Trong xã hội xưa, tùy theo gia cảnh, tầng lớp quý tộc hoặc người giàu có thường nằm trên những chiếc giường gỗ quý chạm cẩn tinh vi, trên có khung để treo mùng. Chiếc mùng thường được may bằng vải dệt thưa để người nằm trong không bị ngộp, bị nóng. Để treo mùng vào khung, góc chiếc mùng được may con bọ (con đỉa) kín hoặc 2 dải rời nhau dùng nối với khung, như vậy có ít nhất 4 con đỉa được may ở 4 góc. Nếu con đỉa kín thì chiếc mùng cần có thêm những chiếc móc làm trung gian để nối chiếc mùng với khung treo mùng, và nếu mỗi con đỉa cần một chiếc móc thì bao nhiêu con đỉa là phải có bấy nhiêu chiếc móc tương ứng. Còn nếu con đỉa là 2 dải rời nhau thì chúng dùng để cột vào khung treo mùng.
Kho báu trong lăng Thoại Ngọc Hầu: Chiếc móc mùng của bà Vĩnh Tế
17/03/2017 07:23 GMT+7
Đồ tùy táng trong khu mộ Thoại Ngọc Hầu, bên phần mộ bà Châu Thị Vĩnh Tế (vợ ông Thoại Ngọc Hầu), cạnh các hiện vật khác người ta tìm thấy 8 chiếc móc câu bằng đồng.
Ở nhà bình dân, giường có thể chỉ là chiếc chõng không có khung, hoặc người ta không ngủ trên giường mà nằm chỗ khô ráo, nên để tiện lợi có thể cột con đỉa vào bất cứ nơi nào thuận tiện mà không cần dùng đến móc mùng. Ngày nay ở các thành phố, muỗi hầu như đã bị tiêu diệt, người dân nằm ngủ không cần mùng, nên thế hệ trẻ có thể không biết đến chiếc mùng và đặc biệt càng không biết đến móc mùng hoặc dụng cụ treo mùng.
Về mặt khảo cổ học, đến nay chưa có phát hiện khảo cổ nào thông báo về những chiếc mùng cổ hoặc móc mùng cổ... Tuy nhiên, điều thú vị là trong dân gian nước ta, đã tồn tại câu đố đề cập đến chiếc mùng và muỗi: “Bốn bên bốn bức tường cao/Giặc đánh ào ào người cứ ở trong cung” (giải đáp: Người ngủ trong mùng và phía ngoài là đàn muỗi). Trong câu đố, “bốn bức tường” ám chỉ chiếc mùng, còn “giặc đánh ào ào” là để chỉ đàn muỗi và “cung” là chiếc giường.
8 chiếc móc mùng cổ
Ở nước ta tuy không có công bố phát hiện khảo cổ về những chiếc mùng, nhưng đã có một số phát hiện và công bố về những chiếc móc mùng mà tiêu biểu là phát hiện về đồ tùy táng trong khu mộ Thoại Ngọc Hầu ở Châu Đốc (An Giang) tháng 10.2010.
Những người khai quật tìm thấy 8 chiếc móc câu bằng đồng có cán dài khoảng 15,5 cm, đường kính 8 cm, khung của chiếc móc có tiết diện tròn, đường kính khoảng 0,2 cm nối vào một cán dẹt rộng khoảng 1 cm, dài 6 cm, dày 0,1 cm, đầu còn lại của cán dẹt này lại có một lỗ nối với một khoen hình chữ nhật bo góc có tiết diện tròn khoảng 0,1 cm. Khoen tròn này chứng tỏ chiếc móc còn được bắt vào một chỗ nào đó.
Những chiếc móc câu này dùng để làm gì? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Chúng quá lớn để có thể câu cá, chúng cũng không phải là cái móc để treo các tảng thịt trong nhà bếp của Thoại Ngọc Hầu. Vậy chúng là gì mà có đến 8 cái giống hệt nhau? Đây là những hiện vật khá lạ, ngay cả một số chuyên gia khảo cổ kỳ cựu đã từng khai quật nhiều mộ cổ cũng chưa từng thấy các vật dụng tương tự trong những lần khai quật trước, và điều kỳ lạ là ngay như cả vật dụng dùng trong nhà hiện nay cũng ít gặp loại này. Khi nhận định chúng là những chiếc móc mùng thì trải qua tranh luận phản biện thú vị vì phải lý luận theo phương pháp loại trừ. Cuối cùng cũng có thể kết luận đây là 8 chiếc móc mùng với vị trí như sau: 4 cái được gắn vào 4 góc của khung treo mùng, 4 cái còn lại có thể được gắn ở giữa 4 thanh của khung treo. Đây có thể là móc treo mùng của bà Châu Thị Vĩnh Tế sử dụng sinh thời, đã được Thoại Ngọc Hầu chôn theo bà khi mất. Điều đáng chú ý, các nhà khảo cổ không tìm thấy đồ vải trong phát hiện về khảo cổ học lăng Thoại Ngọc Hầu. Tuy nhiên có dấu vết cho thấy sự tồn tại của vải vóc trong những tàn tích. Như vậy, chiếc mùng mà bà Châu Thị Vĩnh Tế sử dụng hồi sinh thời có thể cũng được ông cho chôn theo bà, nhưng có lẽ nó đã bị phân hủy theo thời gian. Có thể chúng đã được sản xuất tại Huế.
So sánh với niên đại năm 1800 của bức họa Trong mùng do họa sĩ người Nhật Utamaro vẽ với niên đại những chiếc móc mùng của bà Châu Thị Vĩnh Tế cũng trong khoảng trước sau những năm 1800, có thể thấy việc sử dụng mùng chống muỗi khi ngủ đã là một điểm chung trong “văn hóa ngủ” của VN và Nhật Bản thời ấy.
Như vậy, một trong những phát hiện hết sức thú vị của đồ tùy táng trong lăng Thoại Ngọc Hầu là những chiếc móc mùng cổ mà hiện nay tại VN chưa có bảo tàng nào trưng bày. Gần đây nhất, bảo tàng tư nhân Mỹ Sơn (Quảng Nam) trưng bày 2 cặp móc mùng có hình dáng tương tự những chiếc móc mùng của bà Châu Thị Vĩnh Tế, gồm 1 cặp bằng đồng, 1 cặp bằng bạc chế tác tinh xảo chạm hình cá, hình giỏ hoa… Cặp bằng bạc có chữ Hán dọc từ trên xuống: 黃 成 隆 海 防 (Hoàng Thành Long Hải Phòng), có thể hiểu là chiếc móc này do hiệu Hoàng Thành Long ở Hải Phòng sản xuất hay người chế tác là Hoàng Thành Long. Tên gọi Hải Phòng được định danh sớm nhất vào khoảng năm 1873 do tên gọi của căn cứ phòng ngự bờ biển tại Ninh Hải có tên là nha Hải Phòng sứ. Đến năm 1887, thực dân Pháp chính thức thành lập tỉnh Hải Phòng. Như vậy, có thể xác định cặp móc mùng này có niên đại sớm nhất là cuối thế kỷ 19.
Những chiếc móc mùng là những cổ vật khá lý thú, hầu như chưa từng được biết đến trong các bảo tàng hoặc trong các hội nghị phát hiện khảo cổ học. Việc giới thiệu, nghiên cứu chúng sẽ cung cấp nhiều thông tin lý thú về sinh hoạt của người xưa qua những đồ dùng quen thuộc.
Bình luận (0)