Khi vụ nghịch trở thành… vụ thuận

02/11/2012 09:41 GMT+7

Giá cam sành ở mức 10.000 – 20.000 đồng/kg đã tạo ra hấp lực mạnh cho nhà vườn ở 2 vùng cây ăn trái lớn nhất Hậu Giang là Châu Thành và Ngã Bảy. Năm ngoái, với 3 ha đất trồng cam sành, ông Phan Văn Năm (ấp Đông Bình, xã Đông Phước, H.Châu Thành) thu hoạch khoảng 100 tấn, bán với giá 15.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận ông thu về hơn 1 tỉ đồng.

Nhiều nhà vườn trong vùng cũng dùng kỹ thuật cho trái quanh năm đạt năng suất 15-17 tấn/ha, thu lời hàng trăm triệu đồng/ha. Đây là nguyên nhân chính khiến diện tích trồng cam sành ở H.Châu Thành và thị xã Ngã Bảy vọt lên hơn 7.000 ha, tăng trên 1.000 ha trong năm 2011. Thế nhưng hiện nay, giá cam sành tụt xuống chỉ còn 8.000 đồng/kg, khiến nhà vườn méo mặt. Nguyên nhân được lý giải là do ai cũng nghĩ cho ra trái vụ nghịch sẽ bán được giá nên thi nhau làm dẫn đến đụng hàng, vụ nghịch trở thành… vụ thuận, cam dư thừa, rớt giá.

Theo khảo sát, cam sành chưa có thị trường ổn định, chủ yếu tiêu thụ nội địa. Nếu diện tích cam sành tiếp tục tăng sẽ dẫn đến nguy cơ “thừa” và giá cả sẽ tiếp tục bấp bênh. Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Thu (Trường ĐH Cần Thơ), cho biết bưởi Năm Roi xuất khẩu dễ do trái màu vàng, bóng; còn cam sành xuất khẩu không được vì trái “nhăn nheo”, bị khách hàng chê. Trong khi đó, nhiều nhà vườn sản xuất còn nặng tính tự phát: mua cây giống trôi nổi, thiết kế vườn cây không đúng kỹ thuật nên khó chăm sóc và quản lý, nhất là vào mùa mưa lũ.

“Điều quan trọng là chính quyền địa phương và nông dân cần định hình được thị trường để sản xuất. Hiện một số nhà nhập khẩu trái cây yêu cầu GlobalGAP,  một số thị trường khác chỉ cần VietGAP. Đối với  trái bưởi, 2 năm qua Việt Nam đã xuất khẩu sang châu Âu đạt kim ngạch 2,5 triệu USD/năm. Còn cam sành hầu hết tiêu thụ nội địa ở phía Bắc và miền Trung, chưa xuất khẩu được. Chính vì vậy, người trồng cam sành ở Hậu Giang nên tìm hiểu, trao đổi với nhà vườn Mỹ Lợi (Tiền Giang), Tam Bình (Vĩnh Long) để tránh “đụng hàng” khi thu hoạch. Cách làm này đã được nhà vườn trồng chôm chôm ở Bến Tre và Đồng Nai phối hợp nhịp nhàng để né thu hoạch trùng lắp, giá cả luôn ổn định khi bán ra thị trường”, tiến sĩ  Lương Ngọc Trung Lập, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam khuyến cáo.

Cao Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.