Một trong những gian trưng bày chính của Bảo tàng Không quân Hoàng gia Anh, nơi bạn có thể chiêm ngưỡng lịch sử hơn 100 năm phát triển của ngành hàng không quân sự gói gọn trong 1 gian phòng: 1 đầu là khinh khí cầu và chiếc máy bay Bleriot được sáng chế vào những năm 1900, còn đầu kia là siêu chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35 Lightning II của Mỹ
|
Sân bay Hendon, nơi bảo tàng này tọa lạc, từng đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành hàng không, với một loạt cột mốc như: chuyến bay đưa thư đầu tiên, chuyến nhảy dù đầu tiên từ trên máy bay, cũng như chuyến bay đêm đầu tiên. Được thành lập vào năm 1968, cho tới nay Bảo tàng Không quân Hoàng gia Anh tại Hendon đã xây dựng được một bộ sưu tập khá hoành tráng với hơn 100 máy bay đủ các thể loại.
Đây là một trong những phiên bản hiếm hoi còn sót lại của mẫu máy bay nổi tiếng Bleriot XI từ đầu thế kỷ 20. Tác giả của nó là nhà sáng chế người Pháp Louis Bleriot đã đi vào lịch sử ngành hàng không khi ông dùng Bleriot XI để thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên vượt eo biển Manche vào năm 1909. Chỉ vài năm sau đó, Bleriot XI đã trở thành một trong những mẫu máy bay đầu tiên dùng trong chiến tranh, khi được quân đội Ý sử dụng vào mục đích trinh sát trong cuộc xâm lược Libya vào năm 1911
|
Đây là chiếc chiến đấu cơ Supermarine Spitfire, được xem là một trong những biểu tượng của lực lượng không quân Anh cũng như là một huyền thoại của lịch sử quân sự thế giới. Vốn là một trong những chiến đấy cơ chủ lực của không quân Anh bên cạnh người anh em Hawker Hurricane, chiếc Spitfire đã đóng vai trò cốt lõi trong việc ngăn cản quân phát xít Đức xâm lược nước Anh vào năm 1940, sau đó lại giữ nhiệm vụ trinh sát định vị mục tiêu cho các chiến hạm trong trận đổ bộ Normandy vào năm 1944, cũng như vai trò hộ tống cho các chiến dịch ném bom vào các mục tiêu chiến lược nằm trong lãnh thổ nước Đức
|
Đây là chiến đấu cơ DeHavilland Mosquito, một trong những mẫu thiết kế độc đáo nhất trong lịch sử hàng không thế giới với thiết kế gần như hoàn toàn bằng gỗ, tới mức hầu hết các bộ phận có thể được sản xuất trong những xưởng đồ nội thất hay đàn piano. Cũng chính nhờ vậy, chiếc Mosquito từng là một trong những chiến đấu cơ nhanh nhất thế giới, và sau này còn được nâng cấp và cải tạo cho các nhiệm vụ đặc biệt như ném bom loại nhẹ và chiến đấu ban đêm. Trùm phát xít Hermann Goering, vốn là Tư lệnh Không quân Đức, đã từng phải thốt lên như sau: “Mỗi lần nhìn thấy chiếc Mosquito là tôi lại thấy tức giận và ghen tị đến mức điên cuồng… Người Anh có trong tay các thiên tài còn chúng ta chỉ có những thằng ngốc”
|
Pháo đài bay Avro Lancaster, vốn là mẫu máy bay ném bom chiến lược chủ lực của không quân Anh trong Thế chiến 2
|
Đây là chiến đấu cơ Messerschmitt Bf109, vốn là máy bay chủ lực của phát xít Đức trong suốt thời gian Thế chiến 2 và là kỳ phùng địch thủ của chiếc Spitfire. Theo các thống kê quân sự thì đây là mẫu chiến đấu cơ thành công nhất của cả thế chiến, trong đó 100 phi công giỏi nhất của lực lượng không quân Đức đã bắn hạ tổng cộng gần 15.000 máy bay của cả phía Đồng minh lẫn Liên Xô
|
Mặc dù không thuộc hàng có chiến tích lẫy lừng nhưng đây chắc chắn là một trong những mẫu máy bay thuộc hàng độc đáo nhất của bảo tàng: thủy phi cơ Supermarine Stranraer, được thiết kế vào những năm 1930 với mục đích là tuần tra dọc theo các khu vực duyên hải
|
