Kho báu trong mộ cổ: 'Bảo vật quốc gia' trong lăng Thoại Ngọc Hầu

23/11/2015 06:26 GMT+7

Khi lớp cát vàng được làm sạch, những người tham gia khai quật lăng Thoại Ngọc Hầu (An Giang) đã kinh ngạc trước một kho báu đồ sộ đầy ắp những di vật quý đặt trong hai kim tĩnh.

Khi lớp cát vàng được làm sạch, những người tham gia khai quật lăng Thoại Ngọc Hầu (An Giang) đã kinh ngạc trước một kho báu đồ sộ đầy ắp những di vật quý đặt trong hai kim tĩnh.

Một số di vật của kho báu lăng Thoại Ngọc HầuMột số di vật của kho báu lăng Thoại Ngọc Hầu
Tháng 9.2010, sau kỷ niệm 180 năm ngày mất của danh tướng Thoại Ngọc Hầu (1761 - 1829), Ban quản trị Lăng Miếu - Núi Sam (miếu Bà Chúa Xứ - Châu Đốc) thực hiện việc trùng tu, tôn tạo quần thể di tích lăng Thoại Ngọc Hầu.
Trong quá trình tôn tạo sân nền khu lăng mộ, những người thi công đã làm sụp tấm đan, xuất lộ hai kim tĩnh đặt hai bên mộ ông Thoại Ngọc Hầu và mộ bà Chính thất phu nhân Châu Thị Tế. Thông tin lập tức được cấp báo cho Sở VH-TT-DL tỉnh An Giang. Được sự chỉ đạo của cấp trên, Bảo tàng An Giang đã thực hiện việc khai quật khẩn cấp để xử lý những phát lộ này.
Kinh ngạc
Khi lớp cát vàng được làm sạch, những người tham gia khai quật đã kinh ngạc trước một kho báu đồ sộ đầy ắp những di vật quý đặt trong hai kim tĩnh. Tháng 12.2010, tỉnh An Giang thành lập hội đồng giám định hiện vật để nhận diện, đánh giá giá trị lịch sử văn hóa của khối kho báu đồ sộ này, với sự tham gia của các nhà khảo cổ học, sử học hàng đầu ở phía nam.
Tiến sĩ Phạm Hữu Công, Thư ký Hội đồng Khoa học giám định, cho biết qua nhiều ngày làm việc căng thẳng, nghiêm túc và thận trọng, Hội đồng Khoa học giám định đã thảo luận và đi đến thống nhất nhận định: Đây là bộ sưu tập đồ tùy táng của Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại (1761 - 1829) - quan Khâm sai Thống chế, Án thủ Châu Đốc kiêm quản Hà Tiên trấn, bảo hộ Cao Miên và phu nhân Châu Thị Tế (1766 - 1826).
Bộ sưu tập bao gồm những đồ vật của hai ông bà sử dụng trong những dịp lễ triều như: mão bằng vàng và những vật sử dụng hằng ngày rất phong phú của VN, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia cho tới châu Âu như các loại đồng tiền bằng vàng, bạc, các loại đồ gốm: bát, muỗng, đĩa, thố, ống nhổ, bình rót...; đồ thủy tinh như: kính đeo mắt, bình, ly chân cao, lọ hít...; đồ đồng gồm: đồng chạm, đồng tam khí, pháp lam (đồng tráng men); antimol như: nồi, mâm, ấm, chân đèn, hộp đựng nữ trang, ô trầu, chảo, khay, chậu (thau), mâm bồng, đĩa chân cao, ống điếu, lệnh bài...; đồ bạc như: muỗng, hộp...; và những tàn tích của những chiếc hộp gỗ, rương gỗ...
Bộ sưu tập bao gồm nhiều hiện vật quý hiếm trong đó có những hiện vật thuộc diện bảo vật quốc gia như chiếc mão vàng, thỏi, hộp vàng, đồng tam khí...; nhiều hiện vật được xác định là của vua Gia Long - Minh Mệnh ban tặng cho cả hai ông bà như đã từng ban tên núi, tên sông - kênh lớn của đất nước, được khắc trên Cửu Đỉnh - bảo vật quốc gia đặt tại Tử cấm thành ở Huế (kênh Vĩnh Tế) sông Thoại Hà, Thoại Giang, núi Thoại Sơn, đình Thoại Sơn..., xã Vĩnh Tế, Vĩnh Xuân... có giá trị cao về lịch sử văn hóa, thẩm mỹ, khắc họa rõ nét sinh hoạt của tầng lớp quan lại cao cấp thời kỳ đầu triều Nguyễn tại vùng đất cực Nam Tổ quốc, góp phần bổ sung những phần khuyết thiếu trong việc nhận thức về cổ vật thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn.
Phục nguyên hiện vật
Xác định đây là một kho báu duy nhất hiện biết ở VN được tìm thấy trong lòng đất gắn liền với một nhân vật lịch sử có công lớn lao ở Nam bộ nói riêng và cả lịch sử VN nói chung, các nhà khoa học đã đề nghị các cấp quản lý cần có kế hoạch nghiên cứu, bảo quản, phục nguyên và trưng bày bộ sưu tập trên (đặc biệt là phục dựng chiếc mão vàng). Hiện nay, dự án Nhà trưng bày Thoại Ngọc Hầu đã được Bộ VH-TT-DL cùng nhiều cơ quan chức năng phê duyệt, thực hiện.
Điều đáng chú ý là hình thức chôn cất kho báu này cho thấy, một hình thức táng tục không chỉ chôn đồ theo đồ tùy táng - là những bảo vật được vua ban tặng, tài sản và vật dụng gắn với cuộc sống sinh hoạt thường nhật của thống chế và phu nhân, mà còn có hình thức tạo hầm kho chứa của riêng bên cạnh mộ để làm tài sản mang theo về với “thế giới bên kia” của cõi vĩnh hằng.
Thống chế Thoại Ngọc Hầu (1761 - 1829) tên thật là Nguyễn Văn Thụy, quê quán tại P.An Hải, TP.Đà Nẵng ngày nay. Ngoài sự nghiệp lớn lao trong việc khai phá, đào sông, thu hút dân cư, lập ấp, phát triển sản xuất, thúc đẩy hoạt động giao thương, trấn giữ vùng đất Nam bộ, Thoại Ngọc Hầu cùng phu nhân Châu Thị Tế còn có nhiều hoạt động lớn lao, trong đó phải kể tới công lao vun đắp và phát triển tín ngưỡng thờ bà mẹ xứ sở - Bà Chúa Xứ - một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Tổng thể khu lăng Thoại Ngọc Hầu được chính ông quy hoạch và xây dựng phía sau miếu Bà Chúa Xứ, trên sườn núi Sam ít nhất cũng là từ năm 1821 sau khi bà thứ của ông là Trương Thị Miệt qua đời được an táng nơi đây, tiếp đến ông an táng bà chính thất gắn bó với cuộc đời của mình từ thuở hàn vi Châu Thị Tế (năm 1826) và sau khi ông mất, người con trai tên Lâm cùng với thành thần Gia Định đã tổ chức an táng ông ở nơi đã được định vị quy hoạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.