Những điểm đen hàng không toàn cầu

25/07/2014 09:00 GMT+7

An toàn hàng không tại các khu vực chiến sự trở thành chủ đề thu hút sự chú ý sau thảm kịch MH17 ở Ukraine.

An toàn hàng không tại các khu vực chiến sự trở thành chủ đề thu hút sự chú ý sau thảm kịch MH17 ở Ukraine.

Những điểm đen hàng không toàn cầu 
Những khu vực cấm và hạn chế bay của FAA - Đồ họa: Sơn Duân

Thế giới có không ít những điểm nóng nguy hiểm trải dài từ Tây Phi đến Trung Á, một vòng cung rộng mà các chuyến bay thương mại có khả năng chịu rủi ro từ những loại vũ khí mặt đất. Dù các chuyên gia vũ khí và chống khủng bố nói rằng các vùng trời phần lớn an toàn, nhưng nghi vấn về việc chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia bị tên lửa bắn rơi ở miền đông Ukraine ngày 17.7 bộc lộ những rủi ro cố hữu đối với mọi chuyến bay trên lãnh thổ, nơi các loại vũ khí uy lực có thể đang nằm trong tay các chiến binh nổi dậy.

Vùng cấm bay

Theo trang tin New Republic, nhằm đảm bảo an toàn hàng không và tránh thảm họa tương tự như đã xảy ra với MH17, Cục Hàng không dân dụng Mỹ (FAA) duy trì một danh sách Thông báo cho phi công (NOTAM) vốn áp đặt hạn chế đối với các chuyến bay dân sự của các hãng hàng không Mỹ ở những không phận nguy hiểm tiềm tàng. Không phận bị coi là nguy hiểm nếu nó nằm trên một núi lửa đang hoạt động, gần một khu vực thử nghiệm vũ khí hoặc trên một khu vực đang có chiến sự. Vào tháng 4, FAA đã đưa ra thêm một NOTAM hạn chế các hãng hàng không Mỹ bay ở bất kỳ độ cao nào trên bầu trời vùng Simferopol của bán đảo Crimea. Ngay vào đêm 17.7, sau vụ rơi máy bay MH17, FAA đã mở rộng phạm vi cảnh báo để bao gồm không phận Dnepropetrovsk vốn gộp cả khu vực giao tranh ở miền đông Ukraine.

Nhiều khu vực hạn chế do FAA công bố chỉ áp dụng cho những chuyến bay dưới một độ cao nhất định, thường là dưới 7.315 m. Tầm cao này thay đổi tùy theo tình trạng dưới mặt đất. Chẳng hạn, ở CHDC Congo, nơi các tay súng chống đối sở hữu công nghệ rốc két kém tối tân hơn, độ cao tối thiểu là 4.572 m, trong khi các máy bay bay trên khu vực thuộc quyền kiểm soát của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) phải duy trì độ cao trên 6.096 m. Cách đây khoảng hai tuần, chính phủ Ukraine tuyên bố các máy bay sẽ không được an toàn nếu bay thấp hơn độ cao 9.753 m trên bầu trời miền đông nước này, do sự hiện hữu của các vũ khí phòng không tại vùng chiến sự. Tuy nhiên, máy bay MH17 đã phải gánh chịu thảm họa ở độ cao hơn 10.058 m.

Ngoài Ukraine, CHDCND Triều Tiên và Ethiopia cũng nằm trong danh sách cấm bay của FAA bởi nơi đây cũng sở hữu các loại tên lửa uy lực tương tự tên lửa bị nghi ngờ đã bắn hạ máy bay MH17. Mới nhất, vào ngày 22.7, FAA đã ban hành lệnh cấm các hãng hàng không của Mỹ bay đến sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv (Israel) trong hai ngày, quyết định này xuất phát từ một vụ bắn rốc két từ Dải Gaza xuống gần sân bay Ben Gurion. Lệnh cấm đã được dỡ bỏ vào hôm qua dù FAA cảnh báo tình hình “rất dễ biến động” do giao tranh vẫn đang xảy ra ác liệt tại Gaza.

Vai trò của ICAO

Theo tờ The Wall Street Journal ngày 24.7, động thái của FAA được đưa ra giữa lúc Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), cơ quan phụ trách an toàn hàng không của LHQ, chuẩn bị đưa ra thông điệp thúc giục các chính phủ trên toàn thế giới cảnh báo các hãng hàng không về những nguy hiểm tiềm tàng của việc bay qua vùng chiến sự. Thông điệp của ICAO nhằm mục đích đảm bảo các nước ban hành những cảnh báo kịp thời và toàn diện khi các hoạt động giao tranh đe dọa sự an toàn của máy bay.

Các quy định an toàn hàng không quốc tế và hiệp ước thành lập ICAO quy định các cơ quan quản lý hàng không quốc gia đóng cửa không phận một khi các hãng hàng không bị đe dọa bởi các cuộc giao tranh. Nhưng mỗi chính phủ giữ quyền thực hiện đánh giá rủi ro riêng và quyết định thời điểm hành động như một “ngân hàng cung cấp NOTAM”. Thảm họa vừa xảy ra với MH17 đã khơi mào một cuộc tranh cãi lớn hơn liên quan đến việc hàng loạt hãng hàng không bay qua nơi đang có giao tranh.

Bloomberg dẫn lời ông James Hogan, Tổng giám đốc hãng Etihad Airways, nhận định: “Thảm kịch MH17 đã thay đổi mọi thứ và đó là lý do tại sao cần có một phản ứng thống nhất để đảm bảo chúng ta có thông tin phù hợp sẵn sàng để sử dụng và duy trì an toàn trên không”. Ông Hogan nói thêm rằng nhằm đảm bảo cho các hãng hàng không hoạt động trong một môi trường không có những rủi ro quá đáng, các tổ chức như ICAO và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) phải đóng vai trò dẫn đầu.

Tổ chức Quỹ an toàn hàng không (Mỹ) cho rằng hệ thống thông tin hiện tại cần được cải tổ. “Nếu các nước “không thể thực thi trách nhiệm quản lý không phận của mình một cách an toàn, ICAO nên đóng vai trò lãnh đạo trong việc cấm các hãng hàng không bay”, ông Jon Beatty, chủ tịch tổ chức trên nói.

Tuy nhiên, theo IATA, trách nhiệm nên nằm ở các lãnh đạo chính trị và các tổ chức quản lý cấp quốc gia. Tổng giám đốc của tổ chức này, ông Tony Tyler nhấn mạnh: “Các chính phủ cần phải chủ trì việc rà soát xem các đánh giá rủi ro không phận được thực hiện như thế nào”.

Trùng Quang

>> Vụ rơi máy bay quân sự ở Algeria: 77 người thiệt mạng
>> Máy bay rơi tại Algeria, hơn 100 người chết
>> Gia đình Gaddafi “đã rời Algeria”
>> Algeria đánh giá sai lầm trong cuộc khủng hoảng con tin
>> Nhóm bắt con tin Algeria đe dọa Pháp
>> Số con tin thiệt mạng tại Algeria tăng lên 48 người
>> Hơn 20 con tin thiệt mạng tại Algeria 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.