Đây là chiến đấu cơ phản lực đầu tiên trên thế giới: Messerschmitt Me-262, vốn là một trong những vũ khí bí mật mà phát xít Đức dồn hết sức phát triển nhằm chặn bước tiến của lực lượng Đồng minh vào những ngày tháng cuối cùng của Thế chiến 2. Tuy nhiên, do thiếu thời gian để thử nghiệm kỹ lưỡng và điều chỉnh lại thiết kế nên Me-262 đã mắc phải một loạt khuyết điểm, nhất là ở chỗ động cơ rất dễ hỏng hóc. Hơn thế nữa, do tốc độ sản xuất bị đình trệ và số lượng ít ỏi nên Me-262 đã không kịp làm thay đổi cục diện cuộc chiến. Mặc dù vậy, Me-262 vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử ngành hàng không quân sự, do các mẫu chiến lợi phẩm mà lực lượng Đồng minh thu được đã trở thành nền tảng để thiết kế nên các thế hệ chiến đấu cơ phản lực đầu tiên của cả Mỹ lẫn Liên Xô
|
Đây là chiếc trực thăng Sikorsky R-4B của Mỹ, vốn là con đẻ của nhà thiết kế huyền thoại người Mỹ gốc Nga Igor Sikorsky và cũng là thủy tổ của các loại trực thăng hiện đại ngày nay. Được phát triển vào cuối thời Thế chiến 2, chiếc R-4B cũng kịp tham gia vào các hoạt động giải cứu tại chiến trường Thái Bình Dương trước khi cuộc chiến kết thúc
|
Đây là máy bay ném bom chiến lược Avro Vulcan B2, vốn từng được xem là con át chủ bài của nước Anh trong trường hợp có chiến tranh hạt nhân xảy ra. Sau này, do nước Anh phát triển lực lượng tàu ngầm hạt nhân nên Avro Vulcan được chuyển đổi vai trò từ ném bom hạt nhân thành tấn công các vị trí chiến lược thông thường. Trong cuộc chiến tranh giành quần đảo Falklands/Malvinas với Argentina vào năm 1982, Avro Vulcan đóng vai trò quan trọng trong việc ném bom sân bay duy nhất của quần đảo này, từ đó góp phần làm tê liệt hoạt động của lực lượng không quân Argentina
|
Đây là chiến đấu cơ Harrier, vốn là con át chủ bài của lực lượng Hải quân Anh. Là mẫu máy bay chiến đấu đầu tiên trên thế giới có khả năng cất và hạ cánh theo chiều thẳng đứng (còn gọi tắt là VTOL), chiếc Harrier cho phép các hàng không mẫu hạm hạng nhẹ của Hải quân Anh có thể dễ dàng chuyên chở ít nhất 20 máy bay mà không cần phải lo lắng về chiều dài đường băng. Ngoài ra, chiếc Harrier cũng có thể dễ dàng sử dụng các sân bay dã chiến được xây dựng cấp tốc trên đất liền. Trong cuộc chiến Falklands/Malvinas, các phi công lái Harrier đã đóng vai trò chủ lực trong việc triệt hạ sức chiến đấu của lực lượng không quân Argentina, với thành tích bắn hạ được 20 máy bay đối phương mà không hề chịu thiệt hại nào
|
Đây là chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon, vốn là sản phẩm từ sự hợp tác nghiên cứu giữa 3 nước Anh-Đức-Ý với mục tiêu là tạo ra chiến đấu cơ hiện đại nhất cho châu Âu. Hiện nay chiếc Typhoon đang được xem là máy bay hiện đại nhất của Không quân Anh và đã được đưa vào tham chiến lần đầu tiên trong các đợt oanh kích của khối NATO tại Libya vào năm 2011
|
Đây là nơi duy nhất trên thế giới bạn có thể chiêm ngưỡng một mô hình bằng kích cỡ thật của chiến đấu cơ hiện đại bậc nhất F-35 Lightning II. Được phát triển bởi một liên minh bao gồm 9 nước là Mỹ và các đồng minh thân cận như Anh, Canada, Hà Lan..., chiếc F-35 Lightning II là thành quả của công cuộc nghiên cứu tốn kém tới 40 tỉ USD. Hiện tại, quân đội Mỹ đang lên kế hoạch đặt mua ít nhất 2.400 chiếc F-35 Lightning II để làm chiến đấu cơ chủ lực cho thế kỷ 21, còn nước Anh thì cũng có kế hoạch trang bị gần 180 chiếc
|
Trần Tuấn Minh
(từ Vương quốc Anh)
>> Nga cân nhắc cấm cửa hàng không châu Âu
>> 100 năm ngành hàng không - Thảm họa kinh hoàng
>> Hàng không thế giới 'vá' lỗ hổng an ninh
>> Những điểm đen hàng không toàn cầu
>> Tập trận ảnh hưởng đến hàng không
>> Định vị hàng không miễn phí
Bình luận (0)