Khi y học cũng bị lừa dối

13/04/2010 16:21 GMT+7

(TNTS) Sự ra đời của con chó đầu tiên sinh sản vô tính đã đưa Snuppy của một giáo sư người Hàn Quốc trở thành con chó y học lừng danh nhất thế giới năm 2005, khi hình ảnh dễ thương của Snuppy được đưa lên trang bìa tạp chí Times.

Giới khoa học bình chọn đây là phát minh sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn trong đời sống con người, nhưng cũng cho rằng, nhân bản vô tính chó sẽ gây nên nhiều vấn đề về đạo đức.

Trở thành anh hùng dân tộc

Snuppy là tác phẩm của GS. Hwang Woo Suk, nhà nghiên cứu đầy tài năng chuyên ngành tế bào gốc, người sử dụng ADN từ tế bào da (lấy từ tai của giống chó săn Afghanistan 3 tuổi), với kết quả 3 trường hợp mang thai nhưng chỉ có 1 đạt được thành công, sống sót chào đời. Sự thành công trong việc tạo ra Snuppy làm dấy lên các tranh luận về đạo đức liên quan đến việc ê-kíp này đã sẵn sàng nhân bản vô tính phôi thai người.

Sau thành công vang dội trên, Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư thành lập Trung tâm Tế bào gốc thế giới phục vụ cho việc nghiên cứu tế bào gốc toàn thế giới; và GS Hwang, nhà bác học đi tiên phong trên lĩnh vực nhân bản phôi người đã được xem là anh hùng dân tộc trong lĩnh vực y học mới mẻ này, góp phần quan trọng trong việc điều trị các bệnh nan y, mạn tính dựa vào chuyển đổi tế bào gốc từ sinh sản vô tính.

Vào ngày 23.12.2005, khi các gian dối khoa học còn đang điều tra, GS. Hwang đã xin từ chức giáo sư tại ĐH Seoul, đồng thời từ bỏ các chức vụ đương nhiệm kể cả Chủ tịch Trung tâm Tế bào gốc thế giới (niềm tự hào của y học Hàn quốc) và nói lời xin lỗi với mọi người.

Scandal… xì  ra

Scandal nổ ra khi thông tin cho biết có một phụ nữ đang mang bào thai từ nhân bản vô tính được cấy vào tử cung khoảng 2 tháng. Công việc được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Hàn Quốc. Việc nhân bản vô tính người hiện nay được xem là bất hợp pháp, và là vấn đề đạo đức đang tranh luận giữa một bên là phát triển của y học trong lĩnh vực nhân bản vô tính, còn một bên là mặt tôn giáo cũng như xã hội khi chưa lường trước được các hậu quả.

Khi GS. Hwang và cộng sự tuyên bố nhân bản thành công phôi người đầu tiên trên thế giới, giới khoa học đã quan tâm đến nguồn trứng cung cấp, vì đây là vấn đề đạo đức đang gây tranh cãi. Nguồn trứng bị nghi ngờ là do chính các nữ cộng sự cung cấp, nhưng GS. Hwang phủ nhận, cho đến khi có một giáo sư phơi bày chứng cứ chứng minh GS. Hwang đã nói dối. Đó là, trứng do hai nhà nữ khoa học cộng sự hiến dâng cho khoa học, nhưng bị ông từ chối, nên đã hiến trứng dưới tên giả từ năm 2003. Sau đó khi bị phát hiện, họ đã thỉnh cầu không muốn bị tiết lộ nên GS. Hwang buộc lòng nói dối để phủ nhận.

Làm giả tế bào gốc

Hội đồng thẩm định đã buộc tội GS. Hwang cố ý làm giả tế bào gốc khi công bố thành công trong việc nhân bản vô tính con người. Khi được yêu cầu kiểm tra ADN, nhóm đã đánh tráo bằng tế bào từ người bệnh. Từ đó việc ra đời của chú chó Snuppy cũng bị nghi ngờ. Tuy nhiên, GS. Hwang phản biện rằng mình bị mưu hại vì việc đánh tráo tế bào gốc là do nhân viên thực hiện.

Công trình nghiên cứu của nhóm GS. Hwang công bố cho biết đã tạo ra 11 dòng tế bào gốc để sau này chữa trị các bệnh nan y. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra thẩm định, khẳng định, 9 trong 11 dòng tế bào nhân bản là giả và 2 dòng còn lại đang bị xem xét có phải đã được nhân bản thành công từ một bệnh nhân hay không.

DS Trương Tất Thọ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.