Khi vợ là sếp

13/07/2014 03:00 GMT+7

Câu chuyện “Khi vợ là sếp” bỗng nhiên gây sốt trên nhiều mạng xã hội, diễn đàn, đặc biệt là những diễn đàn tư vấn tình yêu, hôn nhân gia đình hay các diễn đàn dành cho vợ chồng…

Khi vợ là sếp 1 
Những hình ảnh trong đoạn phim - Ảnh: YouTube

Câu chuyện này nảy sinh từ khi đoạn phim hoạt hình Vợ được phát sóng trên một chương trình truyền hình, sau đó đăng tải lên YouTube đã thu hút hơn 446.000 lượt xem và hàng trăm bình luận. Hàng chục diễn đàn khác như webtretho.com, diendanvochong.com, phununet.com, diendaneva.info…  đã chia sẻ lại và trở thành tâm điểm chú ý của các thành viên.

Trong 4 phút, đoạn phim kể về bi kịch của người đàn ông là nhân viên có vợ là sếp trong công ty. Tưởng rằng họ sẽ hạnh phúc mãi mãi, tuy nhiên thói quen lãnh đạo, thích chỉ huy của người vợ, cũng như cái tôi quá lớn của mỗi người đã khiến họ liên tục mâu thuẫn, dẫn đến việc người chồng ngao ngán, phải viết đơn ly hôn…

Cách đặt vấn đề gần gũi với cuộc sống thường ngày, phản ánh câu chuyện có thật hiện nay, thế nên nhiều người đã thốt lên: “Tôi đã thấy chuyện gia đình của mình trong đó”.

Khi vợ là sếp 2 

Trên webtretho.com, câu hỏi được đặt ra: “Khi vợ là sếp, sướng hay khổ?”. Thoạt đầu, đông thành viên cho rằng: “Thích thế nhỉ, quá sướng vì được sếp nâng đỡ, thiên vị” như của myhuong1986. Hay “như thế sẽ hạnh phúc lắm đây” của tranmythuong…

Nhưng ngay sau đó, chứng kiến sự phách lối của người vợ, đưa cả thói quen ở công ty về nhà để “đè đầu cưỡi cổ”, sai bảo chồng… mọi người đã thay đổi nhận định: “Hóa ra, đời không như là mơ, nhỉ”, nguyen_antuong viết.

Phần kết của đoạn phim là lời tâm sự của người chồng rằng “anh biết trong công ty vợ là sếp, là giám đốc. Nhưng khi về nhà thì anh cần một người vợ đúng nghĩa, biết tôn trọng chồng, bởi lẽ anh cũng có tự trọng của một người đàn ông” đã khiến người xem suy ngẫm, nhận được những suy nghĩ trái chiều. Nguyễn Hào, thành viên diễn đàn diendanvochong.com, cho rằng “nếu có người vợ như thế thì ly dị là chính xác. Làm sao có thể chịu cảnh suốt ngày bị sai vặt như thế”.

Tuy nhiên, những ý kiến này cũng vấp phải nhiều sự phản đối. “Tại sao dồn tất cả sự chỉ trích cho người vợ? Nếu như chồng cũng thông cảm với những áp lực công việc của vợ, ân cần hơn với vợ, tâm sự để vợ chồng hiểu nhau hơn thì làm sao ra nông nỗi này được”, Kim Loan bình luận trên YouTube.

Cũng từ đoạn phim này, hàng trăm thắc mắc đã được các thành viên đặt ra mong được tư vấn. Thành viên trên webtretho.com mong được giải đáp: “Vợ sếp, chồng nhân viên, làm sao để hạnh phúc?”, còn ở trang diendaneva.info, nhiều ý kiến băn khoăn “cách ứng xử phù hợp của chồng và vợ trong hoàn cảnh này”. Còn trên Facebook, hàng trăm thành viên hồ nghi: “Liệu rằng tình yêu “nữ sếp, nam nhân viên” có kết thúc đẹp và hôn nhân bền chặt hay không?”…

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Trung tâm đào tạo kỹ năng và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt, cho rằng ở những cặp vợ chồng đặc biệt như thế này thì “tôn trọng và bình đẳng”, yếu tố không thể thiếu để có một gia đình bền vững, dễ có nguy cơ bị đánh mất và lâu ngày sẽ dẫn đến những xung đột về vị thế trong gia đình.

“Thông thường, cái tôi của người đàn ông khá lớn và khó chấp nhận được vị thế dưới cơ. Vậy nên để giảm bớt những xung đột này thì cả hai cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi tiến đến hôn nhân, vì thực tế khó chối cãi là những cuộc hôn nhân có vợ là sếp ít nhiều người chồng phải lép vế hơn. Việc cân nhắc lường trước sẽ giúp cho cả hai chuẩn bị tâm thế cho những xung đột đó”, ông Duy phân tích.

Còn khi đã cưới thì người chồng cần tìm cho mình một vị thế, chỗ đứng về khía cạnh nào đó trong gia đình, chứ không nhất quyết phải trên quyền mới có uy. Với người vợ cần hiểu được “cái tôi to như cột đình của người đàn ông” để ứng xử khôn khéo hơn. Lỡ có mâu thuẫn hay vướng mắc thì tìm cách trao đổi và giải quyết liền, không nên để mâu thuẫn kéo dài dẫn đến tức nước vỡ bờ.

Bình luận

“Các con tôi cần một người mẹ, tôi cần một người vợ chứ không cần một bà giám đốc”.(Hà Linh/diendanvochong.com)

“Trong tình huống này, sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau là đều không thể thiếu để có một gia đình bền vững”. (Quang Anh/Facebook)

“Nếu thấy vợ quá bận rộn mà quên mất cuộc sống gia đình, chồng nên có những góp ý để vợ nhận ra và tìm cách khắc phục. Nên chia sẻ, tạo điều kiện cho vợ, không nên quá ích kỷ, áp đặt khi thấy vợ thành công hơn mình”. (Thu Hường/webtretho.com)

Nguyễn Thanh Nam

>> Bài ca cổ vang danh trên YouTube
>> Thêm bạn trẻ Việt nhận giải thưởng từ YouTube
>> Cô gái gây sốt trên YouTube
>> Cô gái người Việt nổi tiếng trên YouTube 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.