùa giải 2015 - Ảnh: Minh Tú
|
Ông Hùng nói một mạch 30 phút, bàn tay liên tục vung lên không trung, không ít lần ông đối thoại luôn với Trưởng ban tổ chức giải Nguyễn Minh Ngọc, “Tôi hỏi thẳng ông Nguyễn Minh Ngọc phải trả lời rõ ràng cho tôi, trận đấu nào tôi phát biểu thiếu chính xác với truyền thông, phản ứng đối với công ty VPF và các thành viên ban tổ chức giải trên báo chí, tôi làm giảm uy tín chỗ nào?”.
Những phản biện của ông Trần Mạnh Hùng là có cơ sở, khi mà dự thảo báo cáo tổng kết mùa giải 2015 dài gần 25 mặt giấy A4 nhưng chỉ thấy điểm thành tích, những vấn đề nóng hổi, dư luận đang hết sức quan tâm đó là bạo lực sân cỏ, là hiện tượng “bóng đá tình nghĩa” khi các CLB móc ngoặc, nhường điểm, cho điểm làm nên một số trận đấu “có mùi” thì chỉ điểm sơ sơ, nói chung chung, không làm rõ được trách nhiệm của ban tổ chức giải cũng như những phương án khắc phục.
Khi trọng tài bị chê cũng chung chung
Pha vào bóng của Thanh Hào khiến Abass gãy cổ chân - Ảnh: Khả Hòa
|
Sáng 28.9, kết luận cú xoạc bóng của Thanh Hào không phải bạo lực của trưởng ban trọng tài Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Nguyễn Văn Mùi đăng trên Thanh Niên Online, ngay lập tức, nhiều độc giả la ó.
“Không bạo lực mà gãy chân người ta đến lòi xương”, một độc giả tên Thanh lên tiếng. Gay gắt hơn, độc giả Nguyễn Văn Tân, Đà Nẵng gửi về tòa soạn “Không bạo lực mà làm cho đối phương gãy cả chân phải nẹp chân, pha vào bóng từ phía sau bằng cả hai chân của Thanh Hào có đúng luật không? Cũng như pha vào bóng của Quế Ngọc Hải chỉ khác là của Quế Ngọc Hải là phía trước còn của Thanh Hào thì phía sau, xét về bản chất thì như nhau. Vậy mà ông Mùi lại đưa ra nhận xét một cách nhẹ tênh”.
Trong hội nghị tổng kết V-League, Thanh Niên Online hỏi lại, trưởng ban trọng tài VFF vẫn như đinh đóng cột: “Tôi khẳng định, pha vào bóng của Thanh Hào không phải bạo lực sân cỏ”.
Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi đã có một số kết luật khiến dư luận không đồng tình - Ảnh: Minh Tú
|
Hãy cùng nhìn lại những gì mà dự thảo báo cáo tổng kết các giải bóng đá chuyên nghiệp mùa giải 2015 nói về vấn đề trọng tài:
“Công tác đào tạo, phát triển nguồn giám sát, trọng tài... chưa được quan tâm đúng mực dẫn đến tình trạng thiếu, yếu số lượng và chất lượng; Một số trọng tài chưa thực hiện tốt phương pháp “chờ và xem”…; Một số giám sát trọng tài chưa có sự đồng nhất trong việc chấm điểm các trọng tài và trợ lý trọng tài…; Một số giám sát trận đấu báo cáo về ban tổ chức giải còn sơ sài và nhiều thiếu sót…; Chưa nghiêm khắc với các hành vi bạo lực, lối chơi thô bạo, hành vi phi thể thao của các cầu thủ (trận Than Quảng Ninh - Hải Phòng, Sông Lam Nghệ An - SHB.Đà Nẵng)...”.
Phần liệt kê những điểm còn thiếu sót của trọng tài - những “ông vua” sân cỏ, người cầm quân nảy mực cho trận đấu chỉ dày đặc từ “một số”. Vậy “một số” này là những ai? Kỷ luật họ như thế nào? Ai chịu trách nhiệm cho những lỗi của “một số” này? Tiếc là tất cả những câu hỏi trên,“một số” người soạn thảo dự thảo báo cáo đã bỏ qua cả!
Cuối buổi làm việc, người ta còn nhớ rất rõ, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch hội đồng quản trị VPF nói hội nghị này để “tổng kết một mùa giải, rút kinh nghiệm để những giải sau thành công hơn”. Sẽ có những mùa giải thành công hơn không, nếu như chính báo cáo toàn đẹp, chung chung và trách nhiệm của những người đứng đầu những giải bóng đá chuyên nghiệp nhất của Quốc gia được... né?
Bình luận (0)