Khi trẻ có thái độ chống đối

16/09/2011 18:03 GMT+7

Ngày càng nhiều phụ huynh tìm đến các chuyên gia tâm lý để mong có được biện pháp giáo dục đúng đắn khi con cái thường xuyên chống đối, hỗn hào với người lớn.

Phụ huynh đau đầu 

Chị Xuân Thủy (35 tuổi, ngụ tại Q.5, TP.HCM) thẳng thắn bộc bạch: “Vợ chồng tôi rất đau đầu với đứa con trai 8 tuổi. Cháu cứ muốn làm trái ý của cha mẹ, bảo làm việc gì cũng câu giờ. Trên lớp học thì cô giáo phản ánh cháu không tập trung”. Đến đây, cậu bé con chị Thủy, có khuôn mặt sáng sủa, lên tiếng cắt ngang: “Mẹ nói nhiều quá à!”. Chị Thủy cho biết, đứa con thứ hai của chị mới lên ba tuổi cũng có dấu hiệu “khó bảo” như anh nó.

Trong khi đó, chị Nhi (Q.Gò Vấp) rơm rớm nước mắt kể về bi kịch gia đình: Tháng 5.2011, vợ chồng chị chia tay. Từ đó, con trai chị càng nghiện “game” và hung dữ hơn, chửi thề, đánh em, thậm chí đánh luôn cả chị...

Để “trị” những đứa con không ngoan, không ít phụ huynh nhìn nhận họ thường dùng đến roi vọt và những câu ra lệnh nghiêm khắc.

 
Một phụ huynh đưa đứa con "hay chống đối" đến dự buổi sinh hoạt chuyên đề “Rối loạn thách thức chống đối ở trẻ em và thanh thiếu niên” ở Nhà Thiếu nhi TP.HCM tuần qua - Ảnh: N.Lịch 

Cải thiện mối quan hệ

Theo ông  Phan Thiệu Xuân Giang - bác sĩ (BS) Tâm thần kinh và Nhi khoa phát triển thuộc Phòng khám đa khoa quốc tế CMI, rối loạn thách thức chống đối (Oppositional Defiant Disorder - ODD) xuất hiện với tỷ lệ giống nhau ở trẻ nam và nữ khi ở lứa tuổi nhi đồng. Trong giai đoạn thiếu niên, ODD có nhiều hơn ở nam. Những biểu hiện của ODD là: nổi nóng, tranh cãi, thách thức, cố ý gây phiền cho người khác, đổ lỗi, dễ tự ái, giận dữ, thù hằn.

Khi đứa trẻ có biểu hiện chống đối mà chúng ta không biết để can thiệp sớm thì sẽ dễ trở thành những mầm mống, là những dấu hiệu báo trước về tội phạm ở tuổi vị thành niên và trưởng thành

Ông Phan Thiệu Xuân Giang - BS Tâm thần kinh và Nhi khoa phát triển

Ngoài những trẻ phản ứng trực tiếp thì có những trẻ bên ngoài tỏ ra ngoan hiền nhưng bên trong lại chống đối ngầm, chẳng hạn… cố tình thi rớt cho người lớn “tức chơi”! BS Giang nhấn mạnh: “Nhiều hành vi chống đối mang tính cực đoan gây ra bệnh lý tâm thần. Khi trẻ có hành vi chống đối sẽ rất khó hòa nhập xã hội, dẫn đến việc dễ bị loại trừ. Điều này càng khiến đứa trẻ tức giận. Cứ thế, tạo thành vòng luẩn quẩn”.  “Khi đứa trẻ có biểu hiện chống đối mà chúng ta không biết để can thiệp sớm thì sẽ dễ trở thành những mầm mống, là dấu hiệu báo trước về tội phạm ở tuổi vị thành niên và trưởng thành” - BS Giang nhấn mạnh.

Cũng theo BS Giang, khi trẻ bị ODD, việc xây dựng, cải thiện mối quan hệ giữa cha-mẹ với trẻ là điều quan trọng nhất. Theo đó, cha mẹ phải biết cách nương theo con để hiểu con, chứ không nên cắt ngang nhu cầu của trẻ. Trẻ cần có thời gian vui vẻ, thoải mái để trò chuyện, đàm phán cùng cha mẹ. Bởi lẽ, một mối quan hệ tốt là hiểu được điểm mạnh điểm yếu của con, chứ không phải ép buộc con phải nghe lời mình. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần thực hiện thủ thuật “thời gian ngừng” trước khi tiến hành đàm phán với trẻ; khen thưởng kịp thời những hành vi vâng lời của con em mình…

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